Mất việc và nguy cơ bất định 20 năm sau

(KTSG) – Khi học môn Dân số và Phát triển trong chương trình sau đại học, chúng tôi có thảo luận về một chủ đề mà Việt Nam hiện đang đối mặt, đó là giai đoạn già hóa dân số (dự kiến) sẽ bắt đầu từ sau năm 2040. Vậy, đất nước cần hành động như thế nào cho vấn đề này?

Trong khi đó, ngay lúc này, chính sách cho người lao động độ “tuổi vàng” chừng như vẫn rất bấp bênh, khi mà không ít người bị mất việc vào thời điểm “năm hết Tết đến” và mang tâm trạng đón Tết đầy bất an.

“Cơ cấu dân số vàng” đã đi qua 17 năm

Trước hết, đất nước chúng ta đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” – một điều kiện vô cùng thuận lợi để thu hút đầu tư, và cũng là lợi thế rất lớn trên thị trường lao động quốc tế mà không phải quốc gia nào cũng may mắn có được. Cơ cấu dân số vàng cũng hiếm gặp trong lịch sử phát triển của một quốc gia.

Đó là khi “tỷ số phụ thuộc” giảm xuống dưới 50%, nghĩa là cứ hai người lao động thì tương ứng có một người phụ thuộc (là người dưới 15 tuổi hoặc trên 64 tuổi). Hoặc khi quốc gia có ít nhất 66% dân số trong độ tuổi hoạt động kinh tế (15-64 tuổi) thì có “cơ cấu dân số vàng”.

Theo sự tổng hợp của PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Xoan (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM), từ năm 2005, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với tỷ số phụ thuộc là 49,5. Tỷ số này giảm xuống 46,4 (2009) và 46,6 (2016). Tính đến nay, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam đã đi qua 17 năm trong chiều dài tồn tại của nó vào khoảng 30-45 năm.

Mất lòng tin vào chính sách và hệ lụy tuổi già

Thống kê trong những tháng cuối năm nay cho thấy số người lao động mất việc nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp ở TPHCM là 128.000 người, ở Hà Nội là 51.200 người, Đồng Nai là 57.800 người(1)…. Những người này đang chờ cơ hội tìm việc làm mới và có thể họ vẫn giữ niềm tin vào chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là an sinh cho tuổi về già.

Nhưng cùng lúc đó, theo ông Chu Mạnh Sinh, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, “số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm 2022 ước khoảng 895.500 người” và “số liệu giải quyết hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2021 là trên 4 triệu người”(2).

Trong cuốn Lòng tin và vốn xã hội (NXB Tri thức, 2016), dưới góc nhìn xã hội học, tác giả là PGS.TS. Trần Hữu Quang cho rằng “nguồn gốc của sự tin cậy trong xã hội không phải xuất phát từ lòng tốt hay từ thiện ý chủ quan của từng cá nhân, mà xuất phát chủ yếu từ các định chế xã hội”, và “sự tin cậy tồn tại trên nền tảng của các quy ước và các chuẩn mực xã hội”.

Từ góc độ này, có thể thấy góc nhìn của người lao động về chính sách an sinh xã hội cũng có yếu tố niềm tin, cụ thể ở đây là về chính sách đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu khi về già. Người ta có thể tin các định chế sẽ được thực thi đúng và đảm bảo quyền lợi tương xứng cho họ trong tương lai. Nhưng sự bất định ở tương lai cũng có thể làm xói mòn lòng tin đối với chính sách.

Khi nhiều người lao động rút BHXH một lần thì không chỉ là chuyện về cơ hội nhận lương hưu của nhiều người sau khi họ hết tuổi lao động bị hẹp lại, mà cả chiến lược phát triển chính sách an sinh cho người dân ở tầm vĩ mô cũng trở nên khó khăn. Liệu có thể giải quyết thế nào về cái vòng luẩn quẩn: bắt buộc đóng BHXH – rút BHXH một lần – về già không có thu nhập – ai lo cho cuộc sống người già?

Cũng theo thống kê, chỉ có khoảng 16-17% người cao tuổi hưởng lương hưu hoặc mất sức, hơn 10% hưởng trợ cấp người có công, còn lại – trên 70% sống bằng lao động của chính mình hoặc bằng nguồn hỗ trợ của con cháu và gia đình.

Từ Nghị định 136/2013/NĐ- CP ngày 21-10-2013, những người 80 tuổi trở lên, phụ thuộc hoàn cảnh, sẽ được hưởng trợ cấp xã hội 270.000 đồng/tháng, tức 3,24 triệu đồng/năm. Vấn đề an sinh xã hội cho người cao tuổi ở nước ta ngày càng trở thành bài toán lớn và khó, và sẽ càng khó hơn khi thời kỳ “dân số vàng” dần qua đi.

Chính vì là vấn đề khó nên càng cần phải tìm cách giải ngay, nếu không, chúng ta sẽ càng phải đối mặt với những bất ổn lớn hơn khi dân số già hóa trong khoảng một thế hệ nữa.

(1) https://cuoituan.tuoitre.vn/cong-nhan-trong-con-bao-cat-giam-20221111111205778.htm
(2) https://tuoitre.vn/nguoi-rut-bhxh-mot-lan-tang-pho-chu-tich-quoc-hoi-noi-khong-bat-thuong-la-khong-dung-202212151545212.htm