(KTSG) – Một thông điệp chủ chốt của nhóm chuyên gia Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và nhóm chuyên gia trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, tại Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022, là chỉ bằng cách phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế – xã hội – môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn xin giới thiệu một trong những mắt xích quan trọng đầu tiên cần phải thay đổi là quan điểm về an ninh lương thực.
Trong một thời gian dài, an ninh lương thực ở Việt Nam vô hình trung đồng nghĩa với sản lượng lương thực, trong đó chủ chốt là gạo, và hệ quả là phải kiên quyết giữ diện tích đất lúa. Quan điểm này có thể hợp lý cho đến đầu thập niên 1990 khi đất nước còn thiếu lương thực nhưng sau đó càng ngày càng trở nên lạc hậu.
Theo dự phóng của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) và Ngân hàng Thế giới, ngay cả khi diện tích lúa giảm từ 4 triệu héc ta xuống 3 triệu héc ta thì Việt Nam vẫn đủ đáp ứng nhu cầu lương thực cho người và thức ăn cho gia súc, đồng thời vẫn thặng dư khoảng 3 triệu tấn gạo để xuất khẩu.
Quan điểm an ninh lương thực hiện đại không chỉ coi trọng số lượng lương thực, mà quan trọng hơn là khả năng tiếp cận, chất lượng, sự an toàn, cũng như khả năng chống chịu và thích nghi trước những cú sốc về kinh tế và môi trường. Theo cách tiếp cận này, trong số ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới thì chỉ có Mỹ được xếp hạng 9, còn Thái Lan và Việt Nam lần lượt đứng thứ 51 và 61 trong Chỉ số an ninh lương thực toàn cầu 2021.
Theo cách tiếp cận an ninh lương thực hiện đại, trong số ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới thì chỉ có Mỹ được xếp hạng 9, còn Thái Lan và Việt Nam lần lượt đứng thứ 51 và 61 trong Chỉ số an ninh lương thực toàn cầu 2021.
Là trung tâm nông nghiệp của cả nước, đảo ngược “vòng xoáy đi xuống” trong lĩnh vực nông nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm ở ĐBSCL. Báo cáo trên đề xuất chiến lược chuyển đổi nông nghiệp dựa trên bốn thay đổi cơ bản về tầm nhìn, thể chế, khoa học – công nghệ, và cơ cấu kinh tế.
Chiến lược chuyển đổi nông nghiệp ĐBSCL cần bắt đầu với sự thay đổi tầm nhìn, qua đó xác định được đích đến một cách đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, đồng thời gỡ bỏ được một số “vòng kim cô” ngăn cản sự phát triển nông nghiệp của vùng trong quá khứ.
Điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa tầm nhìn này là thay đổi thể chế một cách có hệ thống. Ví dụ, thay đổi thể chế ở khía cạnh chế độ sở hữu đất, vai trò nhà nước – hiệp hội – doanh nghiệp, cơ chế quản trị vùng, cụm ngành, chuỗi giá trị… Nhờ đó tạo ra các khuyến khích giúp tăng năng suất và giá trị một cách bền vững.
Quá trình này cần được hỗ trợ bởi những thay đổi khoa học – kỹ thuật như cơ giới hóa, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn,…
Kết quả của tất cả những quá trình này là sự thay đổi cơ cấu nông nghiệp, nhờ đó hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp và phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường, tăng thu nhập một cách ổn định cho nông dân, và phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình “thuận tự nhiên”, trong đó các mục tiêu kinh tế – xã hội – môi trường có tính cân bằng và hài hòa.
Báo cáo khuyến nghị ĐBSCL chuyển đổi nông nghiệp theo hướng thích ứng và “thuận thiên”. Chính sách “an ninh lương thực dựa vào lúa gạo” được điều chỉnh theo hướng ưu tiên các mô hình có nhiều lợi thế so sánh và sản xuất nông sản theo định hướng thị trường, với trục chiến lược là thủy sản và trái cây thay vì lúa gạo.
ĐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn lao trong quá trình phát triển. Một mặt, ĐBSCL phải đối diện với những thách thức về mặt suy thoái môi trường, tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, ĐBSCL phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân, sống “thuận thiên”, thích ứng với sự thay đổi môi trường và biến đổi khí hậu. Do vậy, tìm kiếm các mô hình phát triển kinh tế – xã hội – môi trường phù hợp cho nông nghiệp vùng ĐBSCL là hết sức cần thiết và cấp bách, và kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp như vậy.