Ẩm thực luôn là chủ đề hấp dẫn không chỉ với người sành ăn và còn là xu hướng kinh doanh đầy tiềm năng cho người đang mong muốn bước chân vào con đường khởi nghiệp. Bởi là lĩnh vực có nguồn khách hàng đông và đa dạng, cùng khả năng hồi vốn và sinh lời nhanh, kinh doanh ẩm thực hay còn được gọi là kinh doanh F&B nhận được những kỳ vọng to lớn từ thị trường.
Vậy các mô hình kinh doanh F&B phổ biến nhất hiện nay là gì? Trước khi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, bạn cần biết rằng F&B được xem là một trong những ngành hàng kinh doanh top đầu trong lựa chọn để “khởi nghiệp” hiện nay. F&B là một trong những lĩnh vực kinh doanh được đánh giá là có tiềm năng sinh lời lớn, tốc độ thu hồi vốn khá nhanh. Nhưng để thành công, doanh nghiệp sẽ cần chọn đúng mô hình kinh doanh để phát huy được thế mạnh của mình. Cùng Innovative Hub tìm hiểu về mô hình mới trong hoạt động kinh doanh ngành F&B hiện nay qua bài viết sau.
Xu hướng kinh doanh F&B tại Việt Nam hiện nay
Để khắc phục hậu quả mà COVID gây ra, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi tư duy trong sản xuất và hoạt động kinh doanh để thích nghi với thay đổi trong thói quen tiêu dùng của khách hàng. Theo khảo sát của Vietnam Report, có 50% khách hàng đã chi tiêu nhiều hơn cho các thực phẩm tăng cường miễn dịch và sức đề kháng, các thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ và thực phẩm sạch, lành mạnh. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống. Theo số liệu của cục Thống kế TP HCM, chỉ số sản xuất ngành chế biến thực phẩm 9 tháng đầu năm 2020 đạt 103,4% so với cùng kỳ năm trước, đây được xem là dấu hiệu đáng mừng với nền kinh tế của Việt Nam trong thời ký khủng hoảng dịch Covid.
Có nhiều cách để doanh nghiệp điều chỉnh quy trình vận hành, tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài, đáp ứng các mục tiêu về trách nhiệm xã hội và môi trường. Doanh nghiệp tập trung vào các công nghệ chuyên biệt và thị trường ngách – định vị giá trị bản thân bằng cách tăng cường phân phối trực tiếp, tăng tính linh hoạt và tốc độ phân phối. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chuyển đổi phương thức phát triển sản phẩm, sử dụng linh hoạt và liên kết kỹ thuật số để cải thiện tốc độ và khả năng kết nối với khách hàng mà ở đó có thể tùy chỉnh việc giới thiệu các sản phẩm và thiết kế mới.
Ở thời điểm dịch COVID bùng phát mạnh nhất, doanh nghiệp ngành F&B thúc đẩy doanh thu bằng cách xây dựng lại mô hình tối ưu hóa hoạt động của nhân sự và xây dựng mô hình hoạt động kinh doanh từ xa. Bằng việc cải tiến các thiết bị công nghệ, thúc đẩy kỹ thuật số, công nghệ và phân tích. Ba bước phục hồi kinh doanh, mà doanh nghiệp không chỉ trong ngành F&B cần thực hiện được Vietnam Report đề cập, bao gồm:
+ Xác định và ưu tiên: Lập kế hoạch về xuất phát điểm của doanh nghiệp và xác định nhu cầu của doanh nghiệp. Đưa ra những phương án và biện pháp cụ thể về những công việc cần làm và làm như thế nào đồng thời đánh giá mức độ khả thi của biện pháp đó. Doanh nghiệp cũng cần phân tích sự hiệu quả của các kênh thương mại đang phát triển hiện nay như thế nào để có kế hoạch marketing, phân phối sản phẩm và dịch vụ cụ thể hơn.
+ Hành động: Điều chỉnh mô hình kinh doanh, tính năng của sản phẩm sao cho phù hợp với khách hàng. Tập trung vào khách hàng và tận dụng triệt để các kênh số hóa.
+ Xây dựng mô hình ứng biến thần tốc: Làm việc linh hoạt và nhạy bén trong công việc, tiếp cận khách hàng, minh bạch trong các chỉ số đo lường hiệu quả công việc. Tính linh hoạt thể hiện ở chỗ lấy khách hàng làm trọng tâm, được hỗ trợ bởi các quy trình, phương thức quản trị phù hợp.
Bằng việc chủ động thay đổi tư duy trong sản xuất – kinh doanh trong hoàn cảnh mới, giá trị xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM cho biết, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm trên địa bàn vẫn đáp ứng được nhu cầu trong nước, đảm bảo ổn định giá cả thị trường, không tăng giá, mặc dù giá nguyên vật liệu đầu vào có tăng. Đáng chú ý, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, nhờ hiệu ứng từ EVFTA mà đã có những tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, xuất khẩu gạo trong 9 tháng năm 2020 đạt 5 triệu tấn, giảm 0,6% về khối lượng, nhưng giá trị tăng 12%; xuất khẩu rau đạt 515 triệu USD, tăng 7,6%. Sản phẩm lương thực, thực phẩm của Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, ASEAN, EU, Nhật Bản,..
Trên kênh thương mại trực tuyến, mức tăng trưởng bán hàng ngành thực phẩm và đồ uống cũng tăng đột biến. Ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc Phát triển kinh doanh và Quan hệ Chính phủ Alibaba.com cho biết, từ khi dịch Covid -19 bùng phát và lan rộng, nhu cầu mua sắm hàng trực tuyến tăng vọt so với trước đó. Trong nhóm 100 sản phẩm có mức tăng trưởng bán hàng cao thời gian qua, có tới 48 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm và đồ uống, đặc biệt là thực phẩm ăn liền, thực phẩm tốt cho sức khỏe, thực phẩm năng lượng, gia vị và thực phẩm chức năng.
Mô hình mới trong hoạt động kinh doanh ngành F&B
Ẩm thực lưu động
Trải nghiệm ẩm thực đường phố được xem là nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người Việt, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID cùng với nghị định 100 của Chính phủ, hoạt động ăn uống đường phố này bị hạn chế đáng kể. Những chuỗi ẩm thực lớn đang tìm kiếm đến mô hình kiosk và xe lưu động ẩm thực đường phố như một cách để thử nghiệm các món take-away mà không phải lo chi phí thuê nhân viên hay mặt bằng. Thương hiệu cà phê Highlands nổi tiếng với những vị trí đắc địa gần đây đã triển khai mô hình xe đẩy di động chỉ phục vụ mang đi và những chiếc xe này được đặt trước các tòa nhà lớn. Một số thương hiệu nổi tiếng khác chuyên về gà rán và pizza cũng đã mở rộng dịch vụ sang mô hình container đặt dưới các khu dân cư. Hay nhiều trung tâm thương mại hay tòa nhà văn phòng cũng đã xuất hiện các gian hàng pop-up, dưới dạng kiosk đặt ngay tại sảnh mua sắm.
Đây được xem là mô hình mới trong hoạt động kinh doanh ngành F&B, mô hình ẩm thực lưu động tập trung chủ yếu vào các đối tượng khách hàng muốn tìm kiếm trải nghiệm mua sắm mới mẻ hay thuộc nhóm đối tượng bận rộn như nhóm tuổi Millennial và Gen Z. Để phát triển mô hình kinh doanh này trong thời gian dài, thu hút nhiều khách hàng hơn doanh nghiệp cần chú ý nâng cấp, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các mô hình kinh doanh F&B phổ biến nhất 2022
Ngày nay, nhu cầu ăn uống của người tiêu dùng không còn giới hạn ở sự “ăn no” mà là trải nghiệm, thưởng thức và khám phá. Nắm bắt được tâm lý này, ngày càng có nhiều doanh nghiệp mạnh tay đầu tư cho mô hình kinh doanh ẩm thực mới lạ, độc đáo. Đặc biệt, những mô hình kinh doanh mới thích ứng với tình hình mới sau dịch được kỳ vọng sẽ hiệu quả hơn.
Thứ nhất, mô hình kinh doanh đồ ăn/đồ uống take-away (khách hàng mua mang đi). Mô hình này đã phát triển vì cuộc sống bận rộn đã thúc đẩy nhu cầu mang đi để tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, đại dịch vừa qua cũng khiến người dùng có thói quen mua đồ ăn, thức uống giao tận nơi để an toàn và chủ động. Theo xu hướng này, một số thương hiệu phục vụ ăn uống đã mở các cửa hàng nhỏ mang đi hoặc các thương hiệu chỉ kinh doanh trực tuyến đã mở thêm cửa hàng để khách hàng đến mua mang về. Để tăng tốc độ phục vụ, nhiều cửa hàng còn đầu tư sử dụng phần mềm quản lý bán hàng để hỗ trợ ghi nhận order và thực hiện thanh toán với nhiều phương thức nhanh chóng.
Thứ hai, mô hình kinh doanh tự phục vụ đang là xu hướng bùng nổ hiện nay. Năm 2022, nhiều nhà hàng, quán cà phê cũng sẽ theo xu hướng và chuyển đổi phương thức hoạt động từ “phục vụ bàn” sang “tự phục vụ”. Tự phục vụ mang lại lợi ích cho cả khách hàng và chủ doanh nghiệp. Về phía khách hàng, họ được trải nghiệm một cảm giác mới thú vị, khác hoàn toàn với cách phục vụ truyền thống khi không phải đợi nhân viên mang đồ ăn, thức uống mà được tự do di chuyển, lấy đồ. Ngoài ra, nhờ mô hình này, các công ty có thể tiết kiệm chi phí nhân sự.
Thứ ba, mô hình hai chiều giữa phân phối thực phẩm và dịch vụ F&B ngày càng phát triển. Ở khía cạnh thứ nhất, dịch vụ ăn uống sẽ tích hợp các mô hình sản xuất và phân phối thực phẩm như một giải pháp an toàn và định hướng kinh doanh lâu dài. Ngược lại, doanh nghiệp sản xuất và phân phối thực phẩm sẽ chủ động gắn mô hình dịch vụ ăn uống để tự tạo đầu ra. Đặc biệt, doanh nghiệp ở mô hình này còn có thể tập trung vào phát triển các chuỗi điểm bán sở hữu hoặc nhượng quyền.
Tiếp theo, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ở các thành phố lớn, ngành dịch vụ ăn uống đang dần mở rộng ra các tỉnh lẻ. Đây là lý do ngày càng nhiều chi nhánh của các thương hiệu lớn mọc lên ở các tỉnh thành, tạo thành một xu hướng phát triển mới. Ưu điểm của mô hình này là chi phí thuê mặt bằng, nhân lực sẽ rẻ hơn, giúp thu lợi nhuận nhanh. Ngoài ra, những thương hiệu nổi tiếng tại các thành phố lớn sẽ có lợi thế cạnh tranh và được người tiêu dùng đón nhận, ưa chuộng.
Cuối cùng, mô hình All-in-shop trở nên phổ biến. Mô hình này được hiểu là sự tập trung của nhiều tiện ích khác nhau tại một khu vực nhất định. Các tiện ích này thường có mối liên hệ với nhau và phục vụ nhu cầu cấp thiết nhất là kích thích khách hàng hành động nhiều hơn. Ví dụ chuỗi tiện ích có thể bao gồm: hàng tiêu dùng, quầy thực phẩm, quầy thuốc, dịch vụ ngân hàng tích hợp…
Đối tượng khách hàng mà mô hình này nhắm đến thường là dân công sở, sinh viên và giới trẻ, những khách hàng ưu thích xu hướng mua sắm hiện đại. Các doanh nghiệp F&B trong mô hình này đóng vai trò như một mắt xích quan trọng. Cửa hàng sẽ đáp ứng nhu cầu ăn uống lớn và tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn.
TÌM HIỂU THÊM: MÔ HÌNH THƯƠNG MẠI TRUYỀN THỐNG