(KTSG) – Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội (NQ98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để TPHCM nâng cao chất lượng nền công vụ, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tôi đặc biệt chú ý hai nội dung trong nghị quyết này.
Thứ nhất là NQ98 quy định việc ủy quyền của Chủ tịch UBND TPHCM cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác trực thuộc ủy ban, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ủy ban được quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách, bảo đảm tinh gọn bộ máy; quyết định chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ để thu hút người có tài đức vào bộ máy nhà nước…
Theo thống kê, số lượng cán bộ công chức làm việc tại các cơ quan hành chính ở TPHCM hiện hơn 14.000 người và số cán bộ viên chức làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp là gần 100.000 người. Thoạt nhìn thì thấy lực lượng này khá dồi dào, nhưng nếu so trên dân số 10 triệu người, đặc biệt số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn là hơn 500.000 doanh nghiệp thì xem chừng đội ngũ này vẫn thiếu hụt để đáp ứng khối lượng công việc rất lớn phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là vào giai đoạn thành phố triển khai các quy định mới, các chế độ, chính sách mới.
TPHCM từng có những thời điểm mà đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lâm vào tình trạng quá tải trong khi thu nhập thì không đủ chi phí cho mức sống. Một số người đành phải xin chuyển ngành hoặc nghỉ việc. Đó là chưa kể chính sách lao động và tiền lương hiện nay chưa thực sự thu hút người tài vào làm việc cho bộ máy nhà nước tại thành phố.
Do vậy, với việc TPHCM được quyền quyết định nhiều vấn đề về cán bộ, công chức, viên chức, hy vọng thời gian tới thành phố sẽ đáp ứng tốt hơn các nhu cầu đối với nền hành chính công, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo của việc triển khai và đưa NQ98 đi vào cuộc sống.
Nội dung thứ hai cũng rất đáng quan tâm là NQ98 cho phép TPHCM được thành lập Sở An toàn thực phẩm – trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật từ các sở liên quan cho Sở An toàn thực phẩm. Theo tôi, việc này thực sự cần thiết trong tình hình cần sự quản lý và xử lý tốt hơn các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm tại thành phố.
Cần phải thừa nhận dù vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm rất được chú trọng, quan tâm từ nhiều năm qua nhưng tình trạng vi phạm vẫn tràn lan, tinh vi, mà các cơ quan chức năng chưa thể giám sát triệt để và xử lý kịp thời. Thực tế vẫn tồn tại nhiều vụ việc vi phạm rất nghiêm trọng, thậm chí có tổ chức. Dù đã có những vụ bị đưa ra xét xử hình sự với hình phạt tù và phạt tiền rất nặng, nhưng tình hình vẫn khá nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận xã hội và người tiêu dùng.
Tôi rất hy vọng với việc triển khai thực hiện NQ98, Sở An toàn thực phẩm sẽ nhanh được thành lập và đi vào hoạt động, sẽ có những bước đột phá trong quản lý hiệu quả vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi cũng như sức khỏe người tiêu dùng, từ đó nâng cao chất lượng sống cho người dân thành phố.