(KTSG Online) – Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định.
Hãng đánh giá tín dụng Moody’s cho biết xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam được nâng từ Ba3 lên Ba2. Triển vọng xếp hạng được thay đổi từ Tích cực sang Ổn định. Đáng lưu ý, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên toàn thế giới, được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Hãng giải thích việc nâng xếp hạng phản ánh sức mạnh kinh tế của Việt Nam đang tăng lên so với các nước cùng nhóm. Khả năng chống chịu với các cú sốc kinh tế vĩ mô bên ngoài cũng được cải thiện. Những kết quả này cho thấy độ hiệu quả của chính sách đã được cải thiện.
Moody’s dự báo việc này sẽ được duy trì khi nền kinh tế hưởng lợi từ thay đổi chuỗi cung ứng, đa dạng hóa xuất khẩu và khả năng thu hút đầu tư vào sản xuất trong nước. Mức xếp hạng cũng phản ánh tài khóa ổn định, nhờ kiểm soát lãi suất cho vay ở mức hợp lý, chính sách tài khóa thận trọng và thanh khoản của của danh mục nợ Chính phủ cải thiện.
Còn triển vọng được thay đổi từ Tích cực sang Ổn định, phản ánh mức độ cân bằng trong các yếu tố rủi ro có thể tác động đến xếp hạng. Moody’s kỳ vọng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện.
Về phía Việt Nam, một thông cáo từ Bộ Tài chính cho biết Việc Moody’s nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2 phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm thể hiện hiệu quả chính sách được cải thiện.
“Moody’s đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đa dạng hóa xuất khẩu và khả năng tiếp tục thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo”, Bộ Tài chính phân tích.
Kết quả nâng hạng, theo Bộ Tài chính, phản ánh nền tảng tài khóa vững chắc được hỗ trợ bởi chi phí vay được kiểm soát ở mức hợp lý, điều hành chính sách tài khóa cẩn trọng và thanh khoản của danh mục nợ Chính phủ được cải thiện. Điều này cũng phản ánh xu hướng Chính phủ chuyển đổi dần từ vay ưu đãi nước ngoài sang huy động vốn vay trên thị trường trong nước với chi phí thấp và kỳ hạn dài hơn.
Bên cạnh những nét tích cực, Moody’s cho rằng vấn đề vốn hóa của các ngân hàng quốc doanh, tăng trưởng tín dụng trong nước cao và rủi ro tiềm tàng với lĩnh vực bất động sản có thể tác động đến nền kinh tế nếu có cú sốc xảy ra. Biến động địa chính trị trong khu vực và trên toàn cầu, giá nguyên liệu nhập khẩu cao và triển vọng kinh tế các đối tác thương mại chính của Việt Nam thiếu chắc chắn có thể cản trở ngoại thương.
Cuối tháng 5, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác là S&P Global Ratings cũng nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. S&P đánh giá nền kinh tế trên đà phục hồi trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ hạn chế di chuyển trong và ngoài nước, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát Covid-19.