(KTSG) – Tại cuộc họp giữa một số doanh nghiệp kinh doanh vàng với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, có vài ý kiến ủng hộ cho việc duy trì các nội dung cơ bản của Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng(1). Nhưng liệu nghị định này có tác động to lớn như nhận định của đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh vàng?
Đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết, Nghị định 24 “Hiện nay vẫn có tác dụng làm cho thị trường ổn định và ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, Nghị định 24 ban hành cũng làm cho các hoạt động về nữ trang đi vào ổn định, không còn chuyện làm, kinh doanh những nữ trang thấp tuổi”.
Không thấy đại diện SJC đưa ra bằng chứng gì để hậu thuẫn cho nhận định trên nên nhận định chung chung như vậy có thể làm tăng thêm sự ngộ nhận về thị trường vàng nói chung và tác động của Nghị định 24 nói riêng.
Trước hết, khi kết luận Nghị định 24 “vẫn có tác dụng làm cho thị trường ổn định”, cần phải làm rõ “thị trường ổn định” là thị trường nào, và ổn định ở cái nghĩa nào? Nếu đó là thị trường (kinh doanh) vàng thì, trên thực tế, thị trường vàng không hề ổn định kể từ khi Nghị định 24 ra đời năm 2012.
Bằng chứng là giá vàng SJC, thương hiệu vàng độc quyền của NHNN, vẫn “một mình một chợ”, tăng giảm thất thường với biên độ/mức chênh lệch ngày càng rộng so với giá vàng thế giới, có lúc lên đến trên 20 triệu đồng/lượng.
Thậm chí, giá vàng SJC và vàng miếng trong nước nói chung không hiếm khi còn tăng giảm ngược chiều với giá vàng thế giới. Nên nếu lấy thị trường/giá vàng thế giới làm tham chiếu thì không quá lời khi nói rằng Nghị định 24 không giúp làm thị trường vàng trong nước ổn định hơn so với trước đó.
Về cung cầu, do NHNN nắm độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu nhưng trên thực tế đã không nhập vàng từ lâu nay nên tạo ra sự khan hiếm vàng nguyên liệu trong nước, thậm chí có lúc doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức phải dùng nguyên liệu là vàng miếng. Điều này càng gây ra sự bất ổn cho thị trường vàng miếng, vàng nguyên liệu, cũng như giá vàng trong nước.
Thực tế cần thừa nhận là tình trạng vàng hóa đã giảm, cũng như với tình trạng đô la hóa, và các giao dịch đều được thực hiện bằng tiền đồng, chủ yếu là nhờ lòng tin vào tiền đồng đã được cải thiện, bắt nguồn từ chuyện lạm phát cao của Việt Nam trong thời gian trước đây đã được khống chế tương đối thành công. Mà để có được thành công này thì chính lại là nhờ chính sách tiền tệ thận trọng hơn của NHNN.
Tiếp đó là ý của đại diện SJC cho rằng Nghị định 24 có tác dụng làm cho “ổn định kinh tế vĩ mô”. Cũng không rõ ý “ổn định kinh tế vĩ mô” thì cụ thể là ổn định cái gì. Nhưng vì lạm phát là một trong những biến số chính phản ánh ổn định kinh tế vĩ mô, nên ở đây ta có thể “phiên dịch” ý này thành ra là nhờ có nghị định nên lạm phát của Việt Nam đã được ổn định.
Nếu đại diện SJC lập luận đúng như thế thì lập luận này là “vơ vào”, bởi hiện thực rõ ràng ở Việt Nam là lạm phát được kiềm chế kể từ những năm đầu thập kỷ này hoàn toàn nhờ vào sự thay đổi trong lập trường chính sách tiền tệ của NHNN. Theo đó, trong các năm sau này từ khi ban hành Nghị định 24, điều trùng hợp là NHNN đã thận trọng hơn trong việc bơm tiền để thúc đẩy tăng trưởng như đã thực hiện trong các năm trước đó khi mà tăng trưởng tín dụng đã có lúc vọt lên tới trên 30%/năm.
Nói cách khác, ổn định kinh tế vĩ mô (lạm phát được kiềm chế) đạt được trong thời gian qua hoàn toàn là nhờ việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã hợp lý, đúng đắn hơn, chứ không phải đến từ việc thị trường vàng đã “ổn định” nhờ “công lao” của Nghị định 24!
Ý kiến của đại diện SJC nếu có điểm nào đó đôi phần hợp lý thì chỉ là ở điểm cho rằng Nghị định 24 dẫn đến “không còn làm, kinh doanh những nữ trang thấp tuổi”. Với những quy định về điều kiện và kỹ thuật mang tính ràng buộc, đương nhiên việc làm, kinh doanh vàng nữ trang sẽ bị chi phối bởi ý chí của cơ quan chức năng, trong đó có việc kinh doanh vàng nữ trang thấp tuổi. Nên, nếu muốn, điểm liên quan này trong Nghị định 24 là điểm có thể cân nhắc để tiếp tục duy trì, dù vẫn cần phải xem xét sửa đổi bởi chắc chắn nó vẫn còn một số nội dung mang tính hình thức, gây khó khăn không đáng có cho doanh nghiệp một cách không thật sự cần thiết.
Trong buổi gặp gỡ trên, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI cũng cho rằng “trước thời điểm 2012, giá vàng thay đổi liên tục, tác động rất xấu đối với nền kinh tế. Với Nghị định 24, NHNN đã quyết định việc sản xuất vàng miếng và sử dụng thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước duy nhất là SJC để trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia. Nếu không thực hiện như vậy thì vàng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, thị trường vàng không chỉ tác động đối với người dân mà còn gây phản ứng dây chuyền cho nền kinh tế”.
Nếu nói về sự “thay đổi liên tục” của giá vàng “tác động rất xấu với nền kinh tế” trước thời điểm năm 2012 như ý kiến trên thì cũng có thể thấy rõ đây cũng là một ý kiến “vơ vào” khác. Bởi, như trên đã nói, rõ ràng là sự thay đổi của giá vàng còn liên tục và mạnh hơn rất nhiều kể từ sau thời điểm 2021.
Tương tự là ý cho rằng nếu không có Nghị định 24 thì “vàng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế…”. Điều này là vô lý, bởi trước hết nó dựa vào tiền đề rằng giá/thị trường vàng đã ổn định kể từ khi ban hành Nghị định 24 hồi năm 2012, trong khi trên thực tế thì hoàn toàn không phải vậy, và nền kinh tế có ổn định thì đó là nhờ chính sách tiền tệ thận trọng của NHNN, như đã nói ở trên.
Bản thân đại diện của NHNN (Vụ Chính sách tiền tệ) trong cuộc gặp trên cũng chưa hợp lý khi nói rằng: “Với sự ra đời của Nghị định 24 đã tháo gỡ được tình trạng trên. Đến nay, các giao dịch trong nền kinh tế đều được thực hiện bằng tiền đồng, không còn được thực hiện bằng vàng, nền kinh tế không bị vàng hóa, không bị đô la hóa. Đây là thành tựu quan trọng nhất mà NHNN đã triển khai thực hiện theo quy định của Nghị định 24 và cần được duy trì, bảo vệ”.
Thực tế cần thừa nhận là tình trạng vàng hóa đã giảm, cũng như với tình trạng đô la hóa, và các giao dịch đều được thực hiện bằng tiền đồng, chủ yếu là nhờ lòng tin vào tiền đồng đã được cải thiện, bắt nguồn từ chuyện lạm phát cao của Việt Nam trong thời gian trước đây đã được khống chế tương đối thành công. Mà để có được thành công này thì chính lại là nhờ chính sách tiền tệ thận trọng hơn của NHNN.
Tóm lại, Nghị định 24 không tác động tích cực lên thị trường/giá vàng nói riêng và nền kinh tế nói chung như đại diện các doanh nghiệp và NHNN lập luận. Với chất lượng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN được nâng cao, Nghị định 24 nhìn chung đã trở nên bất cập, cần sửa đổi, thay thế.
——-
(1) https://www.anninhthudo.vn/sua-nghi-dinh-24-bo-doc-quyen-vang-mieng-doanh-nghiep-do-du-co-quan-quan-ly-se-can-nhac-ky-post512400.antd