“Mùa hè vĩnh cửu” của Hoàng Rob: Khởi đầu bởi Camus, kết thúc theo cách Hemingway

Nếu âm nhạc có thể truyền tải được cảm giác, thì “Mùa hè vĩnh cửu” của Hoàng là cơn gió mát lành trong ngày hạ chí nồng nực, là tiếng hoan ca của những khát khao tuổi trẻ bỏng cháy.

Mùa hè vĩnh cửu bắt đầu bởi Albert Camus, Hoàng Rob chia sẻ như vậy trong lời mở đầu album. Nó là một mã nhận biết, gợi ra nhiều hướng tiếp cận về mặt hình ảnh và câu chuyện của album này. Chính ở đây, ta thấy Hoàng Rob trở thành một phiên bản nghệ-sĩ-hiện-sinh mà có thể trước đây anh chưa hoặc không nhận ra.

Ta còn thấy Hoàng Rob đã khởi sự sáng tạo album này bằng những câu chuyện, nhân vật đầy tính văn chương – thông qua việc đọc những dòng văn của Albert Camus. Sự hư cấu tạo nên câu chuyện nhưng đồng thời nó cũng mang đến cảm xúc. Đến lượt Hoàng Rob, sau khi đặt mình vào vai trò nghệ-sĩ-hiện-sinh, anh sẽ đặt ra những câu hỏi: “Ta cảm nhận thế nào về cuộc sống?”, “Người nghệ sĩ làm gì để phản ánh cuộc sống đó, bằng thứ tài năng mà mình có?”

So với album trước đó – “Hừng đông”, “Mùa hè vĩnh cửu” hấp dẫn hơn trong cách tạo ra cầu nối giữa nghệ sĩ và khán giả, sâu sắc hơn trong câu chuyện mà người nghệ sĩ kể. Và vượt ra việc kể chuyện, “Mùa hè vĩnh cửu” còn truyền đi những cảm giác.

Câu chuyện tuổi trẻ

Sẽ rất khó cảm nhận được hết “Mùa hè vĩnh cửu” của Hoàng Rob nếu như người nghe chỉ vội vàng nhấn nút play. Đối với nhạc hòa tấu (instrumental), việc tìm hiểu tên bản nhạc đóng một vai trò hết sức quan trọng, nó mở ra cho ta không chỉ chủ đề mà còn là toàn bộ concept của bản nhạc hay album đó. “Mùa hè vĩnh cửu” – tên album – cho thấy một ẩn dụ đầy thú vị về tuổi trẻ với những ước mơ tồn tại mãi mãi, những đắm say tận hưởng trước cuộc đời khoáng đạt, dù điều gì xảy ra sau đó cũng chẳng còn quan trọng nữa.

Thông qua tên các bản nhạc, có thể hình dung đó là một mùa hè rất đặc biệt. Vào những ngày tháng 6 bỏng rát, chúng ta cùng thực hiện một chuyến đi giữa đại lộ hướng ra biển, ngắm đêm rực rỡ với những vì sao băng. Tuổi trẻ rạo rực và đắm say, nhưng đồng thời cũng nhiều hoang mang và bất ổn. Nếu một người trẻ nói rằng họ cần một chuyến đi, đó là khi tâm hồn họ đã rệu rã bởi công việc và cuộc sống. Trong chuyến đi đó, Hoàng Rob chính là người dẫn đường, bằng tiếng đàn violin.

Sự song hành của cảm giác

Album bắt đầu bằng những thanh âm mượt như nhung rồi dần dày dặn hơn, rộn rã hơn, thúc giục hơn. Tiếng violin da diết, mượt mà đầy tính con người của Hoàng nằm giữa những thanh âm điện tử nảy giòn mạnh mẽ, càng trở nên quyến rũ.

Bài hát đầu tiên cũng định hình một công thức cho toàn bộ album này: những bản instrumental dù được phối với nhạc điện tử nhưng lại rất “ambient”, dễ nghe và dễ chill. Bên cạnh đó, các bản nhạc dù không lời nhưng lại có cấu trúc khá giống với các bài hát nhạc pop thông thường, nó tạo hiệu ứng dễ chịu nhưng đôi lúc cũng có thể làm đứt mạch phiêu lưu của người nghe nhạc.

Nếu như những giai điệu và âm thanh điện tử do Hoàng Touliver và SlimV tạo nên dắt dụ người nghe bởi chất pop dễ cảm nhận thì tiếng đàn của Hoàng Rob đặc biệt nhất ở sự dịu dàng trong “Sao băng”, sự quyến rũ và thăng hoa trong “Tháng 6”, sự mơ màng trong “Đêm rực rỡ”.

Có thể nói Hoàng là một nghệ sĩ thông minh khi anh biết vẻ đẹp của sự vừa đủ và luôn biết cách khiến cho mình nổi bật với những thứ mình nắm giữ trong tay. Hoàng không lạm dụng tiếng đàn của mình mà chọn đúng chung với các nghệ sĩ khác một cách đầy hợp lý. Ngoài những bản nhạc Instrumental, album có ba ca khúc mà Hoàng kết hợp với các ca sĩ khác bao gồm: “Sunday love” (Bùi Lan Hương hát), “Giấc mơ giữa đại lộ” (Hoàng Dũng hát) và “Bữa tiệc phù hoa” (Hồ Ngọc Hà hát). Sự xuất hiện của ba ca khúc này khiến mạch truyện trở nên rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, sự đan xen giữa những bản nhạc rộn ràng với những bản nhạc sâu lắng cũng tạo nên một kiểu kết cấu gần như song hành, của thăng và trầm, như trời xanh và biển sâu.

Và hội hè miên man…

“Mùa hè vĩnh cửu” có thể là một trong nhiều kết quả mà Hoàng Rob đã lựa chọn và thực hiện. Càng đi sâu vào nó, ta càng thấy rõ những cảm nhận và cách diễn giải rất riêng của anh. Nếu khởi sự đưa Hoàng đến với album này là triết lý hiện sinh của Albert Camus thì cuối cùng, nghệ sĩ violin trẻ đã thể hiện ý tưởng đó thành một bữa tiệc âm nhạc. Đó là một sự tận hưởng gần như tuyệt đối trước cuộc sống, đặc biệt là những chuyến đi của tuổi trẻ.

Tuy mỗi bản nhạc gợi ra một cảm nhận riêng, nhưng tựu chung, toàn bộ đĩa nhạc đã mang đến cảm xúc và cảm giác về một cuộc “hội hè miên man” như cách nhà văn Ernest Hemingway đã viết. Ở đó, con người trân trọng cuộc sống và biến nó thành một cuộc vui bất tận. “Mùa hè vĩnh cửu” của Hoàng đẹp đẽ bởi nó là lời chúc mừng dành cho tất cả khi chúng ta được sống và tận hưởng cuộc sống này.