Muôn trùng khó khăn, doanh nghiệp kỳ vọng sự tiếp sức cho năm mới

(KTSG Online) – Một loạt doanh nghiệp Việt Nam sẽ rời thị trường nếu các cơ quan quản lý không có các giải pháp kịp thời và hữu hiệu để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về chi phí, nguồn vốn và môi trường kinh doanh.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết có 132.339 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng đầu năm 2022, tăng 24,3% so với cùng giai đoạn năm 2021 và cao hơn 1,3 lần mức bình quân cùng giai đoạn từ 2017 tới 2021. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 70.220 – tăng 34,8%, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 45.271 – tăng 14,7%, số doanh nghiệp giải thể là 16.848 – tăng 13,3%.

Kết quả này, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, bắt nguồn từ tình hình kinh tế thế giới đã và đang có nhiều biến động phức tạp khi giá năng lượng, hàng hóa cơ bản tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của nước ta. Ngoài ra, xung đột tại Nga – Ukraine khiến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh, tác động đến quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng – sản xuất, thiếu hụt nguồn tiền cho việc khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh, qua đó buộc nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Ngoài ra, đơn hàng với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng khiến nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.

Nhiều doanh nghiệp dệt may hoạt động cầm chừng chỉ đạt 50-70% công suất. Ảnh: THÀNH HOA

“Thiếu đơn hàng”, “khó duy trì hoạt động liên tục” cũng là những cụm từ xuất hiện nhiều trong văn bản, phân tích của các đại diện hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia.

Với lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết không ít doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt nhân viên.

Với riêng các đơn vị môi giới và sàn giao dịch, thống kê trong phạm vi một phân khúc cho thấy khoảng 100.000 nhân viên môi giới đã phải nghỉ việc hoặc chuyển sang công việc khác.

“Các doanh nghiệp chịu áp lực tăng giá đầu vào cho việc phát triển bất động sản rất lớn, từ vật liệu xây dựng, máy móc, nhân công, chi phí vốn. Ngoài ra, việc huy động nguồn vốn gặp không ít khó khăn từ thực tế kiểm soát tín dụng, trái phiếu”, ông Đính nói và cho rằng điều này khiến nhiều doanh nghiệp “đói vốn”, kéo theo thanh khoản yếu và sụt giảm doanh thu.

Cũng theo ông Đính, khó khăn về sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản còn đến từ việc thủ tục pháp lý bị vướng, đặc biệt là việc phê duyệt giá đất và nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất khiến hàng nghìn dự án trên cả nước gần như không được phê duyệt từ tục đầu tư.

“Thị trường bất động sản sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong năm 2023, từ đó tạo ra nhiều hệ lụy với nền kinh tế nếu các cơ quan quản lý không sớm có những điều chỉnh, điều tiết bằng chính sách vĩ mô”, ông Đính nói tại Diễn đàn kinh tế 2023 diễn ra cuối tháng 11.

Với lĩnh vực dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng cho tháng 11 và 12-2022. Tình trạng này dự kiến kéo dài đến quí 1-2023 với mức giảm bình quân 25-27%.

Theo đó, các doanh nghiệp gia công sẽ chịu áp lực lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp làm OEM, FOB (xưởng may sẽ mua vật liệu theo yêu cầu của khách hàng sau đó may sản phẩm, gắn mác để quảng bá được hình ảnh, cũng như thương hiệu của người đặt may – PV), vốn chủ động được đơn hàng, khách hàng và đầu vào.

Ngược lại, doanh nghiệp làm FOB, OEM chịu áp lực lãi suất ngân hàng tăng và tỷ đồng Việt Nam tăng so với nhiều ngoại tệ, dẫn tới không có tiền mua nguyên phụ liệu.

Khó khăn về dòng tiền cũng dần hiện hữu với doanh nghiệp, thể hiện qua số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại trong 2 tháng vừa qua. Theo đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 và 10-2022 lần lượt là 104.490 tỉ đồng và 106.916 tỉ đồng, giảm 2,3% và 21,4% so với tháng liền trước.

Ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán VNDirect, cho biết nhiều kênh huy động vốn của doanh nghiệp bị ách tắc khi ngân hàng đã hết “room” tín dụng từ giữa quý 2. Tới đầu quý 3, các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu cũng gặp nhiều khó khăn. Còn với quý 4, gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới.

“Trong ngắn hạn điều quan trọng nhất là phải duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông, từ đó mới có thể tiếp tục hoạt động sản xuất – kinh doanh” ông Long nói tại cuộc họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp vào ngày 23-11.

Bà Trần Thị Thu Trang, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kỹ thương, chia sẻ ngoài sự ách tắc về việc huy động vốn trên thị trường, không ít doanh nghiệp đang chịu áp lực khi kỳ đáo hạn trái phiếu đang đến gần. Đặc biệt, trong thời điểm họ chưa có khả năng tìm được nguồn vốn bù đắp hoặc cơ cấu lại các khoản nợ của mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp trở ngại không ít trong việc chấp hành pháp luật kinh doanh. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) dẫn kết quả từ một cuộc khảo sát của đơn vị này, qua đó ghi nhận 60,1% doanh nghiệp nêu ý kiến gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Chưa kể, tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho việc cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là 61,36%. Những rào cản này, theo bà Thảo, khiến 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hay hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.

Không để doanh nghiệp đơn độc vượt khó

Để giúp doanh nghiệp đối phó với những biến động trong năm tới, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng các chủ trương và chính sách của Chính phủ, Quốc hội cần đặt ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Đồng thời , húc đẩy cải cách thể chế kinh tế thị trường, bảo vệ môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, đảm bảo các tiêu chí của tự do kinh tế.

“Không nên có sự nóng vội để rồi can thiệp đột ngột, đặc biệt là các can thiệp có tính chất hành chính mệnh lệnh và phi thị trường. Bên cạnh đó, cần lưu ý những rủi ro về tự do hợp đồng và quyền tài sản là những yếu tố rất dễ gây các tổn thương về niềm tin và gây tác động dây chuyền trong toàn bộ nền kinh tế”, ông Việt lưu ý.

Với các rủi ro liên quan đến chi phí, ông Việt doanh nghiệp cũng cần phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và cơ quan trung ương để nghiên cứu cơ chế nhằm giảm các loại chi phí không chính thức, bên cạnh sự chuẩn bị về cơ chế, cách thức quản trị để tiết giảm chi phí,

“Bản thân doanh nghiệp cũng cần duy trì tinh thần khởi sự kinh doanh, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì sự chủ động trước các “sóng gió”. Đồng thời, các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý cũng cần hành xử theo thị trường, dựa trên cơ chế thị trường để có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp”, ông Việt khuyến nghị.

Ngoài ra, chuyên gia này khuyến nghị các cơ quan quản lý quan tâm nhiều hơn tới người lao động trong các doanh nghiệp. Với trường hợp lạm phát gia tăng cùng những bất ổn vẫn còn kéo dài sang năm 2023, doanh nghiệp cần phối hợp với các bên để có những gói an sinh xã hội cho người lao động, bên cạnh các gói hỗ trợ của Nhà nước.

Với vấn đề vốn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đề nghị các cơ quan quản lý có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các ngân hàng thương mại tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ qua giảm thuế, phí cho các ngân hàng này với mức giảm cao hơn so với quy định hiện nay. Đồng thời, xem xét có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý.

Ngoài ra, rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn. Tăng cường phối hợp chính sách, cải thiện môi trường đầu tư (thuế, hải quan, thủ tục hành chính…), tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, các thành phần kinh tế được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đầu vào và trong tiếp cận thị trường đầu ra

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã quyết định nới “room” tín dụng  để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực, mở rộng tín dụng với những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế trong thời gian tới.

Với mức tăng thêm 1,5-2%, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, ước tính 240.000 tỉ đồng sẽ được cung ứng cho nền kinh tế.

“Đây là dư địa khá lớn để các ngân hàng cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế”, ông Tú nói với báo chí.