Nan giải bài toán thu – chi ngân sách năm 2023

(KTSG Online) – Bối cảnh địa – chính trị thế giới biến động phức tạp, xu hướng siết chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn đã tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, khiến tình hình thu ngân sách năm 2023 dự kiến khó khăn hơn so với năm 2022.

Bộ Tài Chính đã công bố dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với tổng thu ngân sách tăng không đáng kể, còn tổng chi ngân sách sẽ tăng khá cao so với thực hiện năm 2022.

Về thu, tổng thu năm 2023 là 1.614.100 tỉ đồng, chỉ tăng 0,4% so với số ước thực hiện năm 2022.

Tỷ lệ động viên tài chính cũng giảm. Cụ thể, với số bội chi dự kiến là 460.500 tỉ đồng – bằng 4,47% GDP, thì GDP đạt 10,3 triệu tỉ đồng. Như vậy, tỷ lệ tổng thu ngân sách/GDP chỉ khoảng 15,7%, thấp khá hơn nhiều so với mức 18,8% của năm 2020, 18,5% của năm 2021, 19,4% của 9 tháng 2022 là 19,4%.

Thu ngân sách năm 2023 dự kiến chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động khó lường của kinh tế thế giới. Ảnh minh hoạ: M.T.

Về chi, dự toán chi năm 2023 là 2.076.200 tỉ đồng đồng, tăng 16,3%. Với quy mô GDP khoảng 10,3 triệu tỉ đồng, tỷ lệ tổng chi/GDP là gần 19,1% – cao hơn tỷ lệ tổng thu/GDP.

Đáng lưu ý, Bộ Tài chính dự toán tới 726.700 tỉ đồng cho chi đầu tư phát triển năm 2023, tăng 38,1% so dự toán năm 2022 và chiếm 35% tổng chi. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm tới rất cao so với mức 29,5% tại dự toán năm 2022 và mức 23,5% thực hiện trong 9 tháng năm 2022.

Thận trọng trong bối cảnh bất định

Mức tăng thu ngân sách cả năm tới chỉ khoảng 6.600 tỉ đồng – tương ứng tăng 0,4% so với số ước thực hiện năm 2022, được ông Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đánh giá là “quá thận trọng”.

Theo ông Dũng, dựa trên dự toán thu chi ngân sách quốc gia thì thu ngân sách nhà nước 15 năm qua đều tăng sau mỗi năm và chưa năm nào không hoàn thành nhiệm vụ. Đáng lưu ý, một số năm còn hoàn thành vượt chỉ tiêu ở mức cao.

“Vậy tại sao chúng ta không xây dựng một dự toán có tính khả thi hơn? Vì dự toán thu thận trọng như thế này thì chi sẽ phải dè dặt và chúng ta không chủ động được công tác chi tiêu”, ông Dũng nói tại một toạ đàm về dự toán ngân sách cách đây ít tuần.

Đồng quan điểm, PGS. TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng cơ quan quản lý có tâm lý thận trọng khi dự toán số thu nội địa năm 2023 chỉ cao hơn 3,25% so với ước thực hiện năm 2022, trong khi lạm phát của năm 2023 dự kiến là hơn 4%.

Ngoài ra, tỷ lệ thu ngân sách/GDP bình quân luôn duy trì trong khoảng 24-25% giai đoạn 2012 – 2019, nếu tính theo GDP cũ. Tính theo GDP mới, con số này đạt khoảng 18,5%.

Tuy nhiên, dự toán thu ngân sách/GDP năm 2023 chỉ đạt 15,7% là quá thấp so với trung bình giai đoạn trước.

“Tỷ lệ thu ngân sách trên tổng GDP giảm có thể là một tín hiệu đáng mừng cho sự giảm nhẹ gánh nặng thuế với người dân và doanh nghiệp. Nhưng nếu chi ngân sách vẫn cao thì công tác cân đối ngân sách sẽ gặp khó khăn”, ông Cường lo ngại.

Cũng theo chuyên gia này, việc giảm tốc độ tăng thu trong bối cảnh chỉ số GDP tăng đều đặn qua mỗi năm – ngoại trừ năm 2020 và 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh – là vấn đề cần được đánh giá kỹ.

“Sang năm 2023, lạm phát ở mức 4,5% và có thể còn cao hơn. Điều này bất lợi cho người dân nhưng lại có lợi cho ngân sách vì mọi nguồn thu đều tăng, nhất là với Việt Nam – một quốc gia thu thuế về tiêu dùng nhiều, như thuế gía trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu”, ông Cường phân tích.

So sánh với các quốc gia khác, chuyên gia này cho rằng Việt Nam có xu hướng giảm mạnh về số thu ngân sách so với trung bình các quốc gia khác và chỉ cao hơn so với nhóm các quốc gia ở châu Á và châu Phi.

“Điều này về lý thuyết là tốt vì giúp khoan sức dân. Nhưng trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam ở mức dưới 4.000 đô la Mỹ thì điều này đồng nghĩa nhu cầu chi rất lớn. Muốn chi nhiều thì phải tăng thu, nhưng thu giảm thì lấy nguồn chi từ đâu?”, ông Cường đặt vấn đề và lưu ý dự toán thu không nên quá thận trọng mà cần có sự điều chỉnh phù hợp.

Trước đó, tại Diễn đàn kinh tế – xã hội Việt Nam 2022, ông Cường từng nhắc tới việc dự báo quá thận trọng có thể khiến Việt Nam tự thu hẹp không gian tài khóa của mình. Theo đó, quy mô thu ngân sách của Việt Nam đang có xu hướng thu hẹp lại so với giai đoạn trước đây.

“Điều này cho thấy Việt Nam đang đứng trước thế lưỡng nan vừa muốn tiếp tục nới lỏng chi tiêu, vừa muốn giảm thuế để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hệ quả là cán cân ngân sách có nguy cơ mất cân đối nhiều hơn và rủi ro làm tăng vay nợ”, ông Cường phân tích.

Phản hồi, ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước thuộc Bộ Tài chính, cho biết thu ngân sách thường chia thành 2 khoản chính, gồm khoản thu cốt lõi – thể hiện độ bền vững của ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh, và khoản thu bất thường.

Với khoản thu cốt lõi, ông Tân cho rằng việc duy trì tốc độ tăng thu bình quân khoảng 8-10% một năm là rất tích cực trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều biến động.

Với khoản thu bất thường, ông cho biết chúng sẽ gia tăng đột biến trong một năm, nhưng hàng chục năm sau biến mất; hoặc có địa bàn thu tốt, nhưng có địa bàn thu rất hạn chế.

Dẫn chứng, vị này cho rằng với những khoản thu từ đất đai tại một địa phương, vốn là nguồn tài nguyên hữu hạn, nên sẽ có tình trạng là nếu khóa này làm tốt thì khóa sau sẽ “ngồi không”, hay có những doanh nghiệp nộp tiền thuê đất một lần trong 30 năm.

Về năm 2023, ông Tân cho rằng dự toán thu ngân sách năm tới sẽ rất khó hiểu nếu chỉ nhìn về vào các con số.

“Trong khi đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,5%, CPI là 4,5% thì tăng thu ngân sách nhà nước rất thấp. Nhưng trong lập dự toán, bộ luôn lường trước mọi yếu tố, tính toán cặn kẽ đầy đủ thông số”, ông Tân cho biết.

Theo ông Tân, tình hình kinh tế vĩ mô và thu ngân sách đang tồn tại một số vấn đề cần có giải pháp ứng xử kịp thời.

Với hoạt động thu ngân sách, tiến độ thu bình quân mỗi tháng bằng khoảng 11% tổng dự toán trong 6 tháng đầu năm 2022. Nhưng từ tháng 6, tiến độ giảm mạnh chỉ còn khoảng 6% thậm chí có những tháng chỉ đạt khoảng 4% so với dự án đề ra.

Điều đó cho thấy, thực tế nhiều doanh nghiệp 6 tháng đầu năm hoạt động tốt vì có cú hích từ việc mở cửa trở lại, song những tháng gần đây gặp khó khăn trong vấn đề hợp đồng, đơn hàng, chi phí sản xuất dẫn đến số thu nộp ngân sách bị ảnh hưởng.

Về vĩ mô, diễn biến kinh tế thế giới nhiều bất ổn. Cụ thể, các tổ chức quốc tế như WB, OECD từng đưa ra những kịch bản không quá lạc quan, nhưng không đến nỗi bi quan về kinh tế thế giới tại thời điểm giữa năm 2022.

Nhưng tại báo cáo cập nhật mới nhất vào tháng 10, IMF đã cảnh báo việc tăng trưởng kinh tế thế giới đang suy giảm rõ rệt. Theo đó, tác động của rủi ro kinh tế toàn cầu đến từng nền kinh tế là rất mạnh, đặc biệt tại 3 khía cạnh gồm tăng trưởng, thương mại và việc làm.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu và rất nhiều hàng hóa chủ yếu trên thị trường thế giới như lương thực và nhiều nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế tiếp tục ở mức cao, tạo áp lực lớn gia tăng lạm phát trên toàn cầu. Còn xung đột Nga – Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.

Với Việt Nam, ông Tân cho rằng thách thức với nền kinh tế vẫn lớn, còn những yếu tố nội tại và sức cạnh tranh của nền kinh tế, khả năng chống chịu chỉ có giới hạn.

“Hiện có nhiều tổ chức quốc tế cho rằng khả năng ứng phó của Việt Nam trước những tác động toàn cầu còn chậm và chưa phù hợp”, ông Tân cho biết.

Theo ông Tân, khó khăn này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội cũng như những dự toán ngân sách của năm 2023 và những năm tới đây.

Sức ép giải ngân hơn 700.000 tỉ đồng

Về chi, trong số hơn 2,076 triệu tỉ đồng thuộc dự toán chi năm 2023, có tới 726.700 tỉ đồng cho chi đầu tư phát triển năm 2023, tăng 38,1% so dự toán năm 2022 và chiếm 35% tổng chi. Điều này, theo ông Vũ Sỹ Cường, cho thấy cơ cấu chi NSNN năm 2023 có sự thay đổi rất lớn với việc tăng mạnh chi đầu tư.

Tuy nhiên, những giải pháp để giải ngân vốn chưa rõ ràng. Vậy nên, việc thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển năm 2023 là thách thức rất lớn, trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 ở mức thấp.

Cụ thể, ước đạt giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 mới đạt 58,33% tính tới 30-11, thấp hơn cùng kỳ năm trước.

“Nếu tiếp tục giải ngân kém như những năm vừa qua, thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tính thanh khoản của thị trường vốn và thị trường tiền tệ”, ông Cường lo ngại.

Cũng theo ông Cường, việc thực hiện dự toán chi tiêu từ ngân sách nhà nước vẫn luôn tồn tại nhiều thách thức, nhất là với chi đầu tư, dù Chính phủ đã có những biện pháp mạnh mẽ.

Cụ thể, số liệu cho thấy việc lập dự toán và chấp hành dự toán đúng luôn là vấn đề chưa được giải quyết khi mà số ngân sách chuyển nguồn hàng năm luôn rất cao. Khi ngân sách chuyển nguồn lên tới gần 40% tổng chi cân đối ngân sách nhà nước thì hiệu quả của chính sách tài khóa đến tăng trưởng kinh tế trong năm sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Chung nỗi lo với ông Cường, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho biết Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỉ đồng, tăng khoảng 25%. Năm sau cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, áp lực giải ngân vốn đầu tư công rất lớn.

Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công lại là một nút thắt lớn trong nhiều năm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực Ban Quản lý dự án, nhà thầu.

Để tháo gỡ khó khăn, ông Vũ Sỹ Cường cho rằng cần tiếp tục thực hiện các biện pháp chủ động, quyết liệt và tích cực trong việc tiết kiệm chi tiêu từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, phối hợp các bộ ngành và địa phương trong lập và chấp hành dự toán chi đầu tư.

Ngoài ra, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý và phân bổ chi đầu tư công cần tiếp tục được thực hiện để phù hợp hơn với điều kiện thực thi chính sách ở Việt Nam. Trong đó, việc quy định rõ ràng về trách nhiệm, trách nhiệm giải trình và phân cấp quản lý chi đầu tư chính là hết sức cần thiết.

Còn ông Trần Quốc Phương khuyến nghị các cơ quan chức năng làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án.

Ngoài ra, Chính phủ cần khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31-12-2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.

Lãnh đạo Bộ KHĐT cũng lưu ý một số việc, gồm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm.