Những năm qua, làng nghề đã và đang đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế trên địa bàn Thủ đô, giải quyết hiệu quả bài toán lao động nông thôn trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững, trong quá trình quy hoạch, phát triển làng nghề cần phải gắn với bảo vệ môi trường.
Thực trạng ô nhiễm môi trường
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn. Không thể phủ nhận, những lợi ích mà các làng nghề đã và đang đem lại, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển một số làng nghề đã bộc lộ những tồn tại, đặc biệt là hệ lụy về ô nhiễm môi trường. Các làng nghề càng phát triển, tình trạng ô nhiễm càng gia tăng, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái và đời sống của cư dân làng nghề. Hầu hết các làng nghề mới chỉ tổ chức thu gom mà chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom xử lý chất thải rắn mà thải thẳng ra môi trường.
Với thực trạng ô nhiễm như hiện nay, các chuyên gia đánh giá nguyên nhân là do đặc thù sản xuất, khu vực làng nghề chỉ quan tâm, chú trọng đầu tư vào phát triển sản xuất, nhiều nơi chưa quan tâm thỏa đáng tới vấn đề bảo vệ môi trường và bảo hộ lao động. Nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh hạn chế, thiết bị công nghệ chế biến thô sơ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại còn ít. Mặt khác, các cơ sở sản xuất kinh doanh ở các làng nghề còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, phát triển tự phát và không có công nghệ xử lý chất thải. Bên cạnh đó, ý thức của chính người dân làm nghề cũng chưa tự giác thực hiện các quy định của pháp luật trong các khâu thu gom, xử lý, quản lý chất thải, bảo vệ môi trường tại các làng nghề…
Để giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tối đa nguồn lực từ làng nghề, thời gian qua, các địa phương cũng đã chủ động quy hoạch khu, cụm, điểm công nghiệp gắn với các làng nghề. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh, huyện đã tổ chức quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề; các địa điểm tập kết, trung chuyển rác, chất thải tại các xã, thị trấn; các bãi chứa, xử lý chất thải xây dựng và xây dựng hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước. Huyện cũng yêu cầu các xã có nghề thực hiện phương án bảo vệ môi trường, tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết bảo vệ môi trường.
Tại huyện Phú Xuyên, những năm qua, vấn đề môi trường làng nghề cũng được quan tâm, chú trọng. Theo đó, Phú Xuyên có 42 làng có nghề đang hoạt động với trên 900 cơ sở sản xuất, kinh doanh. UBND các xã, thị trấn đã thành lập các tổ tự quản về bảo vệ môi trường và lập phương án bảo vệ môi trường làng nghề. UBND huyện đã phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề; các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề đủ hồ sơ, giấy cam kết bảo vệ môi trường, thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, có biện pháp xử lý bụi, phân loại rác thải.
Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường
Nhằm nỗ lực nâng cao chất lượng môi trường, đến nay, Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng (xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên) đã có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề; các điểm tập kết rác thải sinh hoạt đã xây dựng tường bao, mái che đáp ứng yêu cầu kĩ thuật về bảo vệ môi trường. Các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, làm nghề trên địa bàn cơ bản thực hiện đảm bảo các biện pháp bảo vệ môi trường như: Giảm thiểu tiếng ồn, ánh sáng, bụi… Các cơ sở đều có công trình thu gom, xử lý chất thải bằng hầm bioga; các chất thải rắn được Công ty môi trường thu gom vận chuyển theo quy định, bảo đảm về vệ sinh môi trường, thực hiện phân loại, lưu giữ, thu gom và chuyển cho đơn vị xử lý chất thải rắn theo quy định.
Ngoài ra, tại xã Đại Thắng cũng có nghề phụ, chủ yếu là may màn tuyn gia công cho Công ty Dệt 10/10, sản xuất hàng gia dụng, cơ kim khí… nên tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh rất ít, đặc biệt không có hoạt động tái chế. Từ nhiều năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã phát động phong trào đi chợ cùng làn nhựa và tặng làn nhựa cho hội viên phụ nữ đi chợ để hạn chế túi nilon và rác thải phát sinh; thường xuyên duy trì hoạt động thu gom phế liệu, gây quỹ từ thiện, bảo vệ môi trường… Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên Vũ Văn Hữu cho biết: “Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, thời gian qua, huyện Phú Xuyên luôn quan tâm, coi trọng nhiệm vụ bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Nhờ vậy, bộ mặt nhiều làng quê ngày một đổi mới, đời sống người dân được nâng cao”.
Mới đây, tại Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 28/4/2023 ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường. Kế hoạch đặt mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu (đến hết năm 2025) gồm: 100% làng nghề đã được công nhận trên địa bàn thành phố được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; phấn đấu 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường. Định hướng đến năm 2030, bảo đảm 100% làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.
Về lộ trình và các giải pháp ưu tiên, đến năm 2025, Thành phố lập, thẩm định và phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề và tổ chức triển khai thực hiện phương án đã được duyệt bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề đáp ứng các tiêu chí về môi trường đối với các làng nghề được công nhận theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; thường xuyên tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái, ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu các hộ sản xuất trong làng nghề đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định…
Đến năm 2030, hoàn thành công tác di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề vào các khu, cụm, điểm công nghiệp sản xuất tập trung của làng nghề hoặc các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề theo quy hoạch đã được UBND Thành phố phê duyệt. Hoàn thành đầu tư hạ tầng đồng bộ đối với các các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đang hoạt động và đầu tư mới theo quy hoạch được duyệt; bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề, từ nhiều năm nay, thành phố Hà Nội đã đầu tư nhiều dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Hiện Hà Nội cũng đang tiến hành kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải và rác thải từ làng nghề. Đây cũng là động thái nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc theo đúng mục tiêu đặt ra, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề đang rất nóng hiện nay. |
Kim Tiến/Lao động Thủ đô