(KTSG Online) – Người trẻ, phụ nữ, người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ưu tiên truyền thông trong thời gian tới với mục tiêu nâng cao nhận thức tài chính, qua đó hạn chế tín dụng đen và lừa đảo tài chính.
Tại họp báo ra mắt chương trình “Tay hòm chìa khóa” mùa 2 ngày 8-8, đại diện Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC), trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết rất nhiều cá nhân trong hệ thống không biết thông tin trên chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của mình lọt, lộ ra bên ngoài và bị kẻ xấu lợi dụng để tạo hồ sơ vay tiền giả.
“Nhiều người tra cứu trên hệ thống của CIC mới phát hiện ra mình nằm trong danh sách khách hàng có nợ xấu”, đại diện CIC nói.
Bên cạnh hình thức trên, các ngân hàng và cơ quan chức năng từng phát đi nhiều cảnh báo về tình trạng một nhóm người lạ mở tài khoản ngân hàng với tên rất giống tài khoản đã có của một khách hàng, rồi dùng tên và hình ảnh của khách hàng đó lập tài khoản Zalo để vay mượn tiền.
Thấy thông tin, hình ảnh cá nhân, tài khoản được tội phạm tạo ra trùng với thông tin, hình ảnh thực tế của bạn bè và người thân, nhiều người đã chuyển tiền cho kẻ mạo danh. Hình thức này được đánh giá tinh vi hơn so với thủ đoạn đánh cắp tài khoản Facebook của khách hàng rồi mượn tiền người thân kết bạn qua Facebook.
Ngoài ra, một báo cáo của NHNN gửi tới kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV cũng nêu tình trạng tội phạm gia tăng tấn công vào khách hàng – nhóm đối tượng dễ tổn thương hơn ngân hàng – bằng hình thức lừa đảo qua tin nhắn, ứng dụng và website giả mạo (phishing) để đánh cắp tiền.
Cụ thể, tội phạm tạo ra một ứng dụng tương tự như ứng dụng gốc của các ngân hàng và đăng trên Cửa hàng Google Play. Khi khách hàng vô tình tải xuống và cài đặt ứng dụng giả mạo trên điện thoại di động thì ứng dụng sẽ bắt đầu gửi dữ liệu nhạy cảm để cho phép kẻ lừa đảo rút tiền từ tài khoản của khách hàng.
Với bối cảnh trên, tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện chiều 6-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành phải cải thiện hiểu biết và kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính cho người dân, khiến người dân thấy được sự tiện ích, an toàn thì họ mới tin và sử dụng.
Ông cũng lưu ý cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về tài chính toàn diện, nhất là truyền thông để mỗi người nâng cao khả năng tư duy và kỹ năng tài chính, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc NHNN, cho biết sẽ định hướng truyền thông với trọng tâm là người dân vùng sâu, vùng xa, hải đảo, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, vốn là nhóm đối tượng ít được tiếp cận với dịch vụ tài chính cơ bản.
Các chương trình cũng sẽ hướng tới nhóm công chúng mục tiêu là giới trẻ, phụ nữ, người nghèo, công nhân và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Các nội dung truyền thông giáo dục tài chính xoay quanh các vấn đề gồm chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, sản phẩm tín dụng dành cho cá nhân và doanh nghiệp, vay tiêu dùng, hay những tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, cùng những lưu ý, cảnh báo để người dân biết cách phòng tránh, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật khi sử dụng dịch vụ thanh toán.
Với tín dụng đen, ông Kim Anh cho biết các cấp các ngành cũng đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng vẫn nhiều người dân, công nhân khu công nghiệp vay tín dụng đen và dẫn đến nhiều hệ lụy. Vì vậy, chương trình sẽ chú trọng quan tâm tới các đối tượng này, giúp các đối tượng này biết tới sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, để đạt được sự hiệu quả, thiết thực, lan toả hơn nữa.