Nên cầm bao nhiêu tiền về quê ăn Tết?

Chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, nhiều người, đặc biệt là những người đi làm ăn xa đã bắt đầu đếm từng ngày đến dịp đoàn viên. Nên cầm bao nhiêu tiền về quê ăn Tết đang là câu hỏi khiến không ít người băn khoăn.

5 triệu đồng, 10 triệu đồng hay 15 triệu đồng? Nhiều người đã và đang liệt kê chi tiết hàng loạt khoản tiền cần phải đem theo, các khoản tiền có thể phát sinh… khi về quê trong dịp tết sắp tới. Tuy nhiên, mới đây, VTV1 đã đưa ra 1 gợi ý thú vị – đó là không cần cầm tiền về quê ăn Tết.

Liệu có thể không cầm tiền về quê?

Trả lời phỏng vấn chương trình Dòng chảy tài chính – ông Trần Mạnh Nam – Giám đốc kinh doanh VNPay Pos cho rằng sau dịch Covid-19, người dân đã hình thành thói quen không dùng tiền mặt và xu hướng này vẫn tiếp tục gia tăng. Do đó, Tết nguyên đán không tiền mặt là hoàn toàn khả thi.

“Người dân đang dần cảm nhận được sự thuận tiện của thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, tôi cho rằng xu hướng này không những sẽ không giảm mà còn có thể tăng đột biến trong những năm tiếp theo”, ông Trần Mạnh Nam nhận định.

Chương trình Dòng chảy tài chính – phát sóng 21h30 T7 hàng tuần trên VTV1.

Nhiều bạn trẻ cũng ủng hộ xu hướng chi tiêu không dùng tiền mặt vì cảm thấy thuận tiện và an toàn hơn khi không phải mang theo quá nhiều tiền trong người khi đi đường.

“Mình thấy gọn hơn, mình không phải để quá nhiều tiền trong ví mà chỉ cần cầm theo điện thoại là có thể chi tiêu khi cần” – chị Ngọc Anh chia sẻ.

Cùng với sự phát triển của các ví điện tử, ngân hàng số, mobile money, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã trở nên phổ biến không chỉ ở các thành phố lớn mà còn cả tại các vùng nông thôn. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện Việt Nam có gần 39.000/72.000 điểm giao dịch cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nằm ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong 9 tháng đầu năm 2022, có gần 14 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ này, trong đó 37,5% khách hàng ở nông thôn với tổng giá trị giao dịch đạt 167.680 tỉ đồng.

Lì xì online đang là xu hướng

Thay vì phải loay hoay tìm cách đổi tiền mới để lì xì hoặc đi lễ đầu năm, nhiều người đã tìm đến phương thức lì xì online. Xu hướng lì xì online ngày Tết được nhiều bạn trẻ yêu thích lựa chọn bởi sự tiện lợi và đơn giản.

Hình thức gửi tiền lì xì online kèm thiệp điện tử đang được giới trẻ yêu thích.

Với hình thức này, người ở xa vẫn có thể mừng tuổi người thân hay bạn bè trong dịp đầu năm mới. Không chỉ không bị giới hạn về thời gian và khoảng cách địa lý, lì xì online còn có thể được cá nhân hóa với lì xì số đẹp đến chữ số hàng đồng như 686,868 đồng; 888,888 đồng; 6,666 đồng;… hoặc lựa chọn thiệp lì xì kèm lời chúc may mắn đầu năm mới.

Cúng dường cũng online

Không chỉ lì xì năm mới có thể chuyển khoản online mà ngay đến các hoạt động tín ngưỡng truyền thống như cúng dường công đức khi đi lễ chùa đầu năm cũng đang được số hóa. Theo khảo sát của phóng viên VTV, hiện nay tại nhiều chùa trên địa bàn Hà Nội đã có biển mã QR và số tài khoản của chùa đặt cạnh các hòm công đức truyền thống để tạo thuận lợi cho người dân.

“Tôi thấy thế này thì tiện hơn, không còn hiện tượng rải tiền lẻ khắp nơi nên khuôn viên chùa trông cũng sạch sẽ, thanh tịnh hơn nhiều” – cô Hương Giang, quận Hoàng Mai, Hà Nội nói.

Người dân có thể công đức cho chùa qua mã QRCode.

Cùng với sự thuận lợi của công nghệ thanh toán số, người dân đã dần giảm bớt được việc phải tích trữ và đem theo người nhiều tiền mặt khi đi xa hoặc phải di chuyển đến nhiều địa điểm liên tục. Tết không tiền mặt đã trở nên khả thi tại những thành phố lớn và thậm chí ở nhiều vùng quê hiện nay. Tuy nhiên, thanh toán điện tử gia tăng cũng đặt ra cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải nâng công suất đường truyền, đảm bảo thông suốt thanh toán cho người dân ngay cả trong những thời gian cao điểm như dịp Tết Nguyên đán.

Các ngân hàng cũng khuyến cáo người dùng khi sử dụng thanh toán điện tử cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo. Bên cạnh đó, trước khi thanh toán trên thiết bị di động, khách hàng cần kiểm tra kỹ số tiền, số tài khoản cần thanh toán, tránh nhầm lẫn.