(KTSG Online) – Một trong những mặt trái của thời đại công nghiệp 4.0 và, gần đây nhất, trí tuệ nhân tạo (AI) đối với người lao động là khả năng bị mất việc đột ngột. Bài viết dưới đây đưa ra vài cách ứng phó nếu bị mất việc cũng như làm thế nào giới thiệu bản thân mình hiệu quả hơn nhằm tìm việc làm mới.
Làn sóng sa thải hàng loạt tại các ông lớn công nghệ trên thế giới đã xảy ra. Dù muốn dù không, điều này cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến người lao động Việt Nam. Thất nghiệp là chuyện không dễ dàng chút nào. Tuy vậy, nếu lỡ bị mất việc, cần học cách giữ vững tinh thần để vượt qua. Sau đó, đừng quên rằng chúng ta đang trong thời đại 4.0 nhằm tận dụng mạng xã hội một cách thông minh để tìm công việc mới.
Mất việc: cũng đừng quá lo lắng, buồn phiền
Lẽ tự nhiên, đối với nhiều người, bỗng nhưng bị mất việc có thể trở thành một áp lực ghê gớm. Nếu cứ để cảm giác nặng nề mãi theo đuổi mình, một người có thể sẽ rất dễ chán nản kéo dài, thậm chí trầm cảm. Bên dưới là một số vấn đề cần lưu ý có thể giúp giữ vững tin thần nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đừng tự cô lập mình
Khi bị thất nghiệp, một số người có khuynh hướng trở thành ẩn sĩ. Công việc thường yêu cầu tiếp xúc xã hội, tức là gặp mặt đồng nghiệp hay khách hàng. Nói cách khác, công việc hàng ngày tạo nhiều cơ hội giao tiếp.
Nhiều người cảm thấy xấu hổ vì bị thất nghiệp và họ không muốn gặp mặt bất kỳ ai. Có khi họ lánh mặt người thân trong gia đình và bạn bè thân thiết, điều này có thể trở thói quen xấu. Nếu vậy, cần có sự giúp đỡ để vượt qua giai đoạn buồn phiền và căng thẳng. Bên cạnh đó, giao tiếp với người khác cũng tạo thêm cơ hội quên đi nỗi lo âu và giữ được sự vui vẻ. Đã căng thẳng rồi thì chẳng cần phải làm thêm căng thẳng nữa làm chi!
Kết nối xã hội chính là nguồn lực lớn
Giữ mối quan hệ xã hội thường xuyên là cách rất tốt để tìm được công việc mới (sẽ đề cập chi tiết hơn ở phần sau). Nên dùng thời gian rảnh rỗi để lập danh sách việc làm mong muốn và gửi đi sơ yếu lý lịch của mình. Theo dõi các quảng cáo tuyển dụng chẳng có gì là sai, nhưng chắc không hiệu quả bằng mạng xã hội để tìm việc. Có câu nói rất hay về chuyện này như sau: “khả năng không bằng quan hệ”.
Luôn giữ tinh thần lạc quan
Tiêu cực là thói quen xấu vì gây ra ảo giác sau đó căng thẳng sẽ được giải tỏa. Thực ra, điều này chỉ làm tệ hơn vì căng thẳng gây hại thêm.
Ngược lại, suy nghĩ tích cực – nhất là khi gặp vấn đề khó khăn – là một thói quen khó cần phải tập. Khi tinh thần phấn chấn, thì chẳng phải lo lắng gì về tương lai. Nếu nhìn từ góc độ tích cực, cơ hội mới sẽ đến với chúng ta dễ dàng hơn. Còn khi một người cho rằng không có cơ hội việc làm, thì anh ta sẽ thực sự khó khăn tìm được việc làm mình muốn.
Chấp nhận những điều có thể xảy ra
Cuộc sống xảy ra đúng như mình muốn chỉ là điều lý tưởng. Vì nếu không, chúng ta đã không thất nghiệp. Một khi đã thoát khỏi lộ trình cứng nhắc do chính mình vạch ra, cơ hội mới sẽ tự xuất hiện ngay trước mắt. Nếu vậy, hãy sẵn sàng vui vẻ chấp nhận.
Có thể đó chỉ là một việc làm ngắn hạn hay một vị trí thấp hơn trước kia trong một lĩnh vực mới. Khi cuộc đời gặp phải chướng ngại vật, chúng ta cần chọn một con đường khả thi khác.
Tận dụng thời gian rảnh rỗi
Nhiều người thường cho rằng cần phải dùng hết thời gian đang có để tìm công việc mới. Điều này đúng nhưng cần có sự uyển chuyển. Khi không cần phải làm những chuyện như di chuyển đến chỗ làm, đi công tác, dự các buổi họp, thì chúng ta sẽ có thêm rất nhiều thời gian.
Duy trì các thói quen thường ngày là điều tốt. Nếu bạn đã có thói quen vận động ba ngày một tuần trước đây, hãy cố gắng tiếp tục như vậy. Còn nếu bạn đã từng muốn tập thể dục năm ngày một tuần mà không có thời gian, bây giờ bạn có thể làm được điều đó dễ dàng.
Tìm việc: đừng quên mạng xã hội
Nếu nằm trong danh sách những người bị sa thải, thì một trong số các việc mới phải làm là làm thế nào và khi nào nói với mọi người rằng bạn đã mất việc.
Theo một bài báo trên CNN, như thường lệ, nơi thông báo tình trạng việc làm của nhiều người là các mạng xã hội như LinkedIn, Twitter, Instagram, Facebook…
Tuy nhiên, cách phát đi thông điệp này như thế nào rất quan trọng nếu bạn muốn tăng khả năng tìm được việc làm mới cho mình. Nên chú trọng những vấn đề như sau.
Đừng đăng thông tin lên mạng ngay lập tức mà hãy dành thêm một ít thời gian suy nghĩ về vấn đề này
Nhà tư vấn hướng nghiệp cho người nhập cư Aneri Desai cho biết nên dành thêm thời gian để chiêm nghiệm vì sao mình mất việc và hiểu hoàn cảnh của mình rõ hơn.
Khi cảm thấy buồn bực trong lòng, chúng ta nên trao đổi với bạn bè hay tự tâm sự với chính mình. Điều không nên làm là đừng thể hiện sự nóng giận hay buồn bã qua mạng xã hội. Điều này thường không có lợi.
Trước mắt, chỉ nên có một thông báo nhẹ nhàng
Nhà tư vấn Desai khuyên khi chưa rõ mình sẽ làm gì hoặc có tiếp tục làm việc trong lĩnh vực trước đây hay không, ban đầu chỉ cần thông báo trên mạng một cách nhẹ nhàng để mọi người biết việc làm của bạn không còn nữa. Ví dụ như dòng trạng thái (status) sau đây có thể chấp nhận được: “Cũng chưa rõ việc tiếp theo là gì, nhưng hãy đợi đấy! Mình sẽ nói rõ hơn trong các bước tiếp theo”.
Đây là một giải pháp hữu hiệu nếu việc cắt giảm nhân sự tại công ty đã xuất hiện trên báo và bạn đang bị bạn bè hay đồng nghiệp “dội bom” thăm hỏi xem bạn có nằm trong “danh sách đen” hay không.
Hãy nói ngắn gọn
Thông thường, chúng ta có thể viết cả một cuốn sách về kinh nghiệm làm việc cho một công ty nếu đã làm ở đó trong 5 năm hay 25 năm.
Nhưng, xin đừng làm như vậy trong trường hợp này! Viết ngắn vẫn tốt hơn – chỉ vài dòng là đủ. Theo nhà tư vấn việc làm Marlo Lyons, “Đừng viết tràng giang đại hải vì điều bạn muốn là người ta đọc mà thôi”.
Biết ơn là điều tốt nhưng cũng nên chú trọng đến thành tựu của mình
Nếu bạn nghĩ là đúng, hãy bày tỏ sự trân trọng của mình dành cho những người hướng dẫn và các đồng nghiệp, cũng như các cơ hội tại công ty cũ. Tuy vậy, Desai nhấn mạnh không nên dành cả bài chỉ để cám ơn.
Bà Desai nhận thấy rất nhiều người quá chú trọng đến điều may mắn khi làm việc cùng với đội ngũ trước đây nhưng lại quên mất chính mình. Vì vậy, hãy biết cách chứng minh bản thân.
Theo đó, hãy ghi lại các thành tựu mình đã đóng góp lớn đối với công ty, ví dụ như tự thân vận động trong công việc, thúc đẩy công việc tại công ty, giúp 50.000 khách hàng trong năm qua, v.v…
Hãy cụ thể về kỹ năng của mình và điều mình mong muốn
Nhà tư vấn Lyons cho rằng trong quá trình tìm việc làm mới với sự giúp đỡ từ mạng lưới của riêng mình hoặc nhà tuyển dụng, bài đăng trên mạng xã hội của bạn phải có thông tin rõ ràng.
Nên đưa ra các chi tiết về kỹ năng cứng và mềm của người tìm việc cho nhà tuyển dụng. Để làm được việc này, cần nói rõ lĩnh vực của mình (như kinh doanh, quản lý kế toán, phát triển doanh nghiệp); chức danh công việc đang tìm (như phó chủ tịch, quản lý cấp cao); làm việc từ xa hay cả hai nơi; và bất kỳ chi tiết nào có thể hỗ trợ tìm hướng giúp đỡ mình tốt hơn.
Mở rộng phạm vi người đọc cho bài mình đăng vì càng nhiều người xem càng tốt
Bà Desai cho rằng nên chèn (tag) bài đăng vào mục #openforwork trên LinkedIn, một mạng xã hội chuyên về việc làm rất phổ biến.
Có thể chèn những người mình muốn cảm ơn vào bài đăng. Tuy nhiên, mặt khác, đây không phải là hướng đi đúng cho tất cả mọi người. Theo nhà tư vấn Lyons, nếu không bao gồm hết mọi người đã từng giúp mình – hay ngược lại bạn cố tình phớt lờ sếp hiện tại của mình – có thể để lại ấn tượng không tốt về bạn. Trong trường hợp đó, hãy gặp riêng người mình cần cám ơn và mời gọi mọi người đọc bài đăng viết bình luận.
Luôn giữ sự lạc quan dù đang gặp khó khăn về tài chính
Theo Lyons, không nên nói trên mạng rằng mình đang gặp khó khăn về tài chính. Cũng đừng tạo ra cảm nhận rằng mình sẽ chấp nhận bất cứ việc gì mình được đề nghị.
Mối quan hệ giữa bạn và công ty của bạn là có qua có lại – không phải chỉ vì nhân viên muốn có việc làm bất cứ giá nào. Dĩ nhiên, tìm được việc làm nhanh hơn thì cũng tốt hơn. Nhưng cũng đừng tỏ ra tuyệt vọng, Lyons khuyên.
Hãy nhất quán mọi lúc, mọi nơi
Rất có thể bạn phải thông báo về tình trạng việc làm của mình trên nhiều mạng xã hội khác nhau. Vì vậy, cần giữ sự nhất quán ở mọi nơi. Đừng đăng một bài rất chuyện nghiệp trên LinkedIn, nhưng rồi lại bày tỏ cơn bão giận dữ của mình trên Twitter.
Nên nhớ rằng trước khi nhận một người vào làm việc, bộ phận tuyển dụng thường sẽ đọc kỹ các bài đăng của người đó (trên các mạng xã hội).
————
Nguồn tham khảo: cnn.com và tinybuddha.com