(KTSG Online) – Các chuyên gia dự báo những ngân hàng sở hữu lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lớn, hoặc tỷ lệ cho vay khách hàng doanh nghiệp và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp thấp trong danh mục tín dụng, sẽ có lợi thế tăng trưởng hơn các ngân hàng khác trong bối cảnh chi phí vốn vẫn duy trì ở mức cao và việc huy động dòng vốn rẻ ngày một khó khăn.
Vì sao lãi suất vẫn “neo” cao?
Lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng thương mại liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 2-2023 đến nay, đặc biệt sau động thái giảm giảm lãi suất điều hành vào ngày 15-3 và 3-4 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với mức giảm khoảng 0,5-1,7 điểm phần trăm ở tất cả kỳ hạn so với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm. Ngược lại, lãi suất cho vay chưa giảm nhiều, ngoại trừ nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước.
Trước diễn biến trên, NHNN cho biết mặt bằng lãi suất thời gian qua về cơ bản đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong những tháng đầu năm 2023, nhưng hiện mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại còn cao.
Lý giải thêm, cơ quan này cho rằng kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng với tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 125,34% tại thời điểm cuối năm 2022, trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.
Ngoài ra, chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng đồng Việt Nam hiện ở mức 167.000 tỉ đồng; tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1 bằng đồng Việt Nam hiện ở mức 101,45% – giảm so với mức 102,28% ở thời điểm cuối năm 2022, nhưng vẫn ở mức rất cao.
Đáng lưu ý, hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn với khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn dưới 12 tháng, nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn với trên 52% dư nợ tín dụng đồng Việt Nam của hệ thống là trung – dài hạn, nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động.
TS Cấn Văn Lực cho rằng việc hệ thống ngân hàng phải trả lãi suất tiền gửi rất cao cho các khoản tiền gửi vào quí 4-2022, nay đến kỳ đáo hạn, khiến lãi vay chưa thể giảm nhanh bằng lãi suất tiết kiệm trong 4 tháng đầu năm.
Bên cạnh những áp lực trên, NHNN cho rằng áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước.
Cụ thể, mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng trong năm 2022 và vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn tiếp tục triển khai lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao khi lãi suất mục tiêu Fed Fund ở mức 5,0-5,25% một năm, ECB áp dụng lãi suất tái cấp vốn và tiền gửi lần lượt là 3,5% và 3,0% một năm.
Trong bối cảnh trên, áp lực lạm phát trong nước cũng ở mức cao với lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ở mức 3,84%, lạm phát cơ bản tăng 4,9%, trong khi mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5%.
“Áp lực lạm phát hiện hữu, tiểm ẩn, khiến người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên tổ chức tín dụng (TCTD) khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào của TCTD ở mức cao. Huy động vốn đến ngày 27-4-2023 tăng 1,78%, chỉ bằng gần 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%”, NHNN phân tích.
Mới đây, Thông tư số 02/2023 do NHNN ban hành với quy định cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khách hàng gặp khó khăn cũng khiến dư địa giảm lãi suất chịu ảnh hưởng do TCTD chưa thể thu nợ khi đến hạn, nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế.
Những kỳ vọng với ngân hàng thương mại sau khi giảm lãi suất
Lãi suất cho vay vẫn “neo” ở mức cao, các chuyên gia kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành về quanh mức 5% cuối năm nay, tiến tới giảm về mức 4% năm 2025.
Standard Chartered dự báo NHNN sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản xuống mức 5% vào cuối quí 2, sau đó lãi suất sẽ duy trì cho đến cuối năm 2025. Cơ sở để ngân hàng này đưa ra dự báo là động thái chuyển hướng sang hỗ trợ quá trình phục nồi nền kinh tế của NHNN từ đầu năm 2023.
“Ngoài việc cắt giảm lãi suất, NHNN còn hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bằng cách cho họ thêm thời gian để giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản. Tháng 4 năm nay, các điều khoản cho vay đã dễ dàng hơn, bao gồm việc hoãn trả nợ (tối đa 12 tháng) và miễn giảm lãi suất”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam của Standard Chartered, cho biết.
Theo ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Khối quản lý tài sản của Công ty Chứng khoán VNDirect, hai đợt giảm lãi suất điều hành gần đây của NHNN là động thái đánh dấu bước ngoặt đảo chiều chính sách tiền tệ trong nước.
Theo đó, NHNN có thể tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2023 trong bối cảnh nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ gia tăng, thị trường kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành sau cuộc họp tháng 5 và bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa sau năm 2023.
“Nếu kịch bản này xảy ra, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt. NHNN có thể cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng thêm 0,5 điểm phần trăm trong nửa cuối năm 2023, xác suất cao trong quí 3-2023”, ông Quang phân tích.
Chuyên gia của VNDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 7% trong năm 2023, dựa trên nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm; Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và NHNN có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Fed đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023.
Với kỳ vọng lãi suất đã lập đỉnh và có xu hướng giảm trong bối cảnh NHNN sát sao trong việc giảm lãi suất, ông Quang kỳ vọng lãi suất cho vay lần này sẽ giảm tốc nhanh hơn so với lãi suất huy động, và các ngân hàng có lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ có lợi thế hơn các ngân hàng khác trong bối cảnh chi phí vốn vẫn duy trì ở mức cao và việc huy động dòng vốn rẻ này đang có xu hướng ngày một khó khăn, gây áp lực không nhỏ lên các ngân hàng.
Cụ thể, báo cáo kết quả kinh doanh quí 1-2023 của 27/28 ngân hàng niêm yết ghi nhận xu hướng giảm mạnh của tiền gửi không kỳ hạn. Chỉ có một ngân hàng ghi nhận số liệu tăng trưởng dương là Kienlongbank với số dư tiền gửi không kỳ hạn hơn 2.300 tỉ đồng tính tới cuối quí 1, tăng 12,37% so với đầu năm.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ở các ngân hàng giảm mạnh, theo tổng giám đốc một ngân hàng thương mại có trụ sở tại Hà Nội, là bối cảnh kinh tế khó khăn và cơ hội đầu tư ít đi, trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn giai đoạn từ cuối năm 2022 đến đầu quí 1-2023 tăng cao, khiến khách hàng có xu hướng chuyển tiền từ tài khoản vãng lai vào tiền gửi có kỳ hạn để hưởng các mức lãi suất cao.
“Ngân hàng chúng tôi có thị phần với phân khúc khách hàng giàu có cao hơn các ngân hàng khác. Do đó, khi thị trường bất động sản, trái phiếu biến động thì khách hàng giàu có, vốn dĩ có nhiều kênh đầu tư, đã chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn vì có cảm giác an toàn hơn. Bên cạnh đó, khi tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, khách hàng cũng tìm cách tiếp cận nguồn vốn khác, khiến cho nguồn CASA không còn dồi dào như trước”, vị này cho biết.
Bên cạnh yếu tố CASA, các chuyên gia của VNDirect cho rằng biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ quyết định hạ lãi suất của cơ quan điều hành.
VNDirect cho biết NIM của các ngân hàng đang giảm với NIM trung bình của 25 ngân hàng niêm yết đã giảm 18 điểm cơ bản trong quí 1-2023 do các ngân hàng đã phải hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng. Đáng lưu ý, NIM của một số ngân hàng như Techcombank, TPBank, VPBank, MB đã giảm đáng kể do mảng trái phiếu doanh nghiệp và vay tiêu dùng gặp khó khăn.
VNDirect cho rằng xu hướng tăng cho vay với khách hàng doanh nghiệp và huy động từ khách hàng cá nhân sẽ duy trì tới khi lãi suất hạ nhiệt rõ rệt và nền kinh tế có sự phục hồi, sớm nhất là quí 3-2023. Do đó, NIM của các ngân hàng cho vay khách hàng doanh nghiệp và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tín dụng, và huy động chỉ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng, sẽ giảm mạnh hơn toàn ngành trong năm 2023.
Ngược lại, nhóm ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ và có nguồn huy động đa dạng, gồm liên ngân hàng, khách hàng cá nhân, CASA như HDBank, VIB, MB sẽ hạn chế được rủi ro NIM thu hẹp. Với HDBank và Sacombank, VNDirect dự báo chỉ số này sẽ cải thiện đáng kể.
Về huy động vốn, ông Phạm Thiên Quang cho rằng nhóm ngân hàng tư nhân nào chịu khó đầu tư về công nghệ, đặc biệt là Mobile app cũng như có hình ảnh về hệ sinh thái vững mạnh sẽ thu hút được nhiều khách hàng cá nhân. Techcombank, MB, VIB, TPBank là những ngân hàng thành công thu hút khách hàng mới trong nhiều năm qua.
Ngoài ra, huy động vốn từ các tổ chức quốc tế cũng ngày càng quan trọng. Những ngân hàng có tỷ trọng huy động quốc tế cao là Techcombank, VPBank và VIB.
“Từ cuối năm 2022 cũng như năm nay, Fed liên tục tăng lãi suất đã ảnh hưởng đến chi phí vốn của các ngân hàng có huy động vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế. Tuy nhiên, đây chỉ là tác động ngắn và trung hạn. Về lâu về dài thì huy động từ tổ chức quốc tế vẫn có vai trò khá quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh xảy ra căng thẳng thanh khoản như quí 4-2022 thì đây sẽ là lợi thế của các ngân hàng này”, ông Quang cho biết.