Ngành môi trường hướng tới 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý

(KTSG Online) – Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong năm nay, ngành tài nguyên và môi trường đặt ra mục tiêu có 96% chất thải rắn sinh hoạt của đô thị được thu gom, xử lý đúng quy định, 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho việc chôn lấp…

Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ đề xuất nhiều giải pháp để phục hồi môi trường ở các sông, hồ. Ảnh minh họa: Đ.Hải

TTXVN thông tin từ Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, ngành tài nguyên và môi trường sẽ thực hiện các nhiệm vụ như tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường, phổ biến các chế định mới của luật nhằm chọn lọc dự án để đầu tư, đặc biệt là các dự án liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chuyển đổi đất rừng, chủ động trong công tác phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ xảy ra tình trạng ô nhiễm.

Ngành đặt ra mục tiêu trong năm nay, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 92%, chất thải rắn sinh hoạt của đô thị được thu gom, xử lý đúng quy định đạt 96% và 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho việc chôn lấp…

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình chính phủ các quy định về tiêu chí tiếp cận tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, cơ chế khuyến khích dự án liên quan đến công nghệ cao, ít phát thải hoặc theo mô hình tuần hoàn; thực hiện quy hoạch về môi trường, xây dựng các dự án đảm bảo hạn ngạch xả thải ra môi trường; xử lý, tái chế chất thải rắn hoặc rác thải sinh hoạt theo đề án quản lý chất thải rắn.

Trong năm, hệ thống các trạm quan trắc môi trường không khí sẽ được thiết lập nhằm thống kê, kiểm kê khí thải, kiểm tra công trình, nguồn thải, phương tiện giao thông giảm thiểu phát tán bụi, khí thải, hỗ trợ nông dân sử dụng phụ phẩm sau thu hoạch.

Bộ cũng đang hướng tới việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu các nguồn thải gây ô nhiễm, phục hồi môi trường ở các sông, hồ, đồng thời, sử dụng công nghệ tự động để kiểm tra các nguồn thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ cũng như môi trường ở khu vực tập trung nhiều nguồn thải như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.

Năm 2022, ngành tài nguyên và môi trường đã hoàn thành chỉ tiêu 91% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 96,37%, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 89%. Cả nước có 11 nhà máy xử lý, đốt rác phát điện được khởi công; số vụ vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm 65,4%.

Các ngành công nghiệp tái chế phát triển đạt mức tăng 11,3% so với năm 2021. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 trên thế giới về tái chế kim loại, nhựa, giấy và thủy tinh.