(KTSG) – “Nghề chọn người” là câu nói mà chúng ta thường nghe trong cuộc sống hàng ngày. Câu hỏi thể hiện cho một niềm tin về duyên số và sự ngẫu nhiên trong việc lựa chọn công việc. Tuy nhiên, liệu có phải duyên số chính là yếu tố khiến chúng ta đến với nghề nghiệp mình hay một yếu tố nào khác…
Những ngày tháng cuối năm luôn cho chúng ta cơ hội nhìn lại cuộc sống và cả công việc mà mình đã đi qua. Phần lớn chúng ta luôn có cảm giác con đường mình đang đi hay cái nghề mình đang chọn không phải là một sự lựa chọn phù hợp.
Công việc là thứ cung cấp nguồn thu nhập cho mình và cả gia đình, nhưng vì nhiều lý do trong cuộc sống chúng ta chỉ cố níu giữ nó thay vì thực sự trân trọng những gì đó nó mang lại cho mình, bao gồm cả yếu tố tài chính và phi tài chính.
Tại sao nghề chọn người có thể đúng?
Một người chỉ có thể chọn đúng và làm đúng nghề phù hợp với mình khi chúng ta được đào tạo một nền tảng tốt. Có thể vẫn có một số người thành công không dựa trên một con đường đào tạo bài bản, nhưng nền tảng luôn có giá trị đối với số đông như chúng ta.
Học đại học khác với học phổ thông, vì nó trang bị cho chúng ta không chỉ kiến thức nền tảng mà còn rèn luyện cho chúng ta các kỹ năng nghề nghiệp để có thể linh hoạt xử lý hoạt động các yêu cầu từ công việc sau này. Một môi trường đào tạo thiên về việc phát triển các kỹ năng nghề nghiệp sẽ giúp cho người lao động có những sự chuẩn bị vững vàng cho công việc trong tương lai.
Việc một hệ thống giáo dục sau bao năm vẫn còn nặng tính lý thuyết và hàn lâm đang đe dọa không chỉ triển vọng việc làm của người học, mà còn khiến người học gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các công việc phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của bản thân.
Nếu việc đào tạo không tập trung vào việc phát triển các kỹ năng nghề nghiệp thì sinh viên ra trường cũng không tạo ra sự khác biệt đáng kể trong năng lực nghề nghiệp so với lúc ho bắt đầu bước vào giảng đường. Như vậy, khi ra trường thì có lẽ làm việc nào cũng vậy, vì cũng sẽ yêu cầu nhiều sự đào tạo từ doanh nghiệp.
Khi người lao động thiếu kỹ năng và tay nghề để có thể hoàn thành tốt công việc, thì mức lương họ nhận được cũng không có sự khác biệt lắm so với công việc họ không được thông qua đào tạo. Hàng năm, tôi cũng không lạ gì với câu chuyện các bạn trẻ được gia đình khuyên từ bỏ công việc hiện tại để về quê, rồi ba mẹ xin cho vào làm ở một cơ quan nào đó mà gia đình có thể gửi gắm, tốt hơn nhiều so với công việc bạn đã được đào tạo.
Hàng năm chúng ta có hàng chục ngàn cử nhân tốt nghiệp bị thất nghiệp, khiến con số lũy kế cử nhân thất nghiệp lên đến gần 300.000. Một điều đáng lưu ý là tỷ lệ cử nhân thất nghiệp luôn cao hơn hẳn so với tỷ lệ thất nghiệp của những người học trung cấp nghề.
Báo cáo dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019 chỉ ra rằng, hơn 3% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và 2,8% cử nhân thất nghiệp, trong khi tỷ lệ này ở bậc trung cấp chỉ 1,1% và người chưa từng đi học 1,5%.
Thậm chí, còn có những câu chuyện đáng buồn khi một số sinh viên phải bỏ đại học để đi học lại nghề để dễ tìm việc làm hơn. Rõ ràng yếu tố năng lực nghề nghiệp đang bị bỏ sót trong hệ thống đào tạo ở Việt Nam mà sẽ còn mất cả một thời gian dài để giải quyết.
Tại sao người chọn nghề có lẽ sai?
Thực tế, phần lớn chúng ta chưa từng có cơ hội hoặc cho mình có cơ hội để lựa chọn nghề nghiệp một cách nghiêm túc. Khi phải đăng ký đơn lựa chọn một trường đại học, chúng ta chưa có nhiều thông tin và quan trọng nhất là chưa nhận đủ định hướng để lựa chọn ngành học hay một trường học phù hợp với định hướng phát triển của chúng ta.
Khi chúng ta ra trường và bắt đầu đi làm, yếu tố quan trọng nhất quyết định việc lựa chọn công việc của chúng ta lại là thu nhập hay là lộ trình thăng tiến hơn là một sự nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn mình đã được đào tạo.
Có một sự khác biệt rất lớn giữa các cấp bậc trong tính chất công việc trong một ngành nghề cụ thể. Những công việc và những yêu cầu tác nghiệp chỉ đơn giản là một công việc cụ thể mà chúng ta thực hiện để đổi lại thu nhập. Chúng ta sẽ không thể hình dung rõ toàn cảnh công việc của mình với chỉ những công việc cụ thể.
Một nấc cao hơn trong công việc đó là việc lựa chọn một nghề nghiệp hành nghề. Nó bao gồm một loạt các công việc mà người hành nghề sẽ cần phải thực hiện để có thể hoàn thành trách nhiệm của mình.
Mỗi nhóm hành nghề sẽ chịu sự chi phối của bởi các quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp. Cuối cùng, sự nghiệp lại là một sự lựa chọn của những người hành nghề để lựa chọn sự phát triển của bản thân trong dài hạn liên quan đến nghề nghiệp của mình.
Để làm tốt trong công việc của mình, giống như chúng ta đầu tư vào bất cứ gì dù cho đó là một doanh nghiệp hay một vườn cây sau nhà, thì cũng đều cần công chăm sóc và việc đầu tư.
Chúng ta muốn khu vườn đó không ngừng phát triển thì việc chỉ chăm sóc duy trì tối thiểu thôi là chưa đủ, mà nó yêu cầu cả một sự tập trung, tận tụy và luôn nghĩ về nó để tìm ra hướng phát triển.
Thông thường, chúng ta chỉ tập trung vào công việc trong giai đoạn đầu, nhưng khi công việc đã ổn định thì cũng sẽ ít suy nghĩ hơn về hướng phát triển cho công việc chính của mình, thay vào đó lại nghĩ nhiều hơn về việc gia tăng thu nhập hoặc tích lũy các tài sản thông qua các hoạt động đầu tư tài chính hay bất động sản.
Và rồi, chúng ta chỉ duy trì một công việc của mình như một nguồn thu nhập hỗ trợ cho cuộc sống hơn là một nơi mở ra cơ hội phát triển bản thân.
Việc không xác định được định hướng phát triển nghề nghiệp cũng dễ dẫn đến một hệ lụy là chúng ta sẽ dễ dàng cảm thấy bản thân luôn trong trạng thái không hài lòng với công việc hiện tại.
Kết quả khảo sát của Công ty Jobstreet Việt Nam với 13.000 người lao động vào năm 2016 về mức độ hài lòng với công việc hiện tại, có đến hơn 85% số người được khảo sát cảm thấy không hài lòng.
Trong đó, tốp 3 lý do phổ biến nhất là việc làm nhàm chán (55%); mức lương chưa phù hợp (54%); không học hỏi được từ việc làm (37%). Khi đã có cảm giác không hài lòng thì công việc sẽ trở thành một gánh nặng, khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn hơn trong chặng đường phát triển.
Công việc không chỉ đơn thuần là một tổ hợp các hoạt động mà chúng ta phải hoàn thành để nhận được thu nhập đều đặn hàng tháng. Nó còn là một môi trường để chúng ta phát triển thông qua việc phải đối diện và giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp trong thực tiễn, từ đó giúp chúng ta làm giàu vốn sống và trải nghiệm công việc trong hành trình phát triển sự nghiệp của mình.
(*) CFA