Nghệ nhân trăn trở
“Tôi đóng hàng cho người ta từ món hàng nhỏ nhất, khâu đóng gói mình tự làm để đảm bảo. Ngày xưa, hàng hóa xuất khẩu toàn container chứ không như bây giờ không có bóng người lại đây mua đồ”.
Đó là trăn trở của bà Trương Thị Thúy Diễm, chủ Cơ sở sơn mài Thùy Vân, ở phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Theo bà Diễm, trước đây, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp rất được ưa chuộng và liên tục có đơn hàng xuất khẩu đi các nước. Sau đó, chịu sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường nên đơn hàng xuất khẩu giảm, đơn hàng trong nước cũng vắng bóng. Thu nhập không đảm bảo nên nhiều người bỏ nghề đi làm công nhân dẫn đến làng nghề thiếu thợ. Gần đây nhất, ảnh hưởng của dịch COVID-19 rồi đến chiến tranh Nga-Ukraine, lạm phát kinh tế thế giới khiến làng nghề càng khó để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bà Diễm cho biết, do không đủ kinh phí hoạt động, bà đành trả mặt bằng trưng bày sản phẩm và đóng cửa xưởng sản xuất của gia đình. Giờ đây muốn sản xuất lại phải đầu tư thêm máy móc, cải tạo nhà xưởng nhưng không có vốn. Hơn 35 năm gắn bó với nghề nên bà rất nuối tiếc nếu phải từ bỏ: “Máy móc mấy năm nay để lâu nên đã hư hỏng hết, giờ phải sắm lại mới. Giờ đồ cũ đưa vào không làm được, giờ làm nghề theo kiểu hiện đại. Giờ làm phải có sự hỗ trợ vốn mới mở lại xưởng được vì phải làm lại hệ thống xử lí chất thải, chứ ngày xưa không yêu cầu”.
Cũng như gia đình bà Diễm, từ hàng trăm hộ dân trong phường Tương Bình Hiệp và các địa phương ở TP. Thủ Dầu Một theo nghề sơn mài thì nay chỉ còn 15 hộ duy trì sản xuất. Các hộ trụ với nghề cũng đang gặp nhiều khó khăn để cải tạo nhà xưởng, tìm đầu ra cho sản phẩm, từ đó mới có kinh phí giữ chân thợ.
Khó khăn chồng chất nên khi biết Bình Dương xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một” và dành quỹ đất hơn 5,4 ha ở khu phố 8, phường Tương Bình Hiệp xây dựng làng nghề ai cũng vui mừng, phấn khởi. Thế nhưng, sau lễ công bố rồi đến lễ khởi động thì đến nay Đề án lại tạm dừng để điều chỉnh và khu đất xây làng nghề vẫn là bãi đất trống.
Bà Lê Mộng Thắm (59 tuổi, chủ cơ sở sơn mài Thanh Bình Lê ở phường Tương Bình Hiệp) nói: “Nếu kéo dài như vậy thì người ta chịu đựng không nổi sẽ phải bỏ nghề đi làm, đi tìm việc để lo toan cho cuộc sống. Nghệ nhân bây giờ lớn tuổi họ cũng muốn truyền nghề nhưng tuổi trẻ thấy nghề mai một nên không muốn theo nghề. Nếu làng nghề mọc lên càng sớm, tôi nghĩ người lớn tuổi có thể truyền nghề. Nếu cuộc sống đầy đủ thì mọi người dân ở đây sẽ quay lại làm như xưa”.
Sau 6 năm, đề án vẫn ở trên giấy
Trước sự mai một của làng nghề, cũng như trăn trở của những người yêu nghề, Hiệp hội Sơn mài Điêu khắc tỉnh Bình Dương cũng đã liên tục kiến nghị với cơ quan chức năng sớm triển khai xây dựng làng nghề.
Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Sơn mài- Điêu khắc tỉnh Bình Dương cho biết, Đề án được hình thành từ năm 2017 sau khi làng nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thế nhưng đến nay, đề án vẫn chưa có bảng vẽ chi tiết, kế hoạch, quy chế hoạt động để doanh nghiệp có bước chuẩn bị.
Nghệ nhân Lê Bá Linh đề nghị: “Khi những người nghệ sĩ, doanh nghiệp vào đây làm thì điều kiện như thế nào, hỗ trợ ra sao để họ có định hướng. Khu họa sĩ có thu tiền hay không, hay doanh nghiệp thu tiền mỗi tháng bao nhiêu, doanh nghiệp tự xây xưởng như thế nào thì phải rõ ràng. Cái này phải đi trước, hoặc song song với xây dựng làng nghề để doanh nghiệp chủ động”.
Nói về nguyên nhân Đề án chậm triển khai, lãnh đạo UBND thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương giải thích, trong 2 năm 2020 và 2021 địa phương tập trung dập dịch COVID-19. Đề án do Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn xây dựng, tham mưu UBND tỉnh Bình Dương từ năm 2017 vẫn còn thiếu nhiều hạng mục nên giờ đây UBND thành phố đang rà soát, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. UBND thành phố đã hoàn thiện Đề án và chuyển Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn xem xét trình UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định phê duyệt.
Ông Võ Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một khẳng định, cuối năm nay, địa phương sẽ hoàn thiện thủ tục liên quan đến dự án để đầu tư xây dựng làng nghề trong năm 2024. Khu này có tất cả các điều kiện để sản xuất như hệ thống xử lí khí thải, nước thải, chất thải nhưng việc đưa hộ dân vào sản xuất thì cần phải tính toán lại.
Ông Thành nói: “Vấn đề đặt ra là hình thức để cho các hộ dân vào sản xuất như thế nào vì nó liên quan đến đất công, tài sản công. Điều này khi hình thành xong sẽ thành lập Ban quản lí trên cơ sở đó ban sẽ thực hiện công việc giao, cho thuê, hoặc đưa những hộ dân vào sản xuất thì sẽ tính thêm một bước nữa trong giai đoạn 2 của dự án”.
Theo Đề án, khu làng nghề sơn mài tập trung sẽ có cổng chào, nơi trưng bày sản phẩm, nơi trình diễn kỹ thuật làm nghề, Nhà thờ Tổ. Song song đó, các đơn vị sẽ kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước.
Đề án mở ra hy vọng cho nhiều lớp nghệ nhân trong việc vực dậy làng nghề trước những “sóng gió” bên ngoài. Do đó, họ mong muốn chính quyền địa phương sớm triển khai thực hiện một cách nghiêm túc để khôi phục làng nghề trước nguy cơ mai một.