“Trai thì đọc sách ngâm thơ
Gái thì kim chỉ thêu thùa vá may”
Đó là quan niệm của nhiều người ở Huế trong cuộc sống xưa. Tuy vậy, quan niệm đó chỉ đúng ở một góc độ rất nhỏ. Đến với vùng đất “thần kinh” cho chúng ta cảm nhận nhiều giá trị văn hóa rất riêng. Cuộc trò truyện với Nghệ nhân Nhân dân Trần Duy Mong giúp chúng tôi có những cảm nhận chân thực về lòng yêu nghề của một người con ưu tú xứ Huế.
Nghệ nhân tài hoa của làng kim hoàn Kế Môn với trách nhiệm giữ hồn nghề truyền thống
Nghệ nhân Nhân dân Trần Duy Mong là người con của làng nghề kim hoàn Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế). Đây là cái nôi của nghề chế tác kim hoàn xứ Huế, làng nghề này manh nha từ cuối thế kỷ 18. Sinh ra và lớn lên làng nghề truyền thống nổi tiếng trong lĩnh vực chế tác kim hoàn. Ông đã lĩnh hội được nghề của ông cha và luôn tận tụy bởi trách nhiệm với nghề đã ăn sâu vào tiềm thức của anh.
Từ thuở nhỏ, Nghệ nhân Nhân dân Trần Duy Mong đã có ước mơ trở thành một người thợ kim hoàn. Ước mơ cháy bỏng đó đã thôi thúc ông tìm thầy giỏi để học nghề. Ngày đó học nghề rất vất vả, gánh nước thổi lửa cả ngày không được tận tay sờ vào miếng vàng, miếng bạc vì quan niệm thợ kim hoàn phải am hiểu về thủy và hỏa mới được động đến kim. Vàng bạc là vật quý để lưu giữ nhiều năm nên phải giữ chữ tín. Học nghề này rất khó nếu nhanh trí cũng mất 3 đến 5 năm mới nắm được các kĩ thuật cơ bản. Hơn nữa, thợ kim hoàn còn cần tài năng của người nghệ sĩ để các sản phẩm mình làm ra mang những vẻ đẹp riêng. Khả năng này sẽ dần hoàn thiện qua năm tháng ông theo đuổi cộng với sự rèn luyện của bản thân.
Với sự thông minh, hiếu học, trung thực, tận tụy… nghệ nhân Trần Duy Mong được thầy tin yêu và sớm truyền nghề. Đến nay, hơn 50 năm theo nghề, ông đã trở thành lão làng trong nghề chế tác kim hoàn xứ Huế. Gắn bó máu thịt với nghề, Nghệ nhân Trần Duy Mong luôn đề cao vẻ đẹp nghề truyền thống bằng những việc làm cụ thể. Ông trải lòng: “Tôi luôn tự hào vì là người con của làng kim hoàn Kế Môn. Đó là động lực để tôi cố gắng. Trong mọi hoàn cảnh, tôi luon nhủ lòng phải cố gắng đề làm rạng danh của làng kin hoàn Kế Môn. Trong rất nhiều thời kỳ, những người thợ kim hoàn của làng đã đi khắp nơi để làm ăn và kinh doanh vàng bạc, không những ở Việt Nam mà đi ra cả nước ngoài”.
Nghệ nhân Nhân dân Trần Duy Mong luôn chỉ bảo thế hệ sau gắn bó và làm rạng rỡ thêm nghề kim hoàn của xứ Huế. Đó là trách nhiệm với những bậc tiền bối của nghề kim hoàn. Ông đã đóng góp ý tưởng, công sức và kinh phí xây dựng các công trình để các thế hệ mai sau nhớ đến tổ tiên, khắc ghi công ơn của những thế hệ đi trước trong nghề kim hoàn. Ông đã vận động sự đóng góp để xây dựng Khu lăng mộ của hai vị Tổ sư Kim hoàn (Cao Đình Độ và Cao Đình Hương) và Nhà thờ tổ nghề Kim hoàn tại TP. Huế với sự trân trọng từ trong đáy lòng. Dù bận rộn với các cơ sở kinh doanh tại TP. Huế nhưng khi có thời gian ông Mong vẫn lên khu mộ của nhị vị Tổ sư Kim hoàn hay Nhà thờ tổ nghề Kim hoàn với lòng tôn kính. Ông chia sẻ: “Tôi rất tự hào vì Khu mộ của nhị vị Tổ sư Kim hoàn tại TP. Huế đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Đó là sự ghi nhận vai trò của nghề kim hòa trong đời sống. Cứ có thời gian là tôi lại ghé thăm những nơi này vì nhờ những bậc tiền bối mà tôi mới có ngày hôm nay”.
Sắp bước sang cái tuổi “thất tuần”, hơn 50 năm gắn bó với nghề, Nghệ nhân Trần Duy Mong đã đào tạo ra nhiều thế hệ thợ kim hoàn hiện đang hành nghề khắp cả nước. Nghệ nhân Trần Duy Mong vẫn luôn hướng về phía trước với một lòng tin sẽ làm rạng rỡ nghề kim hoàn. Với tài năng cũng những ý tưởng sáng tạo, nghệ nhân Trần Duy Mong đã tham gia nhiều cuộc triển lãm khắp cả nước được Nhà nước, các bộ ngành và tỉnh Thừa Thiên Huế tặng thưởng nhiều giải thưởng cao quý. Đó là động lực để ông tiếp tục cống hiến cho nghề kim hoàn.
Tịnh Tâm Kim Cổ – Hoài bão của Nghệ nhân nặng lòng với nghề.
Để nhiều người biết đến lịch sử nghề kim hoàn xứ Huế, qua nhiều năm ấp ủ, khu Tịnh Tâm Kim Cổ được hoàn thành với tâm nguyện của ông để giới thiệu đến người dân và du khách về lịch sử nghề kim hoàn xứ Huế. Năm 2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã công nhận Tinh Tâm Kim Cổ đạt chuẩn là điểm tham quan du lịch. Tịnh Tâm Kim Cổ có không gian mang đặng trưng nhà cổ xứ Huế. Đến đây du khách sẽ cảm nhận được những giá trị văn hóa bởi một không gian “rất Huế” được Nghệ nhân Nhân Trần Duy Mong cho bài trí rất khoa học trong từng công trình từ trong ý tưởng của ông. Trong không gian đậm màu hoài cổ ấy là cả một thế giới đồ kim hoàn lung linh.
Ở đây có nhiều gian hàng trưng bày và bán các loại vàng, bạc, ngọc, đồ trang sức. Đặc biệt, ở đây thông qua thao tác biểu diễn nghề kim hoàn, khách tham quan sẽ tận mắt chiêm ngưỡng những công đoạn, những thao tác của nghề này. Ngoài ra, du khách còn được giải thích tận tình các công cụ và quy trình chế tác từ thời xưa của nghề chế tác kim hoàn truyền thống hay được mục sở thị từng công đoạn trong chế tác kim hoàn để tạo nên sản phẩm. Đó còn là một bảo tàng thu nhỏ về lịch sử phát triển nghề chế tác kim hoàn xứ Huế qua từng gia đoạn lịch sử. Với Tịnh Tâm kim cổ, nghề kim hoàn xứ Huế như được sống lại với thời hoàng kim xưa. Bởi ở đó, đời sống kim hoàn truyền thống Huế được tái tạo, phục dựng và phô diễn một cách công phu, chân thực và sống động, đủ để cho những ai yêu Huế đến rồi sẽ chẳng thể nào quên khi đến với không gian đầy chất nghệ thuật của Tịnh Tâm Kim Cổ.
Nghệ nhân Trần Duy Mong cho biết thêm: “Trong bối cảnh ngành công nghệ chế tác trang sức kim hoàn phát triển mạnh như hiện nay là một xu thế tất yếu. Chúng ta phải theo xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên, nghề kim hoàn truyền thống vẫn cần được trân trọng. Nhưng tôi tin rằng với vẻ đẹp và sự độc đáo riêng, nghề chế tác kim hoàn truyền thống vẫn có chỗ đứng riêng, vì đó là cơ sở, là nền móng cho nghề chế tác trang sức kim hoàn phát triển mạnh mẽ như hiện nay”. Tại Huế hiện nay, nghề kim hoàn cũng phát triển rất mạnh. Trong đó, Nghệ nhân Nhân dân Trần Duy Mong, ông chủ nổi tiếng của chuỗi hệ thống 6 cơ sở chế tác, kinh doanh vàng bạc, đá quý của doanh nghiệp kim hoàn Thuận Thành – Duy Mong được xem là bàn tay vàng, là người giữ lửa cho nghề kim hoàn xứ Huế hiện tại.
Để ghi nhận những cống hiến với nghề, năm 2020 ông Trần Duy Mong đã được Nhà nước phong tặng “Nghệ nhân Nhân dân”. Ông cũng là người đầu tiên ở khu vực Miền Trung – Tây Nguyên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực chế tác kim hoàn. Đó không chỉ là niềm tự hào của riêng ông mà còn là của cả gia tộc, của làng kim hoàn Kế Môn đã sinh ra một nghệ nhân có tâm, có đức với nghề.
Chia tay Nghệ nhân Nhân dân Trần Duy Mong, chúng tôi cảm nhận được trong đôi mắt của ông là sự mãn nguyện bởi bao nhiêu năm cống hiến với nghề ông đã đạt được quả ngọt. Thành quả đó chứng minh cho sự tâm huyết với nghề, sự lao động nghiêm túc, sự tỉ mĩ trong từng công đoạn chế tác các sản phẩm. Ông là ngôi sao sáng của nghề chế tác kim hoàn xứ Huế.
Thế Hữu