(KTSG) – Ngày nay, chúng ta thấy nói về khái niệm “đời sống riêng tư” nhiều hơn. Khó có thể hình dung là trước đây khái niệm “riêng tư” không tồn tại. Tuy nhiên, đi cùng với xu hướng này thì lại xuất hiện một số hiện tượng “ngoại lệ”, khá nghịch lý.
Ở thời xưa, cuộc sống cộng đồng lấn át cuộc sống riêng, hay cả gia đình ngủ trong một phòng chung là phổ biến. Có chuyện rằng hoàng hậu Marie-Antoinette đã gây ra một vụ tai tiếng lớn khi ngỏ ý muốn rút về một “phòng riêng” tránh cuộc sống náo nhiệt của hoàng gia Pháp. Lối sống “khác lạ” này làm cho người Pháp thời đó phẫn nộ. “Hoàng hậu không thể có phòng ngủ riêng, hay thậm chí phòng tiếp khách riêng”, bà Campan, gia sư của Marie-Antoinette viết như thế trong hồi ký của mình.
Theo các nhà sử học, khái niệm “riêng tư” chỉ ra đời từ khoảng thế kỷ 19 ở châu Âu, khi người ta bắt đầu có phòng riêng, nhà tắm riêng thay cho phòng sinh hoạt chung và nhà tắm công cộng. Dần dần, sự “riêng tư” này không còn chỉ là đặc quyền của giới thượng lưu, mà trở thành một tiêu chuẩn chung trong toàn xã hội. Cùng với sự xuất hiện của khái niệm “riêng tư” là khái niệm “bản sắc cá nhân”, con người dần được nhìn nhận như một thực thể độc lập, tách ra khỏi các mối quan hệ xã hội. Lằn ranh giữa cuộc sống riêng tư và cuộc sống công cộng dần được vạch ra. Đời sống riêng tư không chỉ thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với những thành viên gần gũi (như gia đình, bạn bè…) mà còn thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với chính bản thân mình.
Ở phần lớn các quốc gia trên thế giới, quyền đời sống riêng tư hiện nay đã được công nhận như một trong những quyền cơ bản của con người. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các nguy cơ xâm phạm đời sống riêng tư cũng nảy sinh nhiều hơn, vì thế luật pháp quốc gia càng trở nên cứng rắn hơn trong việc bảo vệ quyền đời sống riêng tư, cho dù khái niệm pháp lý “đời sống riêng tư” có thể không giống nhau ở các quốc gia. Cá nhân cũng ngày càng ý thức hơn về quyền riêng tư cá nhân.
Với sự toàn cầu hóa của nền kinh tế, sự phát triển công nghệ cũng như sự phổ biến của mạng xã hội, lằn ranh giữa đời sống riêng tư và công cộng ngày càng trở nên mỏng manh hơn. Đồng thời, cá nhân con người cũng ngày càng trở thành một “nguồn” khai thác thương mại đáng giá. Những yếu tố này đang tạo ra nhiều nguy cơ cho việc bảo vệ các quyền cá nhân.
Tuy nhiên, đi cùng với xu hướng này thì lại xuất hiện một số hiện tượng “ngoại lệ”, khá nghịch lý.
Hiện tượng thứ nhất là đối với người “nổi tiếng”. Chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận với các nội dung đời tư người nổi tiếng trên truyền thông. Ở một số quốc gia, như Mỹ, Anh chẳng hạn, luật pháp áp dụng một khái niệm “riêng tư” riêng dành cho người nổi tiếng. Ở các nước này, công chúng có “quyền được biết” về đời tư của người nổi tiếng. Vì thế, báo chí không ngại ngần khai thác những tin sốc, tin giật gân của giới nghệ sĩ, chính trị gia để thu hút người đọc, từ tin về tài sản, con cái, sức khỏe hay các mối quan hệ ngoài luồng không mấy hay ho. Ở Mỹ, sự “minh bạch” đặc biệt quan trọng, và nhiều khi được đặt lên trên cả quyền đời sống riêng tư. Hiện nay, mô hình “kiểu Mỹ” đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, lan rộng tới nhiều nước. Thậm chí người ta nói đến việc “Mỹ hóa” xã hội trong lĩnh vực quyền riêng tư, theo nghĩa xóa nhòa ranh giới giữa riêng tư và công cộng. Ở Pháp và một số nước châu Âu khác, “bức tường đời sống riêng tư” là một thuật ngữ phổ biến từ thế kỷ 19. Điều đó có nghĩa là giới truyền thông, báo chí có truyền thống tránh nói về những khía cạnh riêng tư của người nổi tiếng, đặc biệt là của các chính trị gia. Tòa án của Pháp trước đây cũng không ngại xử phạt các hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người nổi tiếng. Tuy nhiên gần đây, Pháp cũng dần nhẹ tay hơn khi xử phạt các vụ vi phạm quyền riêng tư của người nổi tiếng, hay thừa nhận “ngoại lệ” với người nổi tiếng. Ngay cả ở Việt Nam, chúng ta chứng kiến các trang tin tức “lá cải” chuyên đưa tin cá nhân, gia đình của các nghệ sĩ nổi tiếng xuất hiện ngày càng nhiều, mà không làm mấy ai cảm thấy ngạc nhiên.
Thứ hai, là sự xuất hiện của các chương trình “truyền hình thực tế”. Chúng ta cũng có thể nhận ra một hiện tượng khác đi ngược với xu hướng ngày càng bảo vệ cuộc sống riêng tư: sự xuất hiện của các chương trình “truyền hình thực tế”, nơi các cá nhân chấp nhận cho công chúng thấy nhiều hoạt động cá nhân của mình trên truyền hình, cũng như khuynh hướng chia sẻ cuộc sống cá nhân trên các mạng xã hội. Trong trường hợp này, lằn ranh giữa cuộc sống công cộng và cuộc sống cá nhân không còn nữa. Tất nhiên, để thực hiện chương trình truyền hình thực tế, đài truyền hình phải có sự cho phép của cá nhân trước đó. Cũng phải thừa nhận rằng, đối với một số người, trưng bày đời sống cá nhân trên truyền thông cũng là một cách xây dựng và khai thác thương mại hình ảnh cá nhân.
Trước sự phát triển công nghệ và sự thay đổi mô hình kinh tế, không chỉ sự riêng tư cá nhân cần được bảo vệ, mà việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, hình ảnh cá nhân… cũng trở nên cần thiết và được luật hóa. Tuy nhiên, đi cùng với xu hướng siết chặt bảo vệ dữ liệu cá nhân, thì chúng ta cũng chứng kiến nghịch lý là dữ liệu cá nhân ngày càng được thu thập và khai thác nhiều hơn. Internet là một công cụ hữu hiệu cho con người, và mỗi cá nhân đều tận dụng nó theo cách của riêng mình. Mỗi cá nhân khi dùng Internet để mua bán, trao đổi, học tập hay giải trí, đều để lại những “dấu vết” cá nhân, và chúng hoàn toàn có thể bị khai thác với nhiều mục đích khác nhau, hợp pháp hay bất hợp pháp.
Vụ bê bối Cambridge Analytica (một số tờ báo Mỹ buộc tội Facebook đã để cho công ty này sử dụng dữ liệu cá nhân của gần 50 triệu tài khoản Facebook để tác động đến lá phiếu bầu cử Mỹ năm 2016) cho thấy dữ liệu cá nhân có thể được thu thập một cách hoàn toàn hợp pháp, nhưng cho một mục đích không hề hợp pháp. Dữ liệu cá nhân bị thu thập và khai thác bởi các công ty với danh nghĩa là để phục vụ khách hàng tốt hơn, nhưng khó loại trừ nguy cơ chính các công ty này lạm dụng việc sử dụng dữ liệu cá nhân, và sử dụng nó để chi phối cá nhân.
Với sự phát triển của Metaverse (vũ trụ ảo), nguy cơ này lại ngày càng rõ rệt hơn. Với các thuật toán được suy tính kỹ, các công ty cung cấp dịch vụ Metaverse có thể sử dụng thông tin mà người dùng cung cấp (hình thức, hành động, thói quen…) để dự đoán nhu cầu của cá nhân, và từ đó kiểm soát cá nhân một cách dễ dàng hơn. Theo các chuyên gia, hiện có một mạng lưới toàn cầu mua bán dữ liệu cá nhân, và người sở hữu dữ liệu cũng sẽ là người sở hữu quyền lực chi phối thế giới.
Có thể nói, với sự toàn cầu hóa của nền kinh tế, sự phát triển công nghệ cũng như sự phổ biến của mạng xã hội, lằn ranh giữa đời sống riêng tư và công cộng ngày càng trở nên mỏng manh hơn. Đồng thời, cá nhân con người cũng ngày càng trở thành một “nguồn” khai thác thương mại đáng giá. Những yếu tố này đang tạo ra nhiều nguy cơ cho việc bảo vệ các quyền cá nhân. Chính vì thế luật pháp càng cần phải được cập nhật để đi kịp với những thay đổi nhanh chóng của xã hội.