Người dân chủ quan lơ là, chuyên gia cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch

Theo các chuyên gia y tế, hiện không chỉ mối lo bùng phát các bệnh truyền nhiễm mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, mà còn có điều đáng lo ngại nhất là sự chủ quan, lơ là của người dân trong hoạt động phòng, chống dịch. Điều này đang tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây lan, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.

Hiện nay, các dịch bệnh truyền nhiễm như Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa tại miền Bắc… vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Theo Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị và nhiều ca bệnh chuyển nặng trong thời gian gần đây.

Theo PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng thuộc Trường Đại học Y dược TPHCM, hiện nay người dân đang có biểu hiện chủ quan, lơ là với quy định 2K phòng chống dịch Covid-19 nên có khả năng dịch sẽ dễ lây lan hơn.

Ông Dũng cho rằng, hiện nhiều người đang có suy nghĩ đã từng mắc Covid-19 và có triệu chứng nhẹ thì khi mắc lại sẽ không nặng. Đây là quan niệm sai lầm. Trước đây, những người này vừa mới tiêm ngừa được 2-3 tháng thì mắc bệnh, lúc đó kháng thể vẫn còn nên nếu có mắc bệnh cũng nhẹ. Tuy nhiên, nếu không thực hiện các mũi tiêm lại, kháng thể sẽ giảm xuống dần.

Ngoài các bệnh truyền nhiễm bùng phát hiện nay, sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước, trong đó có các biến thể BA.2.12.1, BA.2.75 gây khó khăn trong hoạt động phòng chống dịch và đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch.

Theo TS. BS. Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, biến chủng mới và người nhiễm Covid-19 ngày càng nhiều đã tạo điều kiện cho biến chủng mới phát triển và né kháng thể của vaccine. Vì vậy hiện việc sử dụng vaccine để khống chế dịch vẫn là chưa đủ.

Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát và lây lan mạnh tại các tỉnh, thành phố ở phía Nam. Hiện các bệnh viện trên địa bàn TPHCM ghi nhận rất nhiều ca bệnh sốt xuất huyết với tình trạng sốc nặng, suy đa tạng… Ảnh: Minh Thảo

Theo BS Quốc Hùng, đợt dịch cao trào rơi vào thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm ngoái và đến tháng 11, số ca mắc tích lũy rất nhiều. Đến tháng 2-2022, cơ bản tiêm ngừa vaccine và tiếp tục tiêm mũi 3, cùng với số người đã nhiễm bệnh sẽ có trên 75% người có kháng thể, tạo nên miễn dịch cộng đồng khá tốt. Vì vậy, số ca nhiễm bệnh đã giảm đi.

Tuy nhiên, hiệu quả vaccine và người từng mắc bệnh có kháng thể bảo vệ được khoảng 6 tháng nên từ tháng 2 đến tháng 8 năm nay, miễn dịch cộng đồng vẫn còn khá tốt. Sau đó, khả năng miễn dịch sẽ giảm đi, ông Hùng cho biết.

Cùng với việc biến chủng mới có khả năng né tránh các loại kháng thể của vaccine,  kháng thể của người nhiễm bệnh lần trước giảm nhiều; người dân đang không ủng hộ tiêm ngừa thêm và mọi sinh hoạt đã dần trở lại bình thường, mỗi cá nhân không còn ý thức phòng tránh dịch sẽ dẫn đến khả năng mắc bệnh cao hơn.

Tháng 9, 10 tiên lượng có đợt nhiễm cao

Trước sự tiến hóa liên tục của các biến chủng của virus gây bệnh, BS. Quốc Hùng cho biết, tiên lượng tháng 9, tháng 10 năm nay khả năng sẽ có đợt nhiễm bệnh cao trở lại.

Trên thực tế, lượng bệnh trên toàn quốc hiện cũng đang gia tăng. Hiện nay, thế giới chưa có kinh nghiệm rõ ràng về mức độ tránh kháng thể của virus. Những câu hỏi vẫn chưa trả lời được đó là liệu số người mắc gia tăng lại có khả năng làm cho virus tiếp tục biến chủng không, hay biến chủng mới liệu có độc lực cao hơn so với các biến chủng trước đây hay không.

Bên cạnh khả năng miễn dịch của vaccine phòng Covid-19, ông Hùng lo ngại, hiện khoa học vẫn chưa biết hoàn toàn về hậu quả của Covid-19 gây ra.

Có hơn 200 triệu chứng hậu Covid-19 đã được ghi nhận kể cả ở các bệnh nhân từng mắc bệnh nhẹ và liệu còn những căn bệnh nào do Covid-19 gây ra ảnh hưởng sức khỏe mà giới khoa học chưa tìm ra. Vì vậy, việc tiêm vaccine cần được tiếp tục và ưu tiên cho nhân viên y tế, người có bệnh lý nền, trẻ em, người cao tuổi.

Trước đó, ngày 2-8, để chủ động trong việc tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị khi có ca bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng, Cục Quản lý khám chữa bệnh của Bộ Y tế cho biết đang xây dựng kế hoạch ứng phó với các tình huống dịch đậu mùa khỉ với ba tình huống.

Tình huống thứ nhất là chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Tình huống này xây dựng quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ; điều trị các ca bệnh theo phân tuyến, thực hiện phương án điều trị tại chỗ theo chỉ đạo…

Tình huống hai là có các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam, tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho ca bệnh đậu mùa khỉ; cập nhật quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ sở…

Tình huống ba là dịch lây lan ra cộng đồng, mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly điều trị tại nhà; sẵn sàng cử đội cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi cần thiết; phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp; hạn chế di chuyển người bệnh…

Theo Sài Gòn Tiếp Thị