(KTSG Online) – Tại một số ngành, địa phương, cơ quan hành chính vẫn yêu cầu phải có giấy xác nhận thường trú, tạm trú khi đã chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, baochinhphu.vn đưa tin.
Theo baochinhphu.vn, tại phiên họp lần thứ năm Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, một số dịch vụ tỷ lệ trực tuyến cao, như thông báo lưu trú; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông… đã tích hợp VNeID trên Cổng dịch vụ công quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đăng nhập, khắc phục tình trạng không có số điện thoại chính chủ.
Tính đến ngày 23-2, Bộ Công an thu nhận hơn 21 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, trong đó phê duyệt hơn 20 triệu hồ sơ; có khoảng 4,5 triệu tài khoản kích hoạt, tiếp tục phát triển các tiện ích trên VNeID; cấp hơn 78 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, nền tảng căn cước công dân gắn chip đã kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chia sẻ với 13 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông Viettel, Mobifone, Vinaphone và 60 địa phương.
Tuy nhiên, nhiều ban, ngành, địa phương hiện vẫn không sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không thực hiện giảm các thủ tục hành chính theo phương thức mới bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân gắn chip, mà vẫn yêu cầu giấy xác nhận thường trú, tạm trú gây phiền hà cho người dân.
Bộ Công an yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và không được phép yêu cầu người dân xác nhận thường trú, tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính.
Hiện 4 tỉnh Gia Lai, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Phú Yên chưa kết nối cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thì tùy loại thủ tục hành chính, vẫn áp dụng sao y chứng thực sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; xác nhận thường trú, tạm trú và một số giấy tờ đặc thù khác…