(KTSG Online) – Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), Công ty cổ phần vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST), Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (TCK) bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục do lợi nhuận luỹ kế âm hoặc có khoản vay nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.
Tại báo cáo tài chính (BCTC) 6 tháng đầu năm 2022 đã kiểm toán của Ocean Group, đơn vị kiểm toán tiếp tục nhắc tới sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp do tồn tại khoản lỗ luỹ kế 2.759,66 tỉ đồng tính tới 30-6-2022, bằng 91,99% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Tại BCTC kiểm toán năm 2021, kiểm toán từng nhấn mạnh nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Ocean Group do có khoản lỗ lũy kế 2.726,42 tỉ đồng tính tới 31-12-2021. Đáng lưu ý, BCTC năm 2021 của doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận âm 76 tỉ đồng, trong khi báo cáo tự lập lại ghi nhận lợi nhuận dương hơn 145 tỉ đồng.
Bên cạnh khoản lỗ luỹ kế có xu hướng gia tăng, đơn vị kiểm toán cũng lưu ý việc chuyển dịch các khoản nợ xấu và trích lập dự phòng của Ocean Group và Công ty cổ phần đầu tư Đại dương Thăng Long (Công ty con của Ocean Group – PV).
Cụ thể, BCTC năm 2021 ghi nhận sự suy giảm về các khoản phải thu ngắn hạn của Ocean Group do doanh nghiệp chuyển hơn 3.300 tỉ đồng nợ xấu ra ngoài bảng, gồm: 2.600 tỉ đồng của Ocean Group, 724 tỉ đồng của Đại Dương Thăng Long.
Điều này giúp các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn trên BCTC năm 2021 giảm từ mức hơn 1.400 tỉ đồng xuống 170 tỉ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn khác giảm từ 2.700 tỉ đồng xuống về 1.200 tỉ đồng. Còn dự phòng giảm từ 3.895 tỉ đồng xuống 1.245 tỉ đồng.
Trước đó, doanh nghiệp đã thực hiện chào bán công khai một số khoản nợ phải thu khó đòi có giá trị nợ gốc khoảng 1.072 tỉ đồng với giá chào bán khởi điểm bằng 10% giá trị nợ gốc. Nhưng không có đối tác quan tâm mua nợ tại thời điểm mở chào giá ngày 4-6-2022.
Tương tự, đơn vị kiểm toán bày tỏ nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HAGL do có khoản lỗ luỹ kế 3.938,5 tỉ đồng tính tới 30-6-2022 – bằng 42,5% vốn điều lệ doanh nghiệp, và hành vi vi phạm một số cam kết với hợp đồng vay và trái phiếu.
Với các khoản vay trái phiếu, báo cáo gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) của HAGL cho thấy doanh nghiệp chưa thanh toán tổng số tiền 302,79 tỉ đồng cho nhà đầu tư nhận phát hành trái phiếu HAGLBOND16.26 tại hai thời điểm đến hạn thanh toán là 30-3-2022 và 30-6-2022. Nguyên nhân do nguồn tiền để thanh toán tới từ nhóm HAGL Agrico và các công ty con của doanh nghiệp này.
Để giải quyết, lãnh đạo HAGL cho biết đã thoả thuận lộ trình trả nợ 3 bên gồm HAGL, HAGL Agrico và BIDV. Ngoài ra, doanh nghiệp đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp với dòng tiền tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ đối tác, phát hành cổ phiếu riêng lẻ, đi vay ngân hàng thương mại và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.
Về sức khoẻ tài chính, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của HAGL là 3,16 lần tính tới 30-6-2022, cao hơn 0,65 lần so với thời điểm đầu năm. Còn dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 1,39 lần, cao hơn 0,14 lần.
Với Công ty cổ phần vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST), đơn vị kiểm toán cũng bày tỏ lo ngại khả năng hoạt động liên tục do lỗ lũy kế và nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Đây là lần thứ sáu liên tiếp doanh nghiệp nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán tính từ năm 2016.
Việc ghi nhận khoản lợi nhuận âm 275 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2022 khiến lỗ lũy kế của doanh nghiệp tăng lên mức 2.363 tỉ đồng tính tới 30-6-2022. Điều này khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp âm 1.717 tỉ đồng.
Ngoài ra, nợ ngắn hạn của VST đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.886 tỉ đồng tính tới 30-6-2022. Trong đó, các khoản nợ vay đã quá hạn thanh toán lên tới 554 tỉ đồng; chi phí phải trả ngắn hạn, chi phí lãi vay phải trả cho các khoản vay quá hạn này là 1.210 tỉ đồng.
Doanh nghiệp chưa có phương án hiệu quả để khắc phục khả năng thanh toán cũng như tìm kiếm được nguồn tiền để thanh toán cho các khoản vay đến hạn trong vòng 12 tháng tới trong điều kiện hoạt động bình thường.
Với Tổng công ty Cơ khí xây dựng (TCK), đơn vị kiểm toán đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ. Cụ thể, doanh nghiệp chưa trích lập đủ dự phòng nợ phải thu khó đòi với số cần trích bổ sung khoảng 16,7 tỉ đồng tính tới 30-6-2022. Con số này tại ngày 31-12-2021 là 15,7 tỉ đồng.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán không thể xác định cơ sở điều chỉnh với số liệu liên quan tiền sử dụng đất của dự án khu nhà ở Decoimex. Cụ thể, quyết định của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 14-2 về việc phê duyệt đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất của dự án khu nhà ở Decoimex mở rộng và thông báo của Chi Cục thuế khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo ngày 3-8 cho biết tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp là gần 227 tỉ đồng tính tới ngày 31-7. Trong đó, tiền sử dụng đất còn nợ hơn 137 tỉ đồng và tiền chậm nộp gần 90 tỉ đồng.
Tuy nhiên, TCK chưa chấp nhận nộp khoản tiền sử dụng đất nợ và tiền chậm nộp do Chi Cục thuế khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo, tính tiền sử dụng đất trên cả diện tích công cộng.
Đơn vị kiểm toán cũng đưa ra ý kiến nhấn mạnh về các khoản nợ ngắn hạn của TCK đã vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 273 tỉ đồng tính tới 30-6.
Về hoạt động kinh doanh, TCK chịu ghi nhận lợi nhuận âm hơn 703 triệu đồng sau 6 tháng đầu năm, qua đó nâng lỗ luỹ kế lên hơn 336 tỉ đồng tính tới 30-6-2022. Điều này khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp âm hơn 74,1 tỉ đồng.
Theo đơn vị kiểm toán, khả năng tiếp tục hoạt động của TCK sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hồi các khoản thu, gia hạn các khoản vay, khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, nhà cung cấp và hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Bên cạnh 4 doanh nghiệp trên, một số doanh nghiệp khác cũng bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục như Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (Petrocons), Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), Công ty cổ phần Vinaconex 39 (PVV).