(KTSG Online) – Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNH) tăng trần lãi suất tiền gửi và tăng các loại lãi suất điều hành, nhiều nhà băng ngay lập tức đẩy mạnh lãi suất huy động kỳ hạn ở cả kỳ hạn ngắn và dài.
Chăng hạn, biểu lãi suất huy động vốn dành cho khách hàng cá nhân của VPBank được áp dụng từ ngày 24-9 được điều chỉnh tăng mạnh so với hồi đầu tháng.
Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tăng lên mức 4-4,5%/năm tuỳ theo số tiền gửi, từ mức trước đó là 3,2-3,7%/năm. Lãi suất ở kỳ hạn dài hơn cũng được điều chỉnh tăng lên, chẳng hạn như lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng lên vùng 5,8-6,3%/năm, từ vùng trước đó là 5,2-5,8%%/năm. Tương tự, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ cũng tăng mạnh từ 6% lên 6,5%/năm (với khoảng số tiền từ 300 triệu đồng đến dưới 3 tỉ đồng).
Không chỉ có VPBank, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động vào cuối tuần trước.
Trong đó, OCB tăng mạnh lãi suất huy động bình quân các kỳ hạn dưới 6 tháng, tăng quanh mức 1 điểm phần trăm còn Ngân hàng ACB đẩy lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng khoảng 0,2-0,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng đẩy mạnh từ khoảng 6%/năm lên khoảng 6,4%/năm.
Ở SCB, trong đợt điều chỉnh lãi suất từ ngày 23-9 vừa qua, ngân hàng này vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở nhóm cao nhất thị trường, khoảng 7,3%/năm nhưng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lại tăng mạnh.
Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn một tháng tăng lên mức 4,9% còn lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đều lên mức cao nhất theo quy định mới của trần lãi suất tiền gửi là tối đa 5%. Mức tăng lên đến 1%/năm.
Có thể thấy hàng loạt nhà băng đã tăng lãi suất huy động, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn tăng nhanh hơn và tiến sát đến mốc gần tối đa là 5%/năm. Một điểm đáng chú ý là những ngân hàng quy mô lớn vẫn giữ mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng chưa “đụng” trần tiền gửi theo quy định, quanh mức 4%/năm. Trong khi đó, nhóm ngân hàng quốc doanh duy trì mặt bằng lãi suất ở kỳ hạn này dao động quanh mức 3,1-3,5%/năm.
Trong tuần trước, NHNN tăng mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng từ 0,3-1%/năm tùy theo kỳ hạn, bên cạnh việc tăng các loại lãi suất điều hành.
Theo khối phân tích của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020 sau động thái tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ là điều cần thiết nhưng cũng gây gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại.
Còn nhóm nghiên cứu của Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, sau khi NHNN tăng lãi suất.
Theo đó, lãi suất huy động có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản vào cuối năm nay. Đà tăng sẽ tiếp tục với khoảng 50 điểm cơ bản trong năm sau.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhóm ngân hàng thương mại có thể sẽ tăng lên vùng 6,6-6,8%/năm, từ vùng 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là con số này vẫn thấp hơn trước mùa dịch là 7%/năm, theo VNDirect.