Nhìn kinh tế Trung Quốc tìm giải pháp cho kinh tế Việt Nam

(KTSG) – Trong khoảng bốn thập niên qua, cả Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của cả hai nền kinh tế đã chựng lại sau đại dịch Covid-19 và đang đối mặt với những thách thức rất lớn. So sánh sự tương đồng và tương phản của hai nền kinh tế có thể thấy một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Sự tương đồng và tương phản trong các kết quả

Hình 1 cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP/người và GDP/người theo giá cố định năm 2015. GDP/người của Trung Quốc trong giai đoạn 1984-2022 tăng 19,38 lần, dẫn đầu thế giới. Đây là quốc gia có được giai đoạn tăng trưởng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại. Cùng giai đoạn trên, con số của Việt Nam tăng 6,21 lần, xếp thứ 4 thế giới (sau Trung Quốc, Guinea xích đạo và Guyana).

GDP/người theo giá cố định năm 2015 vào năm 1984 của Trung Quốc và Việt Nam lần lượt là 596 đô la Mỹ và 588 đô la Mỹ. Khi đó, cả hai đều thuộc nhóm nước kém phát triển. Hai con số của năm 2022 là 11.560 đô la và 3.655 đô la. Trung Quốc đã tiệm cận ngưỡng cao của nước thu nhập trung bình cao để bước sang ngưỡng đầu tiên của nước thu nhập cao. Trái lại, Việt Nam vẫn còn khá xa so với ngưỡng cao của nước thu nhập trung bình thấp. Từ mức tương đương nhau vào năm 1984, đến năm 2022, GDP/người của Trung Quốc đã cao hơn Việt Nam hơn 3 lần.

Như vậy, cả hai nước đã có tốc độ tăng trưởng hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đạt kết quả tốt hơn Việt Nam rất nhiều.

Sự tương đồng và tương phản trong các động lực tăng trưởng

Trong mấy thập kỷ qua, hai động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc là xuất khẩu và sự sôi động của kinh tế trong nước.

Thứ nhất, cả hai đã khai thác rất tốt các lợi thế để chiếm lĩnh thị trường nước ngoài nhằm thu hút đầu tư và gia tăng xuất khẩu. Trung Quốc đã trở thành công xưởng sản xuất của thế giới. Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy kim ngạch xuất khẩu vào năm 2021 của Trung Quốc đạt hơn 3.200 tỉ đô la, cao hơn rất nhiều so với nước xếp thứ hai là Mỹ (hơn 1.750 tỉ đô la).

Trong mấy thập kỷ qua, hai động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc là xuất khẩu và sự sôi động của kinh tế trong nước. Điểm khác nhau cơ bản giữa hai nước là sức mạnh hay khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, vai trò của các doanh nghiệp nước ngoài, và sự năng động của chính quyền địa phương.

Việt Nam thuộc nhóm nước có độ mở thương mại lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ xuất khẩu so với GDP của Việt Nam vào năm 2021 là 93,3%, xếp thứ 8 toàn cầu. Tuy nhiên, nhóm xếp trên Việt Nam chỉ là các quốc đảo hoặc quốc gia/vùng lãnh thổ nhỏ về cơ bản chỉ làm ăn buôn bán với bên ngoài như Luxembourg, Hồng Kông, San Marino, Singapore, Malta, Ireland và Seychelles.

Nhưng trong một thời gian dài, Trung Quốc đã đạt được thặng dư thương mại rất lớn; trái lại, Việt Nam mới chỉ đạt được thặng dư thương mại khiêm tốn trong mấy năm gần đây. Thặng dư thương mại là nhân tố góp phần vào tăng trưởng kinh tế và giải thích sự khác biệt trong tăng trưởng của hai nước. Thêm vào đó, Trung Quốc đã có những bước tiến rất dài để leo lên các nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị.

Thứ hai, kinh tế trong nước sôi động là nhờ sự sôi động của thị trường bất động sản và sự năng động của các doanh nghiệp tư nhân. Thị trường bất động sản của hai nước đã rất sôi động, nhưng cũng gây ra những trục trặc cho nền kinh tế do tính đầu cơ cao và cung cầu không gặp nhau ở điểm bền vững và có lợi cho cả nền kinh tế. Điều này có thể cảm nhận rất rõ ở Việt Nam trong mấy thập niên qua. Tuy nhiên, theo ước tính thì bất động sản đóng góp tổng hợp khoảng 13,6% GDP của Việt Nam trong năm 2019; con số của Trung Quốc vào khoảng 25-28% hay gấp đôi Việt Nam. Đây là yếu tố thứ hai giải thích sự khác biệt trong tăng trưởng GDP của hai nước.

Điểm khác nhau cơ bản giữa hai nước là sức mạnh hay khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, vai trò của các doanh nghiệp nước ngoài, và sự năng động của chính quyền địa phương.

Thứ nhất, Trung Quốc có nhiều doanh nghiệp trong nước có quy mô cực lớn và có thể cạnh tranh quốc tế; điều này đang rất thiếu ở Việt Nam. Có một điểm tương đồng giữa hai nước là khả năng thành công của các doanh nghiệp nhà nước. Chính sự cạnh tranh đã giúp các doanh nghiệp nhà nước trở nên hiệu quả hơn. Điều này được thể hiện rất rõ ở Trung Quốc. Ở Việt Nam, ví dụ rõ ràng nhất là ngành viễn thông với sự tham gia của Viettel. Tuy nhiên, Việt Nam khác Trung Quốc là các doanh nghiệp nhà nước thành công không nhiều cho dù đã chiếm lĩnh những lợi thế từ điểm xuất phát.

Tình hình kinh tế đang rất khó. Do vậy, các chính sách và nỗ lực cần phải hợp lý và nhạy bén thì mới có thể vượt qua khó khăn trước mắt và tạo lợi thế chiến lược dài hạn trong kỷ nguyên của decoupling và de-risk.

Thứ hai, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có vị trí vừa phải trong nền kinh tế Trung Quốc, và họ đã tận dụng tốt đầu tư nước ngoài để phát triển các doanh nghiệp trong nước và chuỗi giá trị. Việt Nam thì ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài có vai trò thống lĩnh, nhất là với các mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn, và các doanh nghiệp trong nước gần như chưa thể tham gia vào các chuỗi giá trị mà chủ yếu là gia công. Nhìn các chuỗi với Apple, Intel, Samsung là có thể thấy rõ.

Thứ ba, tính năng động và sự hiệu quả của chính quyền địa phương, nhất là các địa phương hay thành phố đóng vai trò động lực cho sự phát triển. Sự năng động, hiệu quả và cạnh tranh theo vòng xoáy đi lên của chính quyền các địa phương, nhất là Thượng Hải, Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Quảng Đông… đã tạo vòng xoáy đi lên cho Trung Quốc. Trái lại, Việt Nam không có được điều này như Trung Quốc, đặc biệt hai đô thị trung tâm là Hà Nội và TPHCM đã không phát huy tốt vai trò và lợi thế của mình.

Thách thức phía trước

Giờ đây, cả hai nước phải đối mặt với thách thức tăng trưởng do cả hai động lực trên gặp trục trặc. Về giống nhau, cả hai đang rất khó khai thác dư địa thị trường nước ngoài trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đang chựng lại. Đối với kinh tế trong nước, bất động sản đang khó khăn và tình hình không thuận lợi nên tâm lý của cả doanh nghiệp và người dân không thực sự tích cực. Do vậy, kích thích sản xuất và cầu nội địa đang rất khó. Tuy nhiên, việc này đối với Việt Nam có lẽ dễ hơn Trung Quốc – nền kinh tế tiết kiệm quá mức.

Về khác nhau, có ba vấn đề. Thứ nhất, bây giờ Trung Quốc không chỉ khó trong việc thu hút thêm đầu tư nước ngoài mà các doanh nghiệp nước ngoài hiện hữu đang rút dần trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây đang phân tách và giảm thiểu rủi ro (decoupling và de-risking) với Trung Quốc. Trái lại, đây là cơ hội và lợi thế cho Việt Nam.

Thứ hai, Trung Quốc có một chiến dịch “đánh” các công ty tư nhân lớn trong nước một cách rõ ràng và có chủ ý; điều này không có ở Việt Nam cho dù một số doanh nghiệp liên quan đến tiêu cực, tham nhũng và thao túng thị trường đang gặp rắc rối. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam mãi không lớn nổi, nhất là các doanh nghiệp dựa vào tri thức và tạo ra giá trị.

VNG là một điểm hình. Vào năm 2013, khi tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam được công bố, những người am hiểu thị trường chứng khoán và định giá cho rằng nếu định giá và công bố thì chủ của doanh nghiệp này có lẽ là người đầu tiên. Tuy nhiên, khi IPO vào đầu năm 2023, tổng giá trị thị trường của VNG chưa đến 1 tỉ đô la.

Nhìn rộng hơn, rất khó tìm được những doanh nghiệp “ngôi sao” cách đây vài thập kỷ có thể trở thành những trụ cột của nền kinh tế với sức cạnh tranh cao. Sự lắng xuống của phong trào khởi nghiệp và rất ít kỳ lân xuất hiện là một chỉ báo khác về sự lớn lên của các doanh nghiệp Việt Nam. Giáo sư David Dapice, Kinh tế trưởng của Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, đã đưa ra một phân tích rất đáng chú ý là các gánh nặng chi phí của các doanh nghiệp cỡ vừa cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp lớn và nhỏ.

Thứ ba, việc kích cầu đầu tư, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc khả năng cao sẽ không tạo ra nhiều tác động lâu dài vì hạ tầng của họ đang dư thừa khá nhiều. Trái lại, các hạ tầng của Việt Nam đang rất thiếu. Do vậy, việc kích cầu đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện tại mà còn có tác dụng lâu dài, đặc biệt là giải quyết vấn đề thiếu hụt cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, động lực và tâm lý làm việc của đội ngũ do tác động không mong đợi từ cuộc chiến chống tham nhũng có lẽ là một trong những thách thức rất lớn ở Việt Nam để có thể đẩy mạnh việc này.

Các lựa chọn cho Việt Nam

Nhiều phân tích đã chỉ ra Việt Nam có lợi thế để tận dụng các cơ hội trong kỷ nguyên phân tách và giảm thiểu rủi ro của các nước phương Tây đối với Trung Quốc. Xét về vị trí và các điều kiện thì Việt Nam là một trong những lựa chọn lý tưởng để các doanh nghiệp chuyển các cơ sở từ Trung Quốc sang hoặc xây dựng các cơ sở sản xuất mới. Không phải ngẫu nhiên mà gần đây có nhiều đoàn doanh nghiệp Mỹ và các nước khác có mặt ở Việt Nam tìm hiểu các thông tin và cơ hội. Đây là điều mà Việt Nam cần tận dụng.

Điều quan trọng nữa là các doanh nghiệp Việt muốn lớn thì phải dựa vào thị trường toàn cầu. Trong đó, muốn tận dụng các cơ hội của kỷ nguyên số thì cần phải nắm rất rõ các xu hướng. Hiện tại, Mỹ và phương Tây theo hệ đảm bảo quyền tự do và tránh xâm phạm thông tin cá nhân; trong khi Trung Quốc đặt nặng vấn đề kiểm soát. Các công nghệ và sản phẩm cũng theo hai xu hướng trái ngược. Khả năng để các nước khác có thể thâm nhập vào Trung Quốc là rất khó. Do vậy, về mặt thị trường hay cơ hội kinh doanh, các doanh nghiệp Việt có lẽ chỉ có một lựa chọn. Cho nên, các chính sách của Nhà nước nên làm sao để các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội này.

Đối với khu vực trong nước, có hai vấn đề mang tính chiến lược. Thứ nhất, Việt Nam có thể triển khai gói kích thích kinh tế bằng việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và nhà ở cho người dân. Cụ thể hơn là các hạ tầng giao thông kết nối cả nước và hệ thống hạ tầng đô thị, nhất là ở Hà Nội và TPHCM. Việc này sẽ giúp Việt Nam có cơ sở hạ tầng đầy đủ hơn và tạo ra sự sôi động đối với nền kinh tế trong nước.

Thứ hai, việc xem xét lại các chính sách để cho các doanh nghiệp trong nước phát triển là vấn đề mang tính chiến lược. Trong đó, cần phải hết sức chú ý để tránh những động thái làm cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước cảm nhận rằng đang bị gây khó khăn một cách chủ ý, thậm chí là bị “đánh” như đang xảy ra ở Trung Quốc. Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp trong nước có vai trò quyết định đối với sự lớn mạnh của các quốc gia.

Tóm lại, tình hình kinh tế đang rất khó. Do vậy, các chính sách và nỗ lực cần phải hợp lý và nhạy bén thì mới có thể vượt qua khó khăn trước mắt và tạo lợi thế chiến lược dài hạn trong kỷ nguyên của decoupling và de-risk.