Những kỳ vọng về vai trò của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia

(KTSG) – Theo Nghị định 96/2022/NĐ-CP ban hành ngày 29-11-2022, trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương đã ghi nhận Ủy ban Cạnh tranh quốc gia…

Đây là một thông tin thú vị. Tôi tin, cơ quan này sẽ có nhiều việc phải làm trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Khi nguồn lực kinh tế của xã hội được sắp xếp và phân bổ lại thông qua các giao dịch M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp), thì đó cũng là lúc cần phải có người coi ngó, đánh giá liệu quá trình dịch chuyển sở hữu và/hoặc kiểm soát các doanh nghiệp ấy có mang lại lợi ích cho thị trường không hay sẽ góp phần tạo ra những con quái vật mang tên… độc quyền.

Sự ra đời muộn màng của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tự thân nó là một chỉ báo thú vị về những tranh cãi liên quan vai trò của Nhà nước và mối tương quan giữa các cơ quan quản lý trong vai trò quản lý nhà nước đối với nền kinh tế Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử, năm 2004, Việt Nam ban hành Luật Cạnh tranh, bên cạnh hàng loạt luật quan trọng khác (cũng được ban hành hoặc sửa đổi) như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phá sản, Bộ luật Dân sự… Nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2004-2005 đang bước những bước đầu tiên tiến vào kỷ nguyên kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nói ngắn gọn, Việt Nam thời kỳ ấy chưa có nhiều trải nghiệm về kinh tế thị trường, nhưng vẫn phải ban hành Luật Cạnh tranh và các luật lệ thị trường khác để nhằm đáp ứng cho một nhiệm vụ chính trị quan trọng là gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trong vòng một thập kỷ sau đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến nhảy vọt. Những doanh nghiệp đa quốc gia đến Việt Nam nhiều hơn, những tranh giành trên thị trường giữa các doanh nghiệp dẫn đầu và các doanh nghiệp nhỏ, nhu cầu tập trung sức mạnh, tạo lập những cú đấm thép để cạnh tranh trong thế trận toàn cầu… phát sinh. Luật Cạnh tranh năm 2004 đã không còn phù hợp với những nhu cầu về cạnh tranh trong bối cảnh mới này.

Sự ra đời muộn màng của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tự thân nó là một chỉ báo thú vị về những tranh cãi về vai trò của Nhà nước và mối tương quan giữa các cơ quan quản lý trong vai trò quản lý nhà nước đối với nền kinh tế Việt Nam.

Luật Cạnh tranh năm 2018 ra đời nhằm đáp ứng cho những kỳ vọng lớn lao ấy. Có quá nhiều câu hỏi cần được giải đáp. Nổi lên trong đó là cơ quan nào sẽ thực thi Luật Cạnh tranh và địa vị pháp lý của cơ quan này được xác định như thế nào?

Nếu theo dõi quá trình lập pháp, ta thấy một điểm rất thú vị. Trong dự thảo lần thứ nhất của Luật Cạnh tranh (2018) thì Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là cơ quan được giao vai trò quản lý nhà nước về cạnh tranh, bao gồm chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh, kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, chống độc quyền và kiểm soát tập trung kinh tế và nó là một cơ quan thuộc Chính phủ.

Nhưng đến dự thảo thứ hai trở đi, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia được xác định là trực thuộc Bộ Công Thương.

Cần phải nói thêm rằng, mô hình Ủy ban Cạnh tranh quốc gia được ghi nhận trong dự thảo lần thứ nhất là một mô hình, trong đó thẩm quyền của cơ quan này là cực lớn. Nó là một cơ quan xếp ngang hàng với các bộ quản lý khác và đồng thời có quyền kiểm soát hoạt động cạnh tranh của tất cả các doanh nghiệp ở Việt Nam (kiểm soát theo chiều ngang), điều mà không có bất kỳ một bộ chủ quản nào có thể làm được (vốn chỉ kiểm soát các doanh nghiệp theo chiều dọc, tức là chỉ trong lĩnh vực mà bộ ấy quản lý).

Có hai điều để lý giải cho “sự thay đổi” giữa hai lần dự thảo này:

Một là, về mặt kỹ thuật, nếu Ủy ban Cạnh tranh quốc gia được xác định là cơ quan thuộc Chính phủ thì có nghĩa phải sửa Luật Tổ chức Chính phủ để ghi nhận Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Về mặt trình tự thời gian, việc sửa đổi này phải được tiến hành trước việc sửa đổi Luật Cạnh tranh.

Hai là, đã có những cân nhắc về việc quản lý nền kinh tế Việt Nam, về vai trò của các cơ quan chủ quản với các doanh nghiệp nhà nước, vốn chiếm vai trò quan trọng và chi phối trong các ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước đó hiện hữu và mối quan hệ hỗ tương giữa các cơ quan này với Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ như thế nào.

Kết quả là Luật Cạnh tranh năm 2018 được ban hành, trong đó ghi nhận toàn bộ thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, nhưng địa vị pháp lý của nó chỉ là một cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương. Còn quá sớm để đánh giá việc xác định Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thực thi thẩm quyền quản lý nhà nước về cạnh tranh, nhưng như các trao đổi trong giai đoạn soạn thảo Luật Cạnh tranh năm 2018 thì đó là: một thanh gươm sắc bén nhưng được trao cho một đứa bé với cánh tay yếu ớt.

Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng những giằng xé như trên là một tín hiệu tốt. Rõ ràng, không gian lập pháp cùng với ý thức về quản lý nhà nước, cách thức quản lý và mục tiêu quản lý khác nhau với những va chạm về mặt ý chí và quan điểm luôn làm cho ta khôn ra. Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh không chỉ gay gắt mà quan trọng hơn, quá trình toàn cầu hóa làm cho cạnh tranh không còn trong phạm vi các doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam mà trong nhiều trường hợp, nó đã thành cạnh tranh giữa các ngành sản xuất của Việt Nam với các ngành sản xuất của các quốc gia khác.

Tuy vậy, tôi cho rằng quá trình cân nhắc và lựa chọn trong giai đoạn vừa rồi là quá chậm. Bởi Luật Cạnh tranh năm 2018 ra đời ngày 12-6-2018, có hiệu lực ngày 1-7-2019. Đã hơn ba năm, nhưng Ủy ban Cạnh tranh quốc gia vẫn chưa được thành lập. Một đạo luật với những chế tài (có vẻ) cực kỳ nghiêm khắc, nhưng người thực thi đạo luật ấy thì chưa tồn tại. Một khoảng trống mà tôi cho là rất khó lý giải, nếu nhìn từ góc độ logic.

Sau Nghị định 96/2022/NĐ-CP, có lẽ đâu đó cũng cần ít nhất nửa năm để Chính phủ có thể ban hành nghị định thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Dầu muộn màng, tôi vẫn mong cơ quan này sẽ thực hiện tốt vai trò của mình trong việc điều tiết các nguồn lực kinh tế Việt Nam vốn dĩ đang ở trong giai đoạn phức tạp hơn bao giờ hết.

(*) Giám đốc Học viện Pháp luật Thực hành