Những lá thư tay – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

(KTSG) – Có những lá thư đơn giản, chân thật nhưng đã tạo ra những thay đổi và bước ngoặt trong cuộc sống của nhiều người. Không phải bởi quyền lực to lớn của người viết, lời lẽ hoa mỹ mà là sự chân thành, công tâm và không hề can thiệp vào quyền quyết định của người nhận thư.

1. Lần đầu tiên, tôi viết thư tay là viết giúp sếp tổng của mình. Vợ của sếp là một bác sĩ nha khoa của một bệnh viện lớn ở thành phố, chị có phòng nha riêng và được một hội nghị nha khoa bên Mỹ mời. Chồng chị là tổng biên tập một tờ báo tên tuổi ở TPHCM. Lẽ ra xin visa rất thuận lợi. Thế mà, không biết vì lý do, tổng lãnh sự quán người ta lại từ chối cấp.

Những lá thư bị lèo lái cuối cùng lại tiếp tục sản sinh một thế hệ không xem trọng sự chân thành, không muốn đi đường thẳng, luôn muốn tác động mọi sự theo ý mình.

Hôm đó, sếp gọi vào, đưa cho tôi lá thư tay, người Việt thường gọi đơn mà phương Tây gọi là cover letter. Lá đơn ngắn, đề nghị cứu xét lại quá trình xét duyệt visa. Cuối đơn là cam kết: “Tôi xin bảo đảm vợ tôi sẽ trở về đúng hạn. Nếu không, tôi sẽ chịu trách nhiệm”.

Tôi trả lời là sẽ viết lại và rồi gọi điện thoại hỏi ý kiến người bạn bên ngành ngoại giao.

Thư tôi viết theo tư vấn thì đúng format (thể thức) của ngành ngoại giao. Đầu tiên là “gửi lời chào trân trọng nhất”, rồi đến “trình bày sự việc sau”. Nhưng sau đó, thư “bẻ lái” sang những chi tiết rất là riêng tư, nhưng lại là những cam đoan rất chắc. “Tôi và các con rất yêu thương cô ấy và luôn ủng hộ con đường sự nghiệp của cô ấy. Mong rằng tổng lãnh sự quán hỗ trợ quá trình xin visa của vợ tôi”. Cụm cuối này tôi sử dụng từ rất trung dung “to facilitate her visa procedure”.

Thật ra, người bạn làm ngành ngoại giao giải thích, cái tư duy của người Tây khác người mình. Với người ta, lời bảo lãnh chịu trách nhiệm kia không có trọng lượng hay giá trị xác tín. Bởi việc chị vợ ở lại sẽ hoàn toàn là quyền quyết định của chị ấy, và khi chị ở lại, tổng lãnh sự quán không có quyền hạn và không biết sẽ làm như thế nào để buộc anh có trách nhiệm. Họ tin rằng, những mối ràng buộc gia đình, con cái và sự nghiệp ở Việt Nam vẫn mạnh hơn bất cứ cam đoan nào. Chắc chắn chị vợ sẽ quay trở về.

Lá thư của sếp tổng không đóng dấu đỏ của cơ quan và gửi hỏa tốc bằng bưu điện. Ngày hôm sau, sếp báo “họ đã cấp visa cho chị”.

Lần thứ hai, tôi phải đi xin thư tay. Lần này, tôi nhờ ông thầy người Anh viết thư giới thiệu – reference letter – để xin học bổng đại học nước ngoài. Thầy là nhà báo và biên tập viên kỳ cựu ở Financial Times tại London, dạy tôi hai khóa dành mà mỗi khóa chỉ hai ba tuần.

Thầy đồng ý viết. Sau này tôi có dịp đọc được lá thư đó, rất ngắn gọn, chưa đầy nửa trang giấy. Lời rất thật, đại loại: “Tôi dạy anh ấy không nhiều, nhưng nhận ra tư chất của anh ấy…”. Rồi thầy nói về tính cách và kết bằng câu: “Money spent on him is wise” – đầu tư tiền bạc cho anh ấy thì không phí. Lúc đọc, tôi đã hơi đỏ mặt.

Thời gian sau đó là những ngày niềm vui đầy ắp. Thư từ các trường đại học ở Anh và Úc gửi về. Tôi đậu học bổng.

2. Không nói ra, nhưng tôi luôn hàm ơn những người thầy, những người quen đã viết reference letter hay làm reference cho mình. Cái ơn ấy tôi ít có dịp gặp lại để chào hỏi hay hay mời một chầu cà phê, một bữa ăn để cám ơn. Tôi trả cái ơn lớn đó bằng những cover letter hay reference letter viết cho đồng nghiệp, cùng làm việc với mình ở nước ngoài hay trong nước.

Có thư cover letter tôi viết giúp đã giúp đồng nghiệp gia hạn visa cho mẹ vợ của anh thêm sáu tháng để giúp con gái và con rể chăm đứa cháu mới sinh. Trước đó, hãng luật đã nói là khó và phải trở về Việt Nam rồi mới xin visa tiếp tục. Lá thư viết thay gửi Sở Di trú cũng ngắn gọn, nói lên tình yêu vô bờ của bà ngoại, cảm giác lo lắng và bất an của bà ngoại khi cháu còn đỏ hỏn. Đồng nghiệp không tốn một đồng nào cho luật sư.

Có những lá thư tôi viết với tư cách là người quản lý trực tiếp – manager hay supervisor. Đồng nghiệp có cơ hội xin được visa thường trú, việc làm mới có lương cao hơn, học bổng… Lần duy nhất, tôi nhận được cuộc gọi kiểm tra sau khi viết thư tay cho đồng nghiệp là từ một hãng cho thuê bất động sản. Đồng nghiệp đi thuê nhà, thế là bên môi giới địa ốc gọi lại hỏi về nơi làm việc, mức lương và “anh ấy có đáng tin cậy hay không?”. Với người môi giới, họ chỉ cần xác tín về thu nhập và chữ tín – liệu anh đồng nghiệp có thể trả đúng hạn tiền thuê hay không.

3. Trọng lượng của những lá thư tay ở Việt Nam như thế nào? Và người Việt mình xử sự như thế nào với những lá thư có thể quyết định tương lai hay sự nghiệp của người được đề cập?

Kiểu nhờ vả, quen biết thì ta thấy quá nhiều, và “thư” ngày càng đơn giản hơn bằng những tin nhắn hay cú điện thoại. Thư giới thiệu giờ không còn là giới thiệu nữa, có khi trở thành những công văn mang tính áp đặt và quyền uy trấn áp từ các cơ quan cấp cao hơn.

Ngay cả trong giới học thuật ở các trường đại học, thư giới thiệu không còn ý nghĩa như trước. Một vị trưởng khoa của một trường đại học lớn chỉ nói đơn giản: “Thầy quá bận. Các em cần thì tự viết, đưa thầy ký thôi”.

Sự công tâm và chân thành không còn nữa, ngay cả khi ông thầy có “biên tập” lại thư do học trò viết. Người viết không bảo mật nội dung thư, bỏ vào phong thư niêm kín theo nguyên tắc của một reference letter ở môi trường học thuật. Ông thầy đã bị học trò “lèo lái”.

Những lá thư bị lèo lái như thế cuối cùng lại tiếp tục sản sinh một thế hệ không xem trọng sự chân thành, không muốn đi đường thẳng, luôn muốn tác động mọi sự theo ý mình.