(KTSG) – Tháng 12, thảng hoặc, TPHCM vẫn có những cơn mưa bất ngờ vào buổi chiều hoặc tối. Tôi bất chợt lo ngại như người nông dân thu hoạch vụ mùa đem lúa ra phơi phóng, sợ lúa bị ướt sẽ nảy mầm. Đó là một tâm trạng rất khác vào thời khắc mà các em họa sĩ của lớp Âm thanh hội họa (dành cho người câm điếc, thuộc Câu lạc bộ Mekong Art) đang triển lãm hơn 100 bức tranh ở ngoài trời, giữa không gian văn hóa của Đường sách TPHCM. Tôi lo sợ tranh sẽ bị ướt khi không kịp chuyển vào bên trong.
Đó là những nét cọ miệt mài suốt cả một năm trời trên những bức toan của các em ở một phòng tranh trong con hẻm trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), là cảm xúc hồn nhiên mang đậm tấm chân tình nhân ái: triển lãm tranh để bán và chia sớt số tiền ấy cho các cháu mồ côi do đại dịch Covid-19.
Vì vậy, nhìn giọt mưa nặng hạt, tôi nói với cô Thúy Vân – quản lý lớp vẽ này, rằng “cuối năm rồi mà trời còn… dở chứng”! Tôi chỉ mong cho mưa mau tạnh và trời kéo nắng lên vai áo các em.
Khi ngày đã muộn, đôi khi tôi ghé qua nơi triển lãm để động viên các em và để nhìn thấy nụ cười hoặc ánh mắt ngời nét vui tươi khi các họa sĩ bán được dăm ba bức tranh. Có một anh chàng quốc tịch Singapore tên Karthik, khi dạo ngang nơi ấy, ngắm tranh của các em đã trầm trồ thán phục nỗ lực sáng tạo nghệ thuật của thầy trò họa sĩ Văn Y (Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Mekong Art thuộc Hội Mỹ thuật TPHCM).
Đó là một người thầy tận tâm, đã ươm mầm cho hơn 20 họa sĩ khuyết tật từ những nét cọ đầu tiên và trong suốt hơn 5 năm qua. Karthik đã mua tranh trong gấp gáp để kịp giờ ra sân bay trở về quê nhà. Tôi nhìn đồng hồ, lúc ấy đã hơn bốn giờ rưỡi chiều mà chuyến bay của Karthik thì sẽ cất cánh lúc bảy giờ tối. Tôi thấy gương mặt anh hơi lo lắng lúc các em loay hoay tháo khung, cho tranh vào hộp, thầm hy vọng anh vẫn kịp giờ.
Trải qua hơn một tuần, có khi là vài cô thí sinh của một cuộc thi hoa hậu dạo qua mua tranh ủng hộ, có lúc là một hai doanh nhân ghé đến chọn tranh đem về bài trí cho phòng làm việc của mình, hoặc dăm ba vị khách vãng lai tình cờ “mục sở thị” và hiểu ý nghĩa nhân văn của cuộc triển lãm tranh nên mua vài bức lưu dấu kỷ niệm… Dù là ai ghé qua, mỗi khi bán được một bức, tôi như nghe thấy một giai điệu hân hoan các em hát lên tự đáy lòng, dù rằng các em không hề nói được!
Vài ngày trước, tôi nhận được cuộc điện thoại của một người quen, đó là anh Nguyễn Đức Duy, vốn là lính chiến trường K năm nào. “Bảy mặt nạ” (gọi theo thứ trong gia đình) là biệt danh tôi đặt cho anh từ ngày đầu mới gặp hồi năm 2014.
Rời quân ngũ, anh về quê nhà ở huyện Hoài Nhơn – Bình Định, lăn lộn với đủ thứ nghề, rồi anh bôn ba vô Sài Gòn vẽ mặt nạ tuồng cổ, đạp xe bán khắp các ngả đường suốt hơn 20 năm qua.
Những nét cọ vẽ mặt nạ vương, hậu, tướng, lính của anh “ra lò” theo sự hình dung thuở thơ ấu anh thường chạy theo cha đi xem tuồng. Giờ anh vẽ bày biện ra nơi phồn hoa đô hội.
Bảy mặt nạ gọi tôi, nhờ tư vấn vài điều về một tiết giảng vẽ mặt nạ cho các em học sinh tiểu học của một trường quốc tế trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Tôi thấy những nét cọ đầy sáng tạo trên nền thạch cao trộn polymer tổng hợp của anh ung dung, bay bướm qua bức ảnh anh gửi cho tôi sau khi hoàn thành tiết dạy. Và với số tiền bán được vài cái mặt nạ cho các thầy cô giáo hôm ấy cùng khoản thù lao giờ giảng, anh khoe như reo trong điện thoại.
Tôi biết anh mừng không chỉ vì có thêm chút tiền vượt qua sự gieo neo, mà ẩn sâu trong tâm thức anh là một niềm vui lần đầu tiên bước lên bục giảng sau những năm tháng phong sương, là khi anh truyền được cảm hứng cho các em học sinh hiểu thêm một chút nghệ thuật tuồng Việt.
Cứ như thế, những mẩu chuyện ấy với tôi như điều ân sủng giữa đời, khi nghĩ về lòng nhân ái tuyệt vời vẫn diễn ra và đang diễn ra trong mùa Giáng sinh này!