‘No waste to go’ và niềm mong ước giản đơn

(KTSG Online) – Chuyện về cô chủ trẻ ở Đà Nẵng dấn thân thực hiện mô hình kinh doanh mà theo nhiều người khá khó khăn trong việc tạo ra sự tác động xã hội. Nhà khởi nghiệp này kinh doanh cửa hàng tạp hóa với điểm đặc biệt là “nói không với túi nilon”, ủng hộ tiêu dùng vừa đủ.

Tiệm No waste to go tại Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: Cáp Kim

Hơn một năm trước, chị Hồ Hoành Oanh, 37 tuổi, cùng với dự án kinh doanh tiệm tạp hóa của mình manh tên “No waste to go” được chọn tham gia chương trình IMPACT AIM The Hidden Hero của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng về doanh nghiệp khởi nghiệp và tạo tác động xã hội. Tiệm tạp hóa No waste to go khá đặc biệt khi khách đến có thể chọn mua vừa đủ cho một lần sử dụng. Ở đây lọ thủy tinh có thể được cho đi miễn phí, nhưng túi nilon sẽ bị tính tiền; một chai nước ép giá 30.000 đồng nhưng khi mang chai lọ gửi lại tiệm thì sẽ được giảm còn 25.000 đồng.

Không muốn là “mô hình đặc biệt”

Với phương châm sống xanh, bảo vệ môi trường, No waste to go ra đời nhằm “nhắc nhẹ” mọi người cần ý thức đến việc mua sắm có trách nhiệm – chỉ mua cái gì mình thực sự cần. Đây là tiệm tạp hóa đầu tiên nói không với túi nilon, rác thải nhựa, bao bì dùng một lần ở TP. Đà Nẵng.

Đúng như cái tên của tiệm, No waste to go nghĩa là “Không còn đường đi cho rác thải”, tiệm khá sạch sẽ và không gian được chăm chút phủ xanh, men theo lối nhỏ đi vào cổng chính. Tiệm tạp hóa nằm lặng lẽ tại số 88 đường Bà Huyện Thanh Quan, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

Là người tích cực và đau đáu với các hoạt động về môi trường, tháng 10-2019 chị Oanh quyết định mở No waste to go tại Đà Nẵng. Tiệm ra đời đúng vào thời điểm bắt đầu của dịch Covid-19 cộng với nhiều khó khăn khác, tuy nhiên không đầu hàng hoàn cảnh, chị tích cực tham gia các hội chợ cộng đồng như: Cộng đồng tiêu dùng xanh toàn quốc, Cộng đồng người nước ngoài ở Đà Nẵng, Hội chợ nông nghiệp, Hội chợ nông sản sạch Farmers Market tổ chức hàng tháng ở Đà Nẵng trước đây… nhằm tìm kiếm khách hàng và đầu ra cho sản phẩm.

Tiệm dần trở thành điểm đến quen thuộc của những người yêu môi trường, trong đó có nhiều khách quen là người nước ngoài sinh sống tại Đà Nẵng. Ảnh: Cáp Kim

Ít ai biết chị Oanh gốc gác tại TPHCM, sau thời gian sang Singapore du học ngành Công nghệ thực phẩm, chị về Đà Nẵng an cư và khởi nghiệp. Đà Nẵng như là quê hương thứ hai của chị vậy.

Chị kể: “Hồi những năm trung học phổ thông mình đã từ chối đi xe máy, dù đi học xa nhà hơn chục km nhưng mình toàn đi xe đạp hoặc bắt xe buýt. Ý thức về vấn đề bảo vệ môi trường của thế hệ hồi đó còn ít, nên nhiều lúc mình lẻ loi và bị coi như cá biệt… Tuy nhiên mình vẫn kiên định theo đuổi và quyết tâm sau này phải góp được chút công sức nhỏ cho việc giữ gìn và bảo vệ môi trường”.

Chị Oanh chia sẻ thêm No waste to go là một doanh nghiệp, một cửa hàng được thành lập với mục đích là giảm rác thải nhựa. Đây là một cửa hàng dạng như cửa hàng tạp hóa, nhưng mà nó khác với các cửa hàng tạp hóa dạng truyền thống là không có bao bì – mục đích lớn nhất của No waste to go đó là giảm rác thải nhựa và mục đích kèm theo đó là giảm chủ nghĩa tiêu dùng thái quá.

Hiện tai, tiệm bán gần 400 mặt hàng là các sản phẩm sạch, có nguồn gốc từ tự nhiên, từ thực phẩm khô, gia vị, nước rửa chén, nước lau sàn, nước giặt, dầu gội đầu, kem đánh răng… đến các loại tinh dầu, nến thắp hoàn toàn là sản phẩm sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường. Lúc nhập hàng về, chị cũng yêu cầu các đơn vị phân phối hạn chế tối đa bao bì đi kèm. Khi đến mua hàng, người mua tự mang theo đồ để chứa. Nếu chưa quen, hoặc quên không mang thì của hàng sử dụng giấy gói hoặc cho khách mượn đồ đựng.

Các sản phẩm bày bán đều có mức giá bình dân, chất lượng tốt và có nguồn gốc rõ ràng. Theo thời gian, mọi người biết đến cửa hàng và trở thành khách quen. Ngoài gian hàng tạp hóa, tại No waste to go còn có góc tái chế, nơi mọi người mang những đồ không dùng nữa để người có nhu cầu đến lấy miễn phí. Tiệm cũng thu gom các loại rác thải tái chế, kết hợp với nhà máy ở Hội An để ép thành ván, dùng làm bàn ghế, nội thất tận dụng.

Một trong những dược mỹ phẩm nổi bật tự sản xuất của No waste to go là các bánh dầu gội, trông giống như một bánh xà phòng tắm, không cần đựng trong bất kì loại chai lọ nào, rất tiện khi mang đi du lịch. Còn các loại kem dưỡng ẩm, lăn khử mùi, dầu dưỡng da… Tiệm lựa chọn nguyên liệu với tiêu chí không độc hại với con người, độ phân hủy sinh học cao, không gây hại cho sinh vật dưới nước.

Giờ đây, chị Oanh chỉ mong muốn No waste to go trở thành một điều bình thường, hiển nhiên, và ngày càng có thêm nhiều tiệm tạp hóa xanh trên địa bàn. “Mình không muốn mô hình này là một mô hình đặc biệt bởi vì có định kiến sẵn trong xã hội đó là chỉ có những người có thu nhập trung bình cao mới có thể chi trả được cho các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường và điều đó thực ra được chứng minh là không đúng”, chị cho hay.

Mong hình thành thói quen tiêu dùng mới

Hiện nay, các hệ thống mua sắm hiện đại thường khuyến khích mọi người mua sắm nhiều hơn so với nhu cầu của họ, từ quần áo đến hoá mỹ phẩm. Đây là những tác nhân khiến thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề như: rác thải đại dương, rác thải nhựa, mất cân bằng sinh thái. No waste to go đưa ra giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa nhưng đồng thời cũng khuyến khích mọi người tiêu dùng vừa phải và đúng mục đích, tức là giảm mức tiêu dùng thái quá.

Chị Rulnaz (người Nga) mang đồ đến tiệm để bổ sung vào “Góc tái chế” của tiệm. Ảnh: Cáp Kim

Với mong muốn khuyến khích mọi người có thói quen mua vừa đủ dùng, cửa hàng thậm chí bán lẻ từng gram bột nghệ, tiêu, ớt và từng thìa cà ri… Theo chị Oanh, nếu người tiêu dùng mua cả gói, nhưng lại không dùng hết, phần thừa còn lại sau khi hết hạn phải đem vứt rất lãng phí, tạo thêm gánh nặng cho môi trường. “Người ta làm những việc lớn lao, còn với sức bé nhỏ của mình, mình cũng muốn đóng góp những giải pháp nhỏ để giảm sức ép lên môi trường của Trái đất”, chị Oanh chia sẻ.

Về bài toán kinh tế, làm sao để trụ được và mở rộng, chị cho biết vấn đề giá cả và ý thức sống xanh là tiên quyết. Giá cao khó bán, không nên ham lời mà định giá cao. Với chủ quán, lợi nhuận của cửa hàng được tính bằng từng chiếc túi nilon giảm thiểu được.

Trải qua hơn 3 năm hoạt động, năm đầu tiên tiệm cắt giảm được 4322 các loại bao bì nhựa và túi nilon, đến năm thứ 2 thì cắt giảm được 10.800 các loại bao bì này, năm thứ 3 tính tới tháng 10-2022 thì cắt giảm được 32.000 túi.

Là khách hàng quen thuộc của tiêm, chị Rulnaz (người Nga) chia sẻ: “Tôi thấy trách nhiệm bảo vệ môi trường là của tất cả mọi người chứ không chỉ riêng ai. Và tôi rất vui mừng khi tại Đà Nẵng đã có một nơi để tái chế và xử lý rác thải giùm… Vì một số nước trên thế giới như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không có các mô hình như thế này. Tôi sẽ giới thiệu tiệm thêm cho các bạn bè, khách hàng”.

Đang là sinh viên năm 2 Đại học FPT, Đà Nẵng, lại là người quan tâm đến sức khỏe, muốn ăn uống sạch, xanh, anh Nguyễn Trần Minh Đạt cho hay từ năm lớp 11 đã tới mua hàng ở tiệm chị Oanh. “Hồi đó tìm mua tinh dầu, xong vô tình thấy cửa hàng không dùng bao nilon, có ý thức bảo vệ môi trường nên tôi ủng hộ thường xuyên”, Đạt cho hay. “Có thể nói tôi là khách hàng trung thành của No waste to go”.

Suốt thời gian hoạt động, những rác thải nhựa được mang tới phân loại, chị Oanh cho không các bà các chị thu gom ve chai với yêu cầu họ cam kết mang đi tái chế đúng nơi, đúng chỗ. Qua đó, No waste to go cũng đóng góp một phần tài chính nho nhỏ cho các cô các chị như là nguồn lao động không chính thức của vòng tái chế. Mong là con số này còn tăng nữa và “nói không với nilon” sẽ trở thành thói quen tiêu dùng mới của mọi người.

Các mặt hàng tiêu dùng đều được đựng trong những lọ thủy tinh, không sử dụng bao bì nhựa, túi nilon. Ảnh: Cáp Kim

Tại No waste to go, có thể thấy rằng người mua hàng không cần phải có thu nhập cao để có thể sống một cách bền vững. Điều đó dẫn tới là kế hoạch 5 năm của chị Oanh, chính là phổ biến hình thức này càng sâu rộng cho cộng đồng càng tốt.

“Như một ai đó đã nói, khi bạn thực hiện hành vi mua sắm nào tức là bạn đang bỏ một lá phiếu quyết định về tương lai của thế giới và mình nghĩ rằng không một ai có thể tự làm được việc này, mà chúng ta cần sự tập hợp sức mạnh của rất nhiều cá nhân, dẫn đến sự thay đổi lớn lao hơn… Và chúng ta sẽ có một thế giới No waste to go”, chị Oanh chia sẻ và tin tưởng ước muốn sẽ thành sự thật.