(KTSG) – Với diễn biến đô la Mỹ trên thị trường quốc tế ổn định trở lại khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức làm chậm lại quá trình thắt chặt tiền tệ, cộng thêm tỷ giá trong nước đã hạ nhiệt gần đây, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết trở lại giá mua ngoại tệ là điều dễ hiểu, đồng thời động thái này có lẽ đang phát tín hiệu cơ quan này có thể sắp nối lại kênh mua ngoại tệ trong thời gian tới.
Tín hiệu gì đang được phát?
Hôm 15-12, NHNN bất ngờ niêm yết trở lại giá mua đô la Mỹ, với tỷ giá tham khảo 23.450 đồng/đô la, sau hơn ba tháng để trống. Trước đó vào ngày 7-9-2022, trong khi tăng mạnh giá bán ra đô la Mỹ từ 23.400 đồng lên 23.700 đồng, cơ quan này đồng thời đã ngưng niêm yết giá mua vào kể từ đó đến trước ngày 15-12 vừa qua.
Nếu so với mức 22.550 đồng của ngày 6-9-2022, mức giá mua vào đô la Mỹ trong lần niêm yết trở lại này của nhà điều hành đã tăng mạnh đến 900 đồng. Điều này là tất yếu khi giá bán ra đô la Mỹ của cơ quan này cũng đã tăng khá mạnh trong tháng 9 và tháng 10, với tổng mức tăng lên đến 1.470 đồng. So với thời điểm đầu năm nay, giá mua vào đô la Mỹ đang ghi nhận mức tăng 800 đồng, tương đương tăng 3,53%, trong khi giá bán ra tăng 1.630 đồng, tương đương tăng 7,04%.
Đáng lưu ý động thái của nhà điều hành diễn ra ngay sau khi Fed tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 12, lên 4,25-4,5%/năm, đây là mức cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Tuy nhiên lần này mức tăng thêm chỉ là 0,5 điểm phần trăm đúng như dự báo của giới phân tích, sau bốn lần liên tiếp tăng thêm 0,75 điểm phần trăm trước đó, chính thức xác nhận cam kết làm chậm lại quá trình tăng lãi suất của cơ quan tiền tệ quyền lực nhất thế giới này.
Nguồn ngoại tệ trong thời điểm cuối năm nay cũng như giai đoạn đầu năm tới có thể tiếp tục dồi dào hơn, càng tạo điều kiện cho nhà điều hành nối lại kênh mua ngoại tệ để gia tăng kho dự trữ ngoại hối trở lại.
Ngoài ra, diễn biến thị trường ngoại hối trong nước thời gian qua cũng có dấu hiệu đã hạ nhiệt và ổn định trở lại từ đầu tháng 11 đến nay. Cụ thể, tính đến ngày 19-12, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng tiếp tục giảm còn 23.645 đồng, giảm 20 đồng so với đầu tháng, nối tiếp mức giảm 30 đồng của tháng 11.
Giá bán ra đô la Mỹ tại Sở Giao dịch NHNN sau khi tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 10 cũng đã bắt đầu giảm nhẹ trong hơn một tháng rưỡi, với năm lần giảm vào các ngày 11-11, 18-11, 25-11, 9-12 và 16-12. Đặc biệt, bốn lần trước đó chỉ giảm vỏn vẹn 10 đồng ở mỗi lần, ngày 16-12, tức chỉ sau một ngày NHNN niêm yết giá mua đô la Mỹ trở lại, cơ quan này cũng đã giảm giá bán ra đến 50 đồng, nâng tổng mức giảm sau năm lần lên 90 đồng.
Giá giao dịch tại các ngân hàng cũng liên tục giảm mạnh kể từ đầu tháng 12 đến nay, với tổng mức giảm trong tuần trước so với đầu tháng có thời điểm ghi nhận lên tới gần 1.200 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra. Tương tự, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do cuối tuần qua thậm chí đã mất mốc 24.000 đồng ở chiều mua vào, khi chỉ còn 23.975, giảm 1.375 đồng so với đỉnh cao 25.350 đồng. Giá bán ra còn 24.035, giảm đến 1.415 đồng so với đỉnh 25.450 vào thời điểm đầu tháng 11.
Việc nhà điều hành ngừng niêm yết tỷ giá mua can thiệp trong hơn ba tháng qua là do thanh khoản thị trường ngoại tệ căng thẳng, cơ quan này chẳng những không thể mua vào (nên không cần phải niêm yết giá), mà còn phải liên tục phải bán đô la Mỹ ra để đáp ứng nhu cầu từ thị trường.
Vì vậy, với diễn biến đô la Mỹ trên thị trường quốc tế ổn định trở lại khi Fed đã chính thức làm chậm lại quá trình thắt chặt tiền tệ, cộng thêm tỷ giá trong nước đã hạ nhiệt gần đây, việc NHNN niêm yết trở lại giá mua ngoại tệ là điều dễ hiểu, đồng thời động thái này có lẽ đang phát tín hiệu cơ quan này có thể sắp nối lại kênh mua ngoại tệ trong thời gian tới.
Cung ngoại tệ cuối năm dồi dào
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 ước tính tiếp tục xuất siêu 0,78 tỉ đô la Mỹ, nâng xuất siêu lũy kế 11 tháng năm 2022 lên con số 10,6 tỉ đô la, cao hơn rất nhiều mức xuất siêu chỉ 0,6 tỉ đô la của cùng kỳ năm trước. Với hoạt động thương mại thường đẩy mạnh vào cuối năm, một số dự báo cho thấy xuất siêu năm nay có thể đạt hơn 11-12 tỉ đô la Mỹ.
Ở hoạt động đầu tư nước ngoài, theo số liệu của GSO, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng ước đạt 19,68 tỉ đô la, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong năm năm qua. Cùng với lượng kiều hối cao điểm đổ về tháng cuối năm nay, nhất là khi Tết năm nay đến sớm, đây sẽ là những nguồn đóng góp đáng kể vào cung ngoại tệ của nền kinh tế.
Ngoài ra, dù Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm tổng cộng ít nhất 0,75 điểm phần trăm nữa trong năm 2023; đồng thời dự báo lãi suất cực đại của chu kỳ thắt chặt này là 5,1% thiết lập trong năm 2023, nhưng cũng không loại trừ khả năng ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này có thể bất ngờ sớm “quay xe” trong năm sau trước những rủi ro suy thoái, nhất là khi cơ quan này đã chính thức làm chậm lại lộ trình tăng lãi suất thể hiện trong cuộc họp vừa qua.
Vì vậy, có thể thấy triển vọng tăng giá của đô la Mỹ trong thời gian tới không còn quá hấp dẫn. Thực tế chỉ số USD Index thời điểm đầu tuần này chỉ còn xoay quanh mốc 104 điểm, giảm hơn 9,4% so với đỉnh cao 114,8 điểm đạt được vào cuối tháng 9.
Trong khi đó, như nhiều phân tích đã chỉ ra, lãi suất tiền đồng thời gian qua liên tục tăng cao, vì vậy dù tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong nước có thể đi lên trở lại trong thời gian tới nhưng rõ ràng mức biến động sẽ không thể nào theo kịp mức chênh lệch lãi suất tiền gửi tiền đồng – đô la Mỹ hiện nay. Do đó, một sự chuyển dịch ngược lại từ nắm giữ ngoại tệ để kỳ vọng ăn chênh lệch khi tỷ giá biến động sang tiền đồng để gửi ngân hàng hưởng lãi suất cao có lẽ đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra.
Trước những yếu tố tổng hòa nói trên, rõ ràng nguồn ngoại tệ trong thời điểm cuối năm nay cũng như giai đoạn đầu năm tới có thể tiếp tục dồi dào hơn, càng tạo điều kiện cho nhà điều hành nối lại kênh mua ngoại tệ để gia tăng kho dự trữ ngoại hối trở lại, sau giai đoạn phải liên tục phải bán ra để can thiệp thị trường trong quí 2, quí 3 và nửa đầu quí 4. Theo số liệu được cập nhật gần nhất, dự trữ ngoại hối vào cuối tháng 8 chỉ còn 89 tỉ đô la Mỹ, giảm 21 tỉ đô la Mỹ so với cuối năm 2021.
Thực tế các ngân hàng thương mại cũng cho biết, NHNN đã áp dụng phương án mua ngoại tệ can thiệp từ hôm niêm yết giá mua trở lại, áp dụng với các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ dương và có nhu cầu bán ngoại tệ cho NHNN. Mức ngoại tệ mua tối đa từ mỗi tổ chức tín dụng mỗi lần tương đương mức để đưa trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng đó về mức cân bằng. Hình thức mua can thiệp ngoại tệ là giao ngay.
Như vậy, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ đang dồi dào hơn và có thể vượt trội trở lại so với cầu ngoại tệ, cộng thêm chính sách có thể nối lại mua đô la Mỹ từ hệ thống các ngân hàng, chính sách giảm giá mua đô la Mỹ của NHNN được đánh giá là phù hợp trong tình hình hiện nay cũng như cho giai đoạn tới, giúp nhà điều hành giảm bớt chi phí để khôi phục lại kho dự trữ ngoại hối.
Việc nối lại kênh mua ngoại tệ cũng thể hiện chính sách linh hoạt của NHNN tùy theo điều kiện thị trường tại từng giai đoạn, hạn chế việc can thiệp một chiều trong thời gian dài mà có thể dẫn đến nguy cơ bị cáo buộc thao túng tiền tệ không đáng có từ phía Mỹ.