(KTSG) – Tăng trưởng là cốt lõi của tư duy kinh tế và chính trị chủ đạo. Người ta cho rằng nếu GDP không tăng liên tục sẽ có nguy cơ mất ổn định xã hội, giảm mức sống và bớt đi khá nhiều hy vọng về sự tiến bộ. Nhưng việc theo đuổi tăng trưởng một cách điên cuồng và gây tác hại sinh thái lớn có thể phải trả giá nhiều hơn là lợi ích thu được. Ưu tiên tăng trưởng như vậy rốt cuộc là một trò chơi thua.
Đây là điều nhà kinh tế học Herman Daly đã khám phá trong hơn 50 năm. Ông là Giáo sư danh dự tại trường Chính sách công của Đại học Maryland, từng là nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới.
Giáo sư Herman Daly đã phát triển các lập luận ủng hộ nền kinh tế ở trạng thái ổn định, một nền kinh tế từ bỏ lòng tham vô độ và tàn phá môi trường để tăng trưởng, thừa nhận những hạn chế vật lý của hành tinh chúng ta và thay vào đó tìm kiếm một trạng thái cân bằng bền vững về kinh tế và sinh thái. Trả lời phỏng vấn trên tờ NewYork Times, ông cho rằng “Cần đặt ra câu hỏi cơ bản: Liệu tăng trưởng có khi nào trở nên phi kinh tế không?”.
Ông nói rằng ông không chống lại sự gia tăng của cải, vì giàu hơn vẫn tốt hơn là nghèo hơn. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu sự tăng trưởng, như được thực hiện và đo lường hiện nay, có thực sự gia tăng sự sung túc không? Liệu nó có làm cho chúng ta giàu hơn theo bất kỳ nghĩa tổng hợp nào, hay có thể làm tăng chi phí nhanh hơn lợi ích và làm cho chúng ta nghèo hơn? Các nhà kinh tế chính thống không có bất kỳ câu trả lời nào cho điều đó. Lý do là vì họ không đo lường chi phí. Họ chỉ đo lường lợi ích. Đó chính là GDP.
Trong bài trả lời phỏng vấn này, Giáo sư Herman Daly nhắc đến nhà kinh tế học Kenneth Boulding, ông cho biết có hai loại nguyên tắc xử thế: nguyên tắc anh hùng và nguyên tắc kinh tế.
Nguyên tắc kinh tế nói: có lợi ích và chi phí. Hãy cân cả hai. Hãy nhìn biên lợi nhuận, chúng ta đang trở nên tốt hơn hay tồi tệ hơn? Còn nguyên tắc anh hùng nói: không quan tâm cái giá phải trả! Cứ tiến với tốc độ tối đa! Chết hoặc chiến thắng ngay bây giờ! Tiến lên tăng trưởng!
Trong kinh tế học sinh thái, Giáo sư Herman Daly cho biết, cần phân biệt giữa phát triển và tăng trưởng. Khi một cái gì đó tăng trưởng, nó trở nên lớn hơn về mặt vật chất. Khi một cái gì đó phát triển, nó trở nên tốt hơn theo nghĩa định tính.
Nhưng làm thế nào một quốc gia có thể tiếp tục nâng cao mức sống của mình mà không tăng trưởng GDP? Theo ông, đó là giả định sai lầm khi nói rằng tăng trưởng đang nâng cao mức sống trong thế giới hiện tại vì chúng ta đo lường tăng trưởng là tăng trưởng GDP.
Điều này chỉ đúng khi đã loại bỏ tất cả các chi phí để tăng GDP. Nhưng nếu tính vào số người chết và bị thương do tai nạn ô tô, ô nhiễm hóa chất, cháy rừng và nhiều chi phí khác do tăng trưởng quá mức gây ra, thì mối quan hệ giữa tăng trưởng và nâng cao mức sống hoàn toàn không rõ ràng.
Điều này là đúng nhất đối với các nước giàu. Đương nhiên, đối với một số quốc gia khác đang đấu tranh để tồn tại, bằng mọi cách, thì tăng trưởng GDP làm tăng phúc lợi.
Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Ông đã nói tạo không gian sinh thái, điều này gợi nhớ đến những lập luận mà ông đã đưa ra về cách chúng ta đã chuyển từ một thế giới trống rỗng sang một thế giới đầy đủ. Nhưng làm thế nào để chúng ta biết rằng thế giới của chúng ta đã đầy và chúng ta đang hoạt động gần giới hạn khả năng sinh thái của hành tinh?
Giáo sư Herman Daly nói cái mà ông gọi là thế giới trống rỗng chứa đầy tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác; còn cái ông gọi là thế giới đầy đủ bây giờ đầy những người khai thác những tài nguyên đó, và nó trống rỗng những tài nguyên đã cạn kiệt và những không gian đã bị ô nhiễm.
Vì vậy, đó là một câu hỏi trống không cái gì và đầy cái gì. Nó có trống rỗng lợi ích và đầy đủ chi phí không? Hoặc đầy đủ các lợi ích và không có chi phí? Điều đó có nghĩa là chú ý đến chi phí tăng trưởng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc một nước nhận ra sự cần thiết của cân bằng sinh thái, từ đó đưa ra chính sách để không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá rồi hy vọng hoặc vận động quốc gia khác đều phải đưa ra quyết định tương tự, theo Giáo sư Herman Daly, là chuyện rất khó.
Ông nói rằng, nếu một nước cố gắng ban hành luật để tính chi phí sinh thái cho sản xuất của mình và sau đó khi tham gia vào quan hệ thương mại với một quốc gia khác không tính chi phí, thì những nước đó sẽ có lợi thế cạnh tranh.
Tất nhiên, về lâu dài, những nước này có thể hủy hoại bản thân, nhưng trong ngắn hạn, họ sẽ bán rẻ hơn nên có lợi thế cạnh tranh hơn. Theo ông, câu trả lời cho vấn đề này là phải có một mức thuế quan để bảo vệ ngành công nghiệp ở những nước quyết định lựa chọn phát triển theo hướng cân bằng sinh thái.
Lược dịch từ New York Times