(KTSG Online) – Giá thành sản phẩm cao, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu là một trong những thách thức lớn đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam khi chuyển mình theo xu hướng sản xuất bao bì thân thiện với môi trường. Việc phát triển nguồn nguyên liệu nội địa, từng bước giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài được coi là giải pháp quan trọng nhằm giảm giá thành bao bì xanh, nâng cao khả năng sản xuất đại trà và năng lực cạnh tranh xuất khẩu.
Tiên phong để nắm thế chủ động
Tại Việt Nam, An Phát Holdings (APH) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên bước chân vào thị trường sản xuất bao bì xanh. Với tầm nhìn chiến lược trong sự phát triển của ngành bao bì, An Phát Holdings đã đón đầu xu thế xanh với bao bì sinh học phân hủy AnEco thân thiện với môi trường, tiện lợi nhưng vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Khác với túi nylon khó phân hủy, nguyên liệu chính của túi của AnEco là tinh bột ngô và hạt nhựa sinh học phân hủy – có khả năng phân hủy hoàn toàn thành mùn, nước, CO2 sau 6 tháng đến 1 năm trong trong điều kiện ủ tại nhà hoặc ủ công nghiệp.
Giống như nhiều doanh nghiệp khác, thời gian đầu sản xuất dòng sản phẩm AnEco, An Phát Holdings còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu, dẫn đến chi phí sản xuất lớn, giá thành cao, khó tiếp cận đến đại đa số người tiêu dùng.
Tuy nhiên trong khó khăn, doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội phát triển. Ông Đinh Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc An Phát Holdings chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng, con đường nhanh nhất giúp giảm giá thành sản phẩm, không bị phụ thuộc vào đối tác cung ứng nguyên liệu cũng như các tác động của giá nguyên liệu đầu vào là tự chủ nguồn nguyên liệu xanh.”
Năm 2019, An Phát Holdings đã hợp tác với một đối tác Hàn Quốc – một trong số ít những công ty sở hữu bằng sáng chế về nguyên liệu nhựa sinh học phân hủy trên thế giới – trở thành doanh nghiệp Việt Nam duy nhất nắm giữ sáng chế về nguyên liệu sinh học phân hủy. Song, công ty tại Hàn Quốc mới chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu nguyên liệu tự hủy của An Phát Holdings.
Để giải quyết triệt để bài toán về giá thành và đầu vào nguyên liệu sản xuất bao bì xanh, năm 2022, An Phát Holdings đầu tư 120 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất chất dẻo sinh học phân hủy PBAT, với công suất lên tới 30.000 tấn/năm. Dự kiến khi đi vào hoạt động vào năm 2024, An Phát Holdings sẽ giải quyết được các vấn đề mà nhiều doanh nghiệp trong nước đang loay hoay tìm cách giải quyết như: chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng cao; phụ thuộc đối tác cung ứng; hao tốn thời gian và chi phí vận chuyển. Đặc biệt, việc xây dựng nhà máy PBAT cũng giúp An Phát Holdings hạ giá thành bao bì xanh đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước, An Phát Holdings đặt tham vọng đưa nguyên liệu sinh học phân hủy và bao bì xanh vươn tầm quốc tế. Tập đoàn này cho biết, qua ghi nhận từ thực tế và khảo sát nghiên cứu, nhận thấy châu Mỹ nói chung và Hoa Kỳ nói riêng là thị trường tiềm năng, dễ dàng chuyển đổi sang mô hình sản xuất bao bì xanh, APH đã tập trung xây dựng các mối quan hệ với khách hàng và đối tác tại thị trường này.
Hành trình chinh phục thị trường Hoa Kỳ của An Phát Holdings ghi dấu ấn quan trọng vào tháng 3 năm 2021 khi nhãn hiệu AnEco được đăng ký bảo hộ thành công tại quốc gia này. Đây là bàn đạp cho những dự án lớn của AnEco tại Hoa Kỳ trong tương lai mà khởi đầu chính là Amazon. Doanh số thương hiệu AnEco trên Amazon tăng trưởng vượt bậc, doanh số 7 tháng đầu năm 2022 gấp 5 lần doanh số năm đầu tiên mở bán 2021, dự kiến đến hết 2022 sẽ gấp từ 15-20 lần năm 2021. An Phát Holdings cũng chia sẻ kế hoạch đầy tham vọng về việc đưa doanh nghiệp này trở thành nhà bán túi sinh học phân hủy hàng đầu trên kênh trực tuyến Amazon.com.
Về nguyên liệu, An Phát Holdings đánh dấu bước phát triển quan trọng thông qua dự án hợp tác với Nexeo Plastics – doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong ứng dụng công nghệ mới để sản xuất hạt nhựa – trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên phân phối nguyên liệu sinh học phân hủy “Made in Viet Nam” trên toàn Bắc Mỹ. Tập đoàn An Phát Holdings cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thâm nhập và đầu tư chuyên sâu vào thị trường này, đặc biệt khi nhà máy sản xuất chất dẻo sinh học phân hủy PBAT đi vào hoạt động năm 2024.
Tăng tốc để bắt kịp xu hướng xanh hóa bao bì
Thành công của An Phát Holdings là động lực khuyến khích, thúc đẩy các doanh bắt tay vào nghiên cứu và phát triển nguyên liệu xanh, đảm bảo cung ứng cho ngành sản xuất bao bì. Đây đồng thời là nhiệm vụ tiên quyết của các doanh nghiệp sản xuất bao bì trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới tăng trưởng xanh và hiện thực hóa cam kết tại COP 26 về giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh đó, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, nhiều khả năng Việt Nam sẽ cấm toàn bộ túi nylon từ năm 2030, kể cả các khu chợ dân sinh cũng sẽ không còn túi nylon dùng một lần. Để thay thế túi nylon truyền thống trong tương lai gần, việc nhân rộng mô hình sản xuất nguyên liệu xanh, tăng khả năng sản xuất đại trà của bao bì thân thiện với môi trường được xác định là mục tiêu quan trọng của các doanh nghiệp ngành bao bì trong thời gian tới.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, các xưởng sản xuất bao bì Việt Nam cần áp dụng mô hình sản xuất nguyên liệu xanh trên nền tảng khoa học và công nghệ, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải “tăng tốc” để bắt kịp khoa học kỹ thuật hiện đại, từng bước loại bỏ thiết bị và công nghệ cũ để mở đường cho những đổi mới trong sản xuất.
Tại hội thảo tập huấn “Cải tiến công nghệ, thiết kế bao bì nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp” diễn ra vào tháng 6 vừa qua, bà Agnieszka van Batavi – chuyên gia giải pháp bao bì bền vững của Tập đoàn Constantia Flexibles cho rằng: doanh nghiệp Việt Nam cần làm việc thêm với các viện nghiên cứu, trường đại học có các nghiên cứu về các bao bì để có các cơ sở khoa học, thông tin tốt hơn, phục vụ cho việc lựa chọn nguyên liệu sản xuất bao bì xanh.
Ông Nguyễn Lê Thăng Long, Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường Việt Nam (EPMA) nhận định, lựa chọn nguyên liệu sản xuất bao bì xanh là một chiến lược dài hơi, cần phải có sự đầu tư bài bản, khoa học cả về con người lẫn nguồn tài chính. Mặc dù có thể tốn kém chi phí trong giai đoạn đầu, song ông cũng bày tỏ niềm tin rằng việc đầu tư xây dựng công nghệ sạch để sản xuất nguyên liệu xanh sẽ giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, từ đó nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.