Phát triển vùng ĐBSCL: để 13 cây đũa trở thành một bó đũa

(KTSG) – Mỗi khi bàn về phát triển cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vấn đề liên kết vùng lại được đặt ra. Đó là câu chuyện đã bàn từ 20 năm nay và cũng đã có những quyết định rất cụ thể từ Bộ Chính trị, Chính phủ, nhưng tới giờ vẫn còn loay hoay.

Thủy sản là tài nguyên ưu tiên hàng đầu khi triển khai chiến lược phát triển ĐBSCL. Ảnh: T.L

Thật ra phát triển vùng và liên kết vùng đã được nhiều nhà nghiên cứu và nhà làm chính sách trên thế giới quan tâm và phát triển từ cuối thế kỷ 18 đến nay với mục tiêu là phát triển không gian kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường và sử dụng nguồn lực quốc gia, vùng theo lợi thế so sánh hiệu quả hơn.

Đối với ĐBSCL, tổ chức liên kết vùng tốt là cơ hội hợp tác và liên kết với nhau vì lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội, quản lý tài nguyên, chính trị và an ninh quốc phòng một cách hợp lý và hiệu quả, và cũng là cơ hội tìm đường đột phá phát triển vùng vì lợi ích chung cao hơn so với hoạt động riêng rẽ của từng địa phương bị chia cắt bởi ranh giới hành chính.

Khi lúa – gạo không còn là hàng đầu

Nhận thức tầm quan trọng của phát triển vùng và liên kết vùng, các nhà khoa học cùng với Ban Tây Nam bộ, các địa phương và một số doanh nghiệp đã khảo sát, nghiên cứu và đưa ra các đề xuất từ đầu những năm 2000.

Đến ngày 4-6-2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 593/QĐ-TTg về “Thí điểm phát triển kinh tế – xã hội ĐBSCL giai đoạn 2015-2020”, bao gồm các nội dung và lĩnh vực cần liên kết là: Nâng cấp chuỗi giá trị lúa – gạo, cây ăn quả và thủy sản; Phát triển cơ sở hạ tầng; Đào tạo nghề nông thôn; Quản lý nước ứng phó biến đổi khí hậu; Trung tâm dữ liệu vùng; Cơ chế điều phối vùng qua tăng cường liên kết giữa các tỉnh trong vùng ĐBSCL (liên kết nội vùng) vừa tăng cường liên kết giữa vùng ĐBSCL với TPHCM và Đông Nam bộ.

Công bằng mà nói, việc thực hiện Quyết định 593 đã đạt được một số kết quả, như cách thức tham gia bốn nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) để nâng cấp chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực vùng như lúa – gạo, cây ăn quả và thủy sản (cá tra và tôm).

Tuy vậy đến nay, việc triển khai các nội dung trên còn chậm so với yêu cầu bởi lẽ cần định hình lại về chiến lược phát triển ĐBSCL bền vững ứng phó biến đổi khí hậu thực hiện Nghị quyết 120/CP, (2017) và sử dụng tài nguyên hợp lý theo hướng “thuận thiên” với thứ tự ưu tiên là thủy sản, cây ăn quả và lúa gạo, thay vì lúa – gạo được xem là ưu tiên hàng đầu khi triển khai Quyết định 593.

Đồng thời, để các địa phương liên kết với nhau thì các lĩnh vực ưu tiên cần liên kết cần suy xét là: Liên kết cạnh tranh thị trường; Liên kết phát triển hạ tầng giao thông; Liên kết quản lý nước và ứng phó biến đổi khí hậu và Liên kết phát triển lao động chất lượng cao.

Vì bốn lĩnh vực (nội dung) liên kết này không có ranh giới hành chính cho từng địa phương, nên nếu giải quyết được thì sẽ góp phần rất lớn giải quyết “3 nút thắt cổ chai” làm cho vùng ĐBSCL bị tụt hậu là: cơ sở hạ tầng yếu kém; nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế; và cơ chế, tổ chức và chính sách liên kết phát triển cho từng sản phẩm, lĩnh vực kinh tế bị cắt khúc.

Do vậy, để các địa phương trong vùng liên kết chặt chẽ hơn, ngoài tư duy về bốn lĩnh vực (nội dung) cần đẩy mạnh liên kết như kể trên, các chương trình và đề án về phát triển kinh tế – xã hội và quản lý tài nguyên từng địa phương trong ngắn, trung và dài hạn phải được cụ thể hóa dựa vào tiềm năng và lợi thế của từng địa phương trong tổng thể chung về phát triển vùng và liên kết vùng ĐBSCL và với chiến lược quốc gia và cạnh tranh và hợp tác quốc tế.

Bằng cách nào đẩy mạnh phát triển vùng và liên kết vùng ĐBSCL?

Muốn đẩy mạnh về phát triển vùng và liên kết vùng nhằm phát huy nguồn lực địa phương trong tổng thể phát triển vùng ĐBSCL, một số giải pháp về cấu trúc chiến lược và cụ thể hóa qua quy hoạch, chương trình và đề án ưu tiên cần quan tâm bao gồm:

Thứ nhất, phải định vị được vai trò và vị trí ĐBSCL trong phát triển tổng thể quốc gia và quốc tế, mang tính chiến lược phát triển vùng, liên kết vùng lâu dài.

Hai nghị quyết quan trọng về phát triển vùng và liên kết vùng ĐBSCL đã được ban hành năm 2022, bao gồm Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh vùng ĐBSCL đến 2030 tầm nhìn năm 2045 và Nghị quyết 78 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13.

Trong đó, có các nội dung trọng tâm về mục tiêu phát triển bền vững vùng với các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu mà các cấp các ngành trong hệ thống nhà nước phải thực hiện.

Một điều quan trọng nữa là phải tập trung, thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng, được thể hiện qua các nội dung về: Pháp lý và tổ chức hoàn thiện khung pháp lý liên kết vùng; nâng cao hiệu quả hoạt động hội đồng vùng; Phát triển và nâng cao nguồn nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao; Quy hoạch tích hợp vùng và quy hoạch tích hợp địa phương trong vùng;

Phát triển hành lang kinh tế và trung tâm động lực thông qua: vai trò của thành phố Cần Thơ về dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, khoa học – công nghệ, văn hóa và giáo dục; Phú Quốc – trung tâm dịch vụ – du lịch sinh thái; thành phố Mỹ Tho, Tân An, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau và Sóc Trăng thành trung tâm tổng hợp chuyên ngành.

Lợi thế sông nước là một trong những điều kiện kết nối ĐBSCL. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Tiếp đến là xây dựng và phát triển liên kết các đô thị nông – công nghiệp với trung tâm đầu mối và du lịch nông nghiệp và nông thôn; phát triển trung tâm đầu mối nông nghiệp với vùng chuyên canh; phát triển khu kinh tế cửa khẩu;

Liên kết phát triển cơ sở hạ tầng qua hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, phát triển nguồn điện và mạng lưới điện; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; Liên kết phát triển hạ tầng thị trường qua liên kết các hình thức giao thông với cảng sông và biển, và chuỗi logistics…; Định hướng không gian phát triển kinh tế nông nghiệp và không gian kinh tế biển… rõ hơn so với tầm nhìn và giải pháp phát triển vùng và liên kết vùng giai đoạn 2015-2020 qua Quyết định 593 năm 2016.

Thứ hai, phải cụ thể hóa về quan điểm tầm nhìn và định vị ĐBSCL qua Quy hoạch tích hợp vùng và Quy hoạch tích hợp địa phương. Về Quy hoạch tích hợp vùng đã triển khai thực hiện, dựa vào bối cảnh vùng ĐBSCL liên quan đến các nghị quyết như mô tả trên.

Trong đó, đáng chú ý là yêu cầu về cấu trúc nội dung báo cáo Quy hoạch vùng và Quy hoạch tích hợp địa phương giống nhau, nhất là phân tích hiện trạng, nhận ra cơ hội và thử thách, điểm mạnh và yếu, xây dựng tầm nhìn và mục tiêu phát triển; định hướng ngành và lĩnh vực lợi thế, bố trí không gian phát triển, sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Từ đó đưa ra chương trình và dự án ưu tiên cụ thể, nguồn lực đầu tư và cơ chế điều phối.

Thứ ba, chương trình và dự án cụ thể qua Quy hoạch địa phương tích hợp vào Quy hoạch vùng. Hiện nay Quy hoạch vùng ĐBSCL đã định hình khung nội dung chung và các giải pháp liên kết phát triển từng nội dung rất cụ thể.

Tuy vậy Quy hoạch địa phương tích hợp vào vùng của các địa phương đang trong tiến trình thực hiện và phải cụ thể hóa đến từng huyện và thị xã. Đồng thời, để Chính phủ phê duyệt Quy hoạch địa phương thì mỗi địa phương phải tham vấn ý kiến cộng đồng và các địa phương khác trong vùng.

Như thế kết quả cuối cùng là các địa phương sẽ thực hiện các chương trình và dự án tại địa phương mình dựa vào quy hoạch, dựa vào lợi thế so sánh, cơ hội vượt trội. Liên kết vùng là cơ hội tạo ra không gian mới cho địa phương phát triển và giảm tối đa triệt tiêu nhau trong sử dụng nguồn lực của địa phương và vùng vì thiếu giải pháp phát triển và liên kết vùng như thời gian qua.

Thứ tư, là cơ hội và cụ thể hóa tham gia “bốn nhà” thực hiện chương trình và dự án cụ thể tại địa phương. Ở khía cạnh này, không những cụ thể hóa được các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội và quản lý tài nguyên theo từng địa phương, mà còn để tham gia vào khung không gian phát triển vùng;

Đây là cơ hội để địa phương lồng ghép mọi kế hoạch, chiến lược, chương trình và dự án của địa phương vào vùng. Đó cũng là cơ hội quý báu cải tiến cách tiếp cận tham gia của “bốn nhà” để phát triển từng sản phẩm cụ thể qua tiếp cận phát triển vùng và liên kết vùng.