(KTSG Online) – Ngày 1-2, Quốc vụ khanh về chính sách thương mại của Bộ Thương mại quốc tế Anh, ông Greg Hands, đã đến Hà Nội để thúc đẩy việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Là một trong những thành viên sáng lập CPTPP, Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm châu Á-Thái Bình Dương kéo dài 3 ngày của ông Greg Hands. Hai nước tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam là Malaysia và Singapore.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương và việc gia nhập CPTPP có thể giúp 99% hàng xuất khẩu của Vương quốc Anh đủ điều kiện được miễn thuế với các thành viên CPTPP.
Tại Hà Nội, ông Greg Hands đã gặp Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh mà một trong những nội dung chính là thảo luận về việc Vương quốc Anh hoàn tất việc gia nhập khối CPTPP trong thời gian sớm nhất.
Thông cáo báo chí phát đi ngày 1-2-2023 của Đại sứ quán Anh dẫn lời ông Greg Hands rằng, việc gia nhập CPTPP sẽ tiếp thêm sức mạnh kinh tế cho liên minh thương mại sôi động và năng động này, bổ sung thêm 2.000 tỉ bảng Anh vào GDP của CPTPP. Cũng theo thông cáo báo chí này, việc Vương quốc Anh trở thành một thành viên CPTPP sẽ hỗ trợ khối thương mại này định hình các tiêu chuẩn cao về thương mại toàn cầu – đặc biệt là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Chuyến thăm của ông Greg Hands có thể xem là một chính sách mới của Vương quốc Anh thời hậu Brexit nhằm thúc đẩy thương mại nhiều hơn nữa với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khu vực được dự đoán sẽ chiếm phần lớn tăng trưởng toàn cầu vào năm 2050.
Nếu Vương quốc Anh được kết nạp vào CPTPP, thì đây là quốc gia thuộc khu vực Đại Tây Dương tham gia. Trong trường hợp Vương quốc Anh trở thành thành viên chính thức có thể là tiền đề để những quốc gia không thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương xin tham gia, trong đó, đáng chú ý là Thái Lan có thể xin vào CPTPP để tận dụng những ưu đãi về thuế quan giữa các quốc gia thành viên.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định đã được ký kết ngày 8-3-2018 tại Chile, và chính thức có hiệu lực từ ngày 30-12-2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Úc. Đối với Việt Nam, CPTPP có hiệu lực từ ngày 14-1-2019.