Rủi ro nợ xấu ngân hàng đang dần hiện hữu

(KTSG Online) – Thông tư 14/2021 hết hiệu lực từ 30-6-2022 khiến rủi ro nợ xấu trở nên rõ ràng hơn với các ngân hàng, theo các chuyên gia.

Tổng nợ xấu của 28 ngân hàng niêm yết khoảng 122.000 tỉ đồng tính tới 30-6-2022, tăng gần 11% so với thời điểm cuối quí 1-2022 và tăng gần 20% so với thời điểm đầu năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các ngân hàng ở mức 2,21% tính tới thời điểm cuối tháng 6-2022, tăng 0,3% so với đầu năm.

Về cơ cấu nợ xấu, tỷ lệ nợ dưới chuẩn (nhóm 3) của các ngân hàng tính tới cuối tháng 6-2022 giảm 11% so với đầu năm. Còn nợ nghi ngờ (nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) lần lượt tăng 20% và 40%.

Theo đó, ngân hàng NCB có tỷ lệ nợ xấu cao nhất với 11,05% tính tới cuối tháng 6-2022, tăng hơn 8% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 4 và 5 tăng lần lượt gần 1.400% và 140%, theo thông tin tại báo cáo tài chính của ngân hàng.

VPBank xếp thứ hai với tỷ lệ nợ xấu là 5,25%, gồm nợ xấu của ngân hàng mẹ và FE Credit – công ty con. Nếu xét riêng ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,83% với số dư nợ xấu là hơn 8.900 tỉ đồng.

Vietbank và Bao Viet Bank là hai nhà băng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ ba và thứ tư với mức 3,91% và 3,63%.

Riêng Vietbank nợ xấu của ngân hàng này là 2.196 tỉ đồng, tăng 19% so với đầu năm và có sự dịch chuyển mạnh từ nợ nhóm 4 sang nợ nhóm 5. Cụ thể, nợ nhóm 3 ở mức 359,6 tỉ đồng – tăng 8,6%, nợ nhóm 4 ở mức 357,7 tỉ đồng – giảm 41,2%, còn nợ nhóm 5 là gần 1.489 tỉ đồng – tăng 61,5% và chiếm 68% tổng nợ xấu.

Viet Capital Bank, PG Bank, SHB, VIB, ABBank và Agribank cũng xuất hiện trong nhóm 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất với tỷ lệ nợ xấu lần lượt là 2,73%, 2,67%, 2,55%, 2,45%, 2,33%, 2,16%.

Đáng lưu ý, tỷ trọng nợ có khả năng mất vốn của một số ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 6-2022 cao hơn nhiều so với thời điểm đầu năm như NCB và VPBank với 140%, VietinBank với 130%, MBBank với 120%.

Trước đó, tổng nợ xấu của các ngân hàng khoảng 109.600 tỉ đồng tính tới thời điểm 31-3-2022, tăng khoảng 8,93% so với đầu năm với cơ cấu nợ xấu có xu hướng dịch chuyển từ nhóm 3 sang nhóm 4 và 5. Đáng lưu ý, mức tăng của nợ xấu lại cao hơn tăng trưởng tín dụng quí 1-2022 là 5,04%.

Lý giải nguyên nhân, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, cho biết khi Thông tư 14/2021 hết hiệu lực và không được gia hạn thì những khoản nợ – lẽ ra không phải chuyển nhóm nợ – sẽ phải chuyển nhóm, khiến nợ xấu gia tăng.

Tương tự, Công ty chứng khoán SSI cho biết tỷ lệ nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng gia tăng với một phần nguyên nhân tới từ việc phân loại lại các khoản nợ tái cơ cấu thành nợ nhóm 4 hoặc 5 sau khi hết thời hạn tái cơ cấu. Các khoản nợ tái cơ cấu này sẽ tiếp tục gia tăng sau thời điểm khi Thông tư 14/2021 hết hạn.

Bên cạnh tác động từ chính sách cơ cấu nợ, ông Phan Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng hai năm bùng phát dịch Covid-19 đã có tác động tiêu cực đến hoạt động xử lý thu hồi nợ của các ngân hàng.

Cụ thể, dịch bệnh khiến khách hàng suy giảm khả năng tài chính, giảm nhu cầu mua tài sản, mua khoản nợ của các đối tác. Đồng thời, khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý e ngại, không dám mua tài sản vì sợ rủi ro từ diễn biến phức tạp của dịch.

Ngoài ra, các dịch vụ liên quan đến hoạt động xử lý nợ tại một số địa bàn bị tạm dừng hoạt động trong nhiều tháng, như bán đấu giá, thẩm định giá, thừa phát lại cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động và khả năng thu hồi nợ của ngân hàng.

Với bối cảnh trên, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ lo ngại nợ xấu sẽ trở thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022 với tỷ lệ nợ xấu gộp ở mức cao nhất trong vòng 4 năm gần nhất, qua đó phá vỡ thành quả tái cơ cấu nợ giai đoạn 2016–2020 của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đó, nợ xấu nội bảng dự kiến trong khoảng 2,3-2,5%, nợ xấu gộp khoảng 6% trong năm 2022.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, lo ngại nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn và dần suy yếu, kéo theo việc mất khả năng trả nợ nếu tăng trưởng tín dụng bị hạn chế bởi các giải pháp kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh tất cả đều cần dòng vốn “mồi” để khôi phục sản xuất – kinh doanh.

 

Trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu được dự báo tăng trong nửa cuối năm do các khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết thời hạn, nhiều ngân hàng đã chuẩn bị cho tình huống này với bộ đệm rủi ro tín dụng tương đối vững chắc.

Vietcombank đang dẫn đầu hệ thống với tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu đạt mức 506% tính tới cuối tháng 6-2022, tăng mạnh so với mức 424,3% tại thời điểm đầu năm. Như vậy, Vietcombank có tới 5,06 đồng dự phòng cho mỗi đồng nợ xấu.

Tương tự, BIDV nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức 263%, trong khi tại thời điểm đầu năm chỉ ở mức 215%. Techcombank cũng nâng tỷ lệ này từ mức 162,85% lên mức 171,6%.

Với VietinBank, TPBank, Sacombank, tỷ lệ này lần lượt là 190%, 161,4% 138,38%.

Một số ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp gồm: SHB với 63,1%, ABBank với 52,2%, VIB với 54%, VPBank với 47,95%.

Việc gia tăng chi phí dự phòng rủi ro cũng khiến lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 của một số ngân hàng tăng thấp, thậm chí sụt giảm so với cùng giai đoạn năm trước, dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, có 3 trong số 28 ngân hàng báo lợi nhuận trước thuế sụt giảm so với cùng giai đoạn năm trước, gồm OCB giảm 35%, Kienlong Bank giảm 57%, NCB giảm 85%. Trong đó, mức trích lập dựng phòng của OCB và Kienlong Bank tính tới cuối tháng 6-2022 cao hơn 43% và 137% so với cùng kỳ năm 2021.

Rủi ro nợ xấu với ngành ngân hàng tiếp tục gia tăng, nhưng Chính phủ chỉ có chưa đầy một năm để hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu của các TCTD do hạn chót để Quốc hội xem xét việc rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng với các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm là Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5-2023. Ngoài ra, Nghị quyết 63/2022 của Quốc hội chỉ cho phép kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 đến hết 31-12-2023.

Thời gian khoảng một năm để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, là ngắn và không dễ để đưa ra tạo ra các chính sách pháp luật chặt chẽ với đầy đủ quy định.

Vì vậy, ông Hùng kiến nghị ngành ngân hàng khẩn trương rà soát, đánh giá thêm những khó khăn mà Nghị quyết 42 đang tồn tại. Sau đó, xem vướng mắt ở đâu, khó ở luật nào để điều chỉnh. Riêng những quy định pháp luật mà tự ngành ngân hàng có thể sửa đổi bổ sung thì nhanh chóng dự thảo lấy ý kiến để cho vào Luật các tổ chức tín dụng.

Ông Vũ Việt Hưng, Phó trưởng ban Ban Pháp chế Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), kiến nghị cần luật hóa quy định về thu giữ tài sản đảm bảo, tránh để hoạt động này phụ thuộc vào các luật khác và nội dung thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm.

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cho rằngcần luật hóa toàn bộ nội dung của Nghị quyết 42. Ngoài ra, bổ sung một số nội dung gồm: quyền xử lý tài sản đảm bảo của các dự án là bất động sản; thu giữ tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn.

Hiện tại với Nghị quyết 42, việc áp dụng trình tự xử lý rút gọn tại tòa áp dụng đối quyền tranh chấp tài sản, tranh chấp quyền thu giữ tài sản. Tranh chấp hiện nay của các tổ chức tín dụng là tranh chấp về hợp đồng tín dụng. Do đó, các chính sách trong Nghị quyết 42 cũng cần sửa đổi bổ sung trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu.

Nghị quyết 42 có liên quan đến rất nhiều luật như Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tố tụng dân sự… Về quá trình triển khai, theo nguyên tắc của quá trình ban hành văn bản, phải lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Về quy trình, sau khi xây dựng dự thảo, NHNN sẽ lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, bao gồm cả ý kiến của các chuyên gia, các ngân hàng thương mại để bổ sung thêm trong quá trình luật hoá.

“Dự kiến trong khoảng tháng 7 và 8 này, NHNN sẽ chính thức lấy ý kiến”, bà Vũ Ngọc Lan nói.

Nội dung: Vân Phong – Hình ảnh: Lê Vũ – Đồ họa: Thu Trang