Sai lầm trong kế hoạch tài chính cho việc nghỉ hưu

(KTSG Online) – Khi nào thì nên nghỉ hưu? Đây là một câu hỏi phụ thuộc rất lớn vào cá nhân, nhu cầu và hoàn cảnh của từng người. Tuy nhiên, thời điểm nghỉ hưu và kế hoạch tài chính cho tuổi hưu ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của đời sống mỗi người sau khi gác lại công việc.

Để có một đời sống về hưu viên mãn đến mức có thể, tốt nhất là cần chuẩn bị rất sớm ngay từ những năm tháng mình đang làm việc hiệu quả. Trong số những yếu tố quyết định, tài chính cho thời kỳ hưu trí phải được đem lên hàng đầu.

Một bài báo đăng gần đây trên CNN cho biết những người lao động trẻ tuổi vẫn còn say sưa với sự nghiệp của mình thường ít quan tâm đến chuyện hưu trí hay chuyện dành dụm cho tương lai(1). Tuy nhiên, điều này có thể rất tai hại khi chúng ta về hưu. Dưới đây là một số lưu ý về các sai lầm có thể có đối với sự chuẩn bị về mặt tài chính sau khi từ bỏ công việc để nghỉ ngơi.

Điều đầu tiên, theo bài báo trên CNN, đó là sự chần chừ trong kế hoạch dành dụm cho cuộc sống khi về hưu. Chúng ta cần hiểu rằng chuẩn bị nghỉ hưu có kế hoạch nghĩa là tìm ra sự cân bằng giữa số tiền để dành cho tương lai và tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu cho cuộc sống hiện nay. Cái khó nằm ở chỗ làm sau tìm đúng sự cân bằng này.

Nhiều người cho rằng hãy dành dụm tiền ngay khi có thể. Còn các chuyên gia tài chính khuyên chúng ta đừng để quá muộn rồi mới làm điều này bởi vì có thể trả giá rất đắt.

Bài báo nói trên lưu ý người đọc về giá trị lũy tiến của tiền tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng. Lấy ví dụ một người bắt đầu dành dụm 100 đô la lúc 25 tuổi, thì đến khi người này 65 tuổi, số tiền nhỏ đó có thể mang lại cho anh ta/chị ta 150.000 đô la chỉ với một tỷ lệ hoàn vốn (rate of return) là 5%. Lãi suất tiết kiệm ở Việt Nam khác Mỹ. Tuy vậy, khi người ta chuẩn bị kế hoạch tài chính cho việc nghỉ hưu, nắm trong tay các quyển sổ tiết kiệm tại ngân hàng không phải là một ý tưởng tồi.

Ý tưởng tồi tệ hơn rất nhiều là cho rằng hiện nay hãy còn quá sớm để kích hoạt việc xây dựng kế hoạch tài chính khi hưu trí, và rồi cứ lần lữa mãi. Nếu vậy, sau này có hối thì cũng đã muộn!

Lưu ý thứ hai khi lên kế hoạch tài chính nghỉ hưu là đừng để chúng ta trở thành nạn nhân của điều gọi là “lạm phát lối sống” (lifestyle inflation).

Theo CNN, “lạm phát lối sống” xảy ra khi người ta bắt đầu cảm thấy các tiện nghi đắt tiền họ đang hưởng thụ là “một phần tất yếu của cuộc sống” và, do đó, họ không từ bỏ được những thứ vật chất xa xỉ.

Khi ấy, điều gì sẽ xảy ra? Các mạng xã hội thôi thúc chúng ta phải theo kịp mọi người khác, xem họ là tấm gương trong cuộc sống của mình. Nỗi lo sợ bị bỏ lại phía sau, cộng với tâm lý tự mãn đã có đủ tiền để thỏa mãn mọi nhu cầu, khiến nhiều người, nhất là giới trẻ, tiêu xài thoải mái tất cả những gì họ kiếm được để đáp ứng các mong ước nhất thời, và xem đó là một cách nhằm khẳng định đẳng cấp.

Người trẻ tuổi thường có khuynh hướng coi nhẹ số tiền dành dụm từ tiêu xài cho ăn, mặc, ở cũng như chuyện tiêu xài quá mức. Nhưng thói quen này sẽ làm tan biến mọi ước mơ tươi đẹp về tương lai.

Đối với giới trẻ, chuyện sống trong một chung cư chỉ có thang bộ với một căn hộ có thang máy sang trọng gần như chẳng có gì khác biệt về mặt sức khỏe. Nhưng về lâu về dài, đặc biệt là sau này khi đã nghỉ hưu, chuyện đó có thể trở nên quan trọng vì nó giúp tiết kiệm được khá nhiều tiền.

Thứ ba, không chịu lập quỹ dự phòng khẩn cấp cho cá nhân. Một khoản tiền như vậy sẽ trở nên vô cùng hữu ích nếu chúng ta không may bị thất nghiệp, đau ốm hay phải đương đầu với những khó khăn bất ngờ. Người trẻ thường bỏ qua các nguy cơ hoàn toàn hiện hữu này.

Quỹ dự phòng cho tình huống khẩn cấp mang lại an toàn về mặt tài chính, tránh việc phải lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Theo một chuyên gia tài chính, quỹ này ban đầu là bao nhiêu cũng tốt. Nói chung, một người độc thân nên dành một khoản tương đương với sáu tháng tiền lương cho quỹ dự phòng. Đối với các cặp đôi, quỹ này nên bằng ít nhất ba tháng tổng tiền lương của họ.

Điều thứ tư liên quan đến một vấn đề tương đối hiện đại. Tuy chuyện này phổ biến hơn ở Mỹ, không phải là không có ở Việt Nam. Đó là dầu tư quá nhiều vào các tài sản đầy rủi ro, như tiền kỹ thuật số chẳng hạn.

Các công cụ đầu tư hiện đại như NFT (Non-Fungible Token, một loại tài sản số dùng công nghệ blockchain), meme stock (cổ phiếu meme, cổ phiếu tăng giá mạnh nhờ hiệu ứng lan truyền trên mạng) hay các loại tiền kỹ thuật số (như bitcoin) rất hấp dẫn bởi lẽ chúng có thể tạo ra của cải rất nhanh chóng. Tuy thế, xem nhẹ rủi ro có thể có là một nguy cơ rất lớn cho kế hoạch tài chính nghỉ hưu của chúng ta.

Nhờ vào các mạng xã hội, nhiều người đã biết cách làm giàu nhanh nhờ vào các kênh đầu tư hiện đại nêu trên. Có điều, rủi ro cũng vô cùng cao. Một số chuyên gia gọi hiện tượng chạy theo các phương tiện này trong giới trẻ là “Shiny Object Syndrome” (tạm dịch hội chứng đối tượng hào quang). 

Theo đó, trên các mạng xã hội tràn ngập hình ảnh tấm gương của những người giàu nhanh bằng các cơ hội như vậy. Bị mê hoặc bởi các hình ảnh người trong giới, các bạn trẻ cảm thấy các kênh đầu tư truyền thống – ngay cả đầu tư vào cổ phiếu – trở nên lỗi thời.

Nhưng rất nguy hiểm nếu đặt hết trứng vào một giỏ, như NFT hay tiền số. Khi đã nói đến kế hoạch tài chính, phải chú ý nhiều hơn đến những tình huống xấu nhất chứ không phải chạy theo lợi ích trước mắt.

Ngoài ra, còn hai điều khác cần tránh trong kế hoạch tài chính cho nghỉ hưu. Đó là để nợ kéo dài dai dẳng và không nghiêm túc dự phòng cho chi phí y tế.

Nợ phải trả trước khi nghỉ hưu là một vấn đề cần giải quyết càng sớm càng tốt. Trong khi đó, chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng lớn khi chúng ta về già. Cần lưu ý rằng, bảo hiểm y tế hoàn toàn không đủ chi trả cho tiền thuốc và viện phí cùa mình. Do đó, không đưa khoản chi phí này vào kế hoạch tài chính nghỉ hưu là một sai lầm rất lớn.

Cuối cùng, cần quan tâm đến bảo hiểm xã hội. Hãy làm điều này càng sớm càng tốt và lưu tâm đến việc công ty trả bảo hiểm xã hội cho mình ra sao. Chỉ khi đã nghỉ hưu, chúng ta mới hiểu ra tầm quan trọng của chuyện tưởng rằng rất nhỏ này.

————-

(1)https://edition.cnn.com/2022/06/20/success/savings-mistakes-financial-life/index.html