Sẽ có quy định mới phù hợp nhu cầu sử dụng tạm một phần vỉa hè của người dân?

(KTSG Online) – Lòng đường, vỉa hè tại nhiều quận huyện đang bị lấn chiếm để kinh doanh, mua bán, là nơi để xe… Lãnh đạo nhiều phường, quận của TPHCM thừa nhận, công tác quản lý trật tự đô thị với các quy định hiện hành đã không còn phù hợp khi nhu cầu được sắp xếp, sử dụng tạm một phần vỉa hè của người dân tăng mạnh.

Người dân buôn bán tại hẻm 430 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TPHCM. Ảnh minh họa: TTXVN

Sau dịch Covid-19, người dân gặp nhiều khó khăn, nhu cầu kinh doanh, mua bán tại vỉa hè, lòng đường ngày càng nhiều. Không khó để ghi nhận các tuyến đường Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Pasteur (quận 1), Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 2, Bệnh viện Hùng Vương (quận 5), Bệnh viện Từ Dũ… người kinh doanh đã bày bàn ghế, để xe máy chật kín vỉa hè, người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Các tuyến đường Nguyễn Thái Sơn, Quang Trung, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp); Vườn Lài, Nguyễn Văn Quá, Tô Ký (quận 12); đường Nguyễn Thị Tú, Phan Văn Hớn, khu vực xung quanh chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn)… tình trạng bán hàng rong, hàng quán lấn chiếm vỉa hè, họp chợ tự phát diễn ra công khai; người buôn bán chen chúc ngay dưới đường.

Theo Cổng thông tin UBND TPHCM, chính quyền các quận 1, 3, 5, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú… phản ảnh đang gặp nhiều khó khăn trong việc lập lại trật tự lòng lề đường do nhu cầu được sắp xếp, sử dụng tạm một phần vỉa hè của người dân tăng mạnh.

Quyết định 74/2008/QĐ-UBND của UBND TPHCM về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè không đề cập đến nhu cầu của người dân mong được sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh dịch vụ, buôn bán, làm nơi đỗ xe… nên các phường, quận khá lúng túng trong việc hướng dẫn người dân thực hiện.

Điều đó đòi hỏi cần có cách tiếp cận mới để đảm bảo công tác quản lý, sử dụng vỉa hè linh hoạt, đảm bảo mỹ quan đô thị và đáp ứng nhu cầu sinh kế của người dân.

Đại diện các huyện ngoại thành Hóc Môn, Bình Chánh tại Kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố khóa X đã đề xuất cho các quận huyện vùng ven thí điểm kinh doanh mô hình chợ đêm, chợ tạm, tạo điều kiện cho người dân có nơi buôn bán, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và góp phần kiểm soát an toàn thực phẩm.

Đại diện quận 5, quận 1 cũng dẫn chứng nhu cầu giữ xe ở các bệnh viện, các điểm tham quan du lịch trong nội đô luôn quá tải, phát sinh các điểm trông giữ xe trên vỉa hè khu vực lân cận, gây mất trật tự và an toàn giao thông. Tại các di tích lich sử – văn hóa, người bán hàng rong rất lớn. Thời gian qua, các quận 1,3, 5, 10 đã sắp xếp tạm cho một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vị trí bán hàng trên vỉa hè một số tuyến đường, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

TTXVN cho biết, trước những khó khăn của các quận, huyện, TPHCM đang tổ chức lấy ý kiến của các sở ban ngành để xây dựng dự thảo chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 11-CT/TU, khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo quyết định thay thế Quyết định 74/2008/QĐ-UBND về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè, trong đó tập trung quy hoạch các tuyến đường, khu phố có thể tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh gia đình, người bán hàng rong tham gia, vừa kích thích phục hồi kinh tế và phát triển, vừa hỗ trợ người dân buôn bán, kinh doanh ổn định, đúng quy định của pháp luật.