(KTSG Online) – Chính phủ sẽ hỗ trợ ít nhất 8.000 thanh niên khởi nghiệp từ 2022-2025, theo nội dung từ một quyết định được Văn phòng chính phủ phát hành ngày 27-7.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 897/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 – 2030 với nhiều hỗ trợ như: tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nền tảng cho thanh niên về khởi sự kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn; xây dựng, phát triển các kênh hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên…
Mục tiêu cụ thể của chương trình giai đoạn 2022 – 2025 hỗ trợ ít nhất 8.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 1.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hằng năm, 100.000 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp.
Ít nhất 80.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Hỗ trợ thành lập 200 hợp tác xã do thanh niên làm chủ. Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nền tảng cho thanh niên về khởi sự kinh doanh.
Cũng trong ngày hôm nay 27-7, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra nhận định rằng, “kỳ lân” khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiếp theo của châu Á và Thái Bình Dương có thể đến từ Việt Nam, khi nền móng để xây dựng một hệ sinh thái vững chắc có thể hỗ trợ những doanh nghiệp này đang được tiến hành thuận lợi.
ADB đưa ra nhận định trên sau khi phát hành báo cáo với nhan đề Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam. Theo ADB, mục tiêu dài hạn của Chính phủ Việt Nam đối với lĩnh vực này là thu hút tri thức, các tổ chức, cá nhân và doanh nhân để góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế và tham gia tạo lập các công ty khởi nghiệp thành công.
Một ví dụ về sự hỗ trợ của chính phủ, theo ADB là đề án 844, với mục tiêu phát triển 600 doanh nghiệp vào năm 2025. 100 doanh nghiệp trong số đó sẽ gọi được vốn đầu tư với tổng giá trị ít nhất là 2 ngàn tỉ đồng (khoảng 85,44 triệu đô la Mỹ).
Mục tiêu này được hỗ trợ bởi Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và hai đề án mới có tên gọi “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” và “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.
Bà Aimee Hampel-Milagrosa, chuyên gia kinh tế của ADB, một trong những tác giả chính của báo cáo trên nhận định: “Chính phủ Việt Nam đã nhận ra rằng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ là động lực mới của tăng trưởng cho quốc gia. Để tạo thuận lợi cho quá trình này, chính phủ đã bắt đầu tập hợp những yếu tố chủ chốt, ví dụ như các ưu đãi khuyến khích về chính sách và tài chính, để tạo ra và xây dựng thế hệ kỳ lân khởi nghiệp tiếp theo của Việt Nam.”
Theo ADB, năm 2021, năm lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam thu hút được nguồn vốn lớn nhất là công nghệ tài chính (26,6%); thương mại điện tử (20,3%); công nghệ giáo dục (17,2%); công nghệ y tế (7,8%) và phần mềm dịch vụ (6,3%).
Báo cáo trên cho thấy trong khi tài chính được coi là hạn chế chung đối với sự phát triển của các công ty khởi nghiệp thì các nhà đầu tư thiên thần và đầu tư mạo hiểm lại rất háo hức đầu tư. Một trở ngại khác đối với tăng trưởng là không có đủ vốn nhân lực. Tuy nhiên, các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam đang phối hợp với chính quyền các tỉnh và các bộ ngành trung ương để thành lập các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp. Họ cũng đang tổ chức các sự kiện khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên để thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp trong giới trẻ.