Số phận long đong của cặp đôn gốm Cây Mai từ Paris về TPHCM

Đồ mỹ nghệ bị cho là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng

Tiếp chúng tôi, nhà sưu tập P.H.V. kể, ông mua cặp đôn gốm Cây Mai tại Nhà đấu giá Asium danh tiếng ở Paris (Pháp). Đây là các vật phẩm được chủ nhân người Pháp đưa đến đấu giá sau thời gian dài lưu giữ trong bộ sưu tập cá nhân của mình. Được một người thân là Việt kiều ở Pháp giới thiệu, với tấm lòng trân quý muốn hồi hương những hiện vật hiếm hoi về Việt Nam, ông V. quyết định tham gia mua và đã thắng phiên đấu giá.

Tháng 6/2018, ông nhờ người thân chuyển về TPHCM.Thế nhưng, khi cặp đôn về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (CCHQCPN) thuộc Cục Hải quan TPHCM, không cho thông quan với lý do “hàng tiêu dùng đã qua sử dụng”, cấm nhập khẩu. Tháng 8/2018, cơ quan này trưng cầu giám định tại Phòng Kiểm tra Văn hóa phẩm xuất nhập khẩu (Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM). Phòng kiểm tra đã có giấy xác nhận văn hóa phẩm xuất nhập khẩu với nội dung đây là một cặp đôn bằng gốm men nhiều màu, kiểu gốm Sài Gòn dùng để trang trí, đồ giả cổ, mô phỏng một ngôi miếu, có thể hiện hình người và tượng thần hộ pháp. Giấy xác nhận kết luận hàng hóa “được phép nhập khẩu”, “không vi phạm Nghị định 32/2012/NĐ-CP” của Chính phủ.

Hình ảnh chụp chiếc đôn của ông P.H.V. rò rỉ trong giới săn đồ cổ hồi tháng 9/2018

Tuy nhiên, hơn ba tuần sau kể từ lúc có kết quả giám định của ngành quản lý văn hóa, CCHQCPN lại có công văn yêu cầu trưng cầu giám định lần thứ hai tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. Kết quả theo trung tâm, tại thời điểm giám định, hàng đã qua sử dụng thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo Thông tư 12/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương. “Tôi đã khiếu nại kết quả giám định và quyết định tạm giữ tang vật của hải quan”, ông V. cho biết.

Gần một năm sau, ngày 23/5/2019, CCHQCPN ra quyết định không chấp nhận khiếu nại của ông V. Cụ thể, CCHQCPN không giải quyết đề nghị thông quan cặp đôn của ông kèm theo xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu tang vật. Tháng 6/2019, ông V. đã khởi kiện vụ việc ra tòa thì bất ngờ tháng Tám cùng năm, ông nhận được quyết định tịch thu hàng với lý do không xác định được chủ sở hữu hàng hóa vi phạm. “Thật hết sức vô lý, vì tôi đã liên tục khiếu nại hành chính, rồi vụ việc đang được tòa án thụ lý, vậy mà cơ quan hải quan lại ra quyết định tịch thu tang vật với lý do hàng vắng chủ”, ông V. nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Thanh Hùng, Phó chi cục trưởng CCHQCPN, cho rằng, sự vụ đang được tòa án cấp cao tại TPHCM giải quyết, chưa thể cung cấp thêm thông tin liên quan.

Giám định lần nào là đúng?

Với diễn biến trên, luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TPHCM) đặt vấn đề: “Tại sao phải giám định hai lần. Cơ sở nào để cho rằng giám định lần hai là đúng, thay thế giá trị của giám định lần một? Đây là vấn đề cần phải làm rõ”.

Luật sư Trần Hồng Phong cho biết thêm, cặp đôn được nhập khẩu nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý ngoại thương 2017 và Nghị định 69/2018 (quy định chi tiết luật này). Vấn đề cần làm rõ ở đây, đó là “hàng tiêu dùng” hay “văn hóa phẩm”?

“Cá nhân tôi cho rằng đây là sản phẩm văn hóa. Có hai thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 69/2018 vừa đề cập. Thông tư 12/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương và Thông tư 24/2018/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Theo thông tư của ngành công thương thì cặp đôn là “hàng tiêu dùng đã qua sử dụng cấm nhập khẩu”. Trong khi tại Phụ lục 2 về danh mục hàng hóa nhập khẩu của Thông tư 24/2018/TT-BVHTTDL quy định cho phép nhập khẩu “nguyên bản tác phẩm điêu khắc và tượng tạc, làm bằng mọi loại vật liệu”. Ở đây chính là cặp đôn. Hay nói cách khác, việc một cá nhân nhập khẩu sản phẩm văn hóa này là hoàn toàn hợp pháp”, luật sư Phong phân tích.

Luật sư Trần Hồng Phong cho rằng, tòa án cần ra quyết định trưng cầu giám định giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử của cặp đôn do ông V. mua từ Pháp. “Các giám định viên cần phải là chuyên gia ngành văn hóa để xác định xem có đúng là sản phẩm văn hóa, thậm chí, đây có phải là di vật, cổ vật hay không? Nếu đúng là di vật, cổ vật, càng cho thấy việc cá nhân sưu tập, nhập khẩu cặp đôn này không những không sai, mà còn cần được khuyến khích, vì góp phần gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc”, ông Trần Hồng Phong đề nghị.

Hồ sơ về cặp đôn gốm Cây Mai của ông P.H.V. trên trang web Nhà đấu giá Asium (Paris, Pháp)

Nên xem là sản phẩm văn hóa

Tiến sĩ Bùi Phát Diệm, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Long An, cho rằng, một khi cơ quan quản lý văn hóa đã xác định, chấp thuận cho nhập khẩu thì nên cho thông quan. “Đồng ý rằng hải quan bị ràng buộc, điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau nhưng ngành văn hóa đã có giấy xác nhận rồi và họ có trách nhiệm về xác định của mình. Đừng quên, dù cho có là hàng giả cổ thì cũng là một sản phẩm văn hóa. Quan điểm của tôi là cứ cho nhập khẩu theo kết luận của đơn vị quản lý ngành văn hóa”, ông nói.

Theo tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Hội Khảo cổ học Việt Nam, trước tiên cần phải dành lời khen ngợi đối với ông V. bởi có tấm lòng, thiện chí muốn đưa sản phẩm văn hóa Việt Nam về với quê hương. “Trong khi hiện chúng ta đang bị “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài rất nhiều thì những người có ý thức muốn đưa vật phẩm văn hóa hồi hương như vậy rất đáng khen”, ông Hòa nói.

Tiến sĩ Đinh Bá Hòa cũng cho rằng, cho dù cặp đôn có là đồ “giả cổ” đi nữa thì vẫn là sản phẩm văn hóa. “Đã là sản phẩm văn hóa thì phải được trân trọng, đối xử tử tế, công bằng không thể cứ cho là đồ đã qua sử dụng là tịch thu. Đồ giả cổ vẫn là đồ mỹ nghệ, vẫn có giá trị của giả cổ. Với dân chơi đồ cổ, họ sẽ mua với giá thấp hơn chứ đâu phải giả cổ là đồ vứt đi. Đó là cả một thú chơi đồ giả cổ. Như đồ gốm Chu Đậu ở tỉnh Bình Dương hiện được người ta làm giả cổ bán ra thị trường cho dân chơi cổ vật đấy thôi. Nhưng đó vẫn là sản phẩm văn hóa”, ông Hòa nêu.

Theo nhiều tư liệu, có một cặp đôn gốm Cây Mai được các nghệ nhân làng gốm trứ danh này ở Chợ Lớn chế tác riêng để tham gia cuộc đấu xảo (triển lãm) năm 1889 tại Paris. Sau khi được trưng bày, những hiện vật này được khách tham quan người Pháp mua lại để trang hoàng nhà cửa thời điểm đó, hoặc được sưu tập và lưu giữ tại các bảo tàng. Cặp đôn gốm Cây Mai với các họa tiết mô phỏng miếu, người và thần hộ pháp mà chúng tôi đã nêu trong bài cũng được đề cập tại cuốn di cảo Gốm Cây Mai, Đề Ngạn – Sài Gòn xưa (Nhà xuất bản Đà Nẵng) của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và tác giả Nguyễn Đại Phúc, tái bản năm 2021./.

Quốc Ngọc (Theo PNO)