(KTSG) – Giải ngân vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong năm 2023. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành vật liệu xây dựng, thi công công trình… sẽ là những cái tên hưởng lợi nhiều nhất.
Vốn đầu tư công tăng mạnh
Mới đây, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỉ đồng, tăng khoảng 25% (tương đương khoảng 140.000 tỉ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỉ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025). Bên cạnh đó, năm 2023 cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, điều đáng lo ngại là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong các năm qua rất bấp bênh. Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 73%, năm 2018 tỷ lệ này giảm xuống 66%, năm 2019 là 67%, năm 2020 là 82%, năm 2021 là 72%. Còn trong năm 2022, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính thì tỷ lệ giải ngân cả năm ước đạt 436.000 tỉ đồng, bằng 75% kế hoạch Thủ tướng giao. Dù tỷ lệ giải ngân không có nhiều cải thiện nhưng do kế hoạch đầu tư công năm 2022 cao hơn khoảng 100.000 tỉ đồng nên xét về con số tuyệt đối, năm 2022 vẫn giải ngân cao hơn năm 2021 gần 80.000 tỉ đồng và là năm có số vốn giải ngân cao nhất trong năm năm trở lại đây.
Trên thực tế, những khó khăn liên quan đến việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đã được nhắc đến nhiều, chủ yếu chia ra làm ba nhóm nguyên nhân. Nhóm thứ nhất là thể chế, pháp luật chính sách thiếu đồng bộ, quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, đấu thầu, môi trường, giải phóng mặt bằng… Nhóm thứ hai là do tổ chức thực thi khi cùng một hệ thống pháp luật nhưng có tỉnh, bộ, ngành giải ngân vốn đầu tư công rất tốt nhưng có nơi lại chưa đạt mục tiêu. Nhóm thứ ba là các yếu tố khách quan, đặc thù trong năm 2022 xuất hiện ngoài dự báo như giá nguyên vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao…
Những doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi?
Mặc dù vậy, về tổng thể, theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect thì với việc dự toán ngân sách dành cho đầu tư công tăng hơn 25% so với kế hoạch năm 2022, có thể kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công thực tế trong năm 2023 cũng sẽ tăng 20-25% so với năm 2022 nhờ: (1) nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới và (2) giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới.
Nhờ vị thế hàng đầu và năng lực tài chính tốt, C4G và PLC sẽ có cơ hội bứt phá kết quả kinh doanh trong năm 2023 khi giải ngân vốn đầu tư công tăng tốc. Trong khi đó, VCG và HHV cũng sẽ được hưởng lợi trong xu hướng này nhờ sở hữu giá trị đơn hàng tồn đọng (backlog) lớn tại các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
Về các nhóm ngành được hưởng lợi cụ thể, nhựa đường là cái tên không thể bỏ qua. Hiện Chính phủ đang đặt mục tiêu 11 dự án thành phần của dự án Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 phải được hoàn thành đúng thời hạn ban đầu. Như vậy, lần lượt trong các năm 2022, 2023 và 2024 sẽ có khoảng 361 ki lô mét, 148 ki lô mát và 128 ki lô mét đường cao tốc tại dự án này sẽ được hoàn thành. Bên cạnh đó, 349 ki lô mét đường cao tốc tại dự án Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 cũng sẽ đi vào vận hành lần lượt trong giai đoạn 2023-2025. Do việc rải nhựa đường thường diễn ra trong giai đoạn sau của các dự án đường giao thông nên có thể kỳ vọng các công ty nhựa đường sẽ được hưởng lợi từ quí 1-2023. Cái tên nổi bật nhất trong nhóm ngành này là Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex – CTCP (PLC, HNX, chiếm khoảng 30% thị phần nhựa đường trong nước trong giai đoạn 2015-2020). Xem lại diễn biến trong quá khứ, doanh thu nhựa đường của PLC có mối liên hệ chặt chẽ với giải ngân vốn đầu tư công khi tăng vọt trong hai năm 2014-2015 (giai đoạn giải ngân vốn đầu tư công vào hạ tầng giao thông tăng mạnh) nhưng sau đó đã hạ nhiệt nhanh chóng khi vốn đầu tư từ Chính phủ hạn chế và đầu tư tư nhân giảm nhiệt vào các dự án BOT trong giai đoạn 2016-2019.
Đối với nhóm đá xây dựng, đặc thù của ngành này có chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ. Việc dự án sân bay Long Thành vừa được khởi công xây dựng san nền và làm móng được đánh giá sẽ là động lực tăng trưởng chính đối với nhu cầu đá xây dựng tại khu vực Đông Nam bộ thời gian tới. Theo VNDirect, những doanh nghiệp niêm yết sở hữu những mỏ đá nằm gần sân bay Long Thành, đặc biệt là cụm mỏ Tân Cang và Thiện Tân (do KSB, DHA, VLB và DND sở hữu) sẽ được ưu tiên huy động nhờ sở hữu lợi thế và chất lượng sản phẩm. Dự án trọng điểm này sẽ là động lực lớn thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp đá xây dựng trong năm 2023-2024.
Đối với nhóm thép, giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ sẽ bù đắp phần nào cho sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản nhà ở đối với nhu cầu thép. Thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam đã hạ nhiệt kể từ quí 2-2022 sau sự kiện bắt giữ một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản lớn, lãi suất mua nhà tăng và room tín dụng hạn chế. Bên cạnh đó, ngành thép trong nước cũng đang chịu tác động từ những khó khăn như: (1) giá nguyên liệu đầu vào cao (bao gồm than cốc và thép phế) và (2) nhu cầu thép toàn cầu sụt giảm, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt Nam. Mặc dù vậy, nhờ kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ tăng tốc trong những quí tới, dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng.
Về các mã cổ phiếu nổi bật, cũng theo VNDirect, nhờ vị thế hàng đầu và năng lực tài chính tốt, C4G và PLC sẽ có cơ hội bứt phá kết quả kinh doanh trong năm 2023 khi giải ngân vốn đầu tư công tăng tốc. Trong khi đó, VCG và HHV cũng sẽ được hưởng lợi trong xu hướng này nhờ sở hữu giá trị đơn hàng tồn đọng (backlog) lớn tại các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Rủi ro giảm giá đối với các cổ phiếu này bao gồm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, lãi suất cao hơn kỳ vọng và xu hướng tăng của giá hàng hóa được duy trì.