Sống dưới ánh mặt trời và những dòng thác

(KTSG) – Đài Loan từng tạo nên một trào lưu phim dài tập về chủ đề gia đình có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tại châu Á vài mươi năm trước. Trong chừng 10 năm trở lại đây, dòng phim điện ảnh nghệ thuật của Đài Loan có bước tiến lớn, tạo ra một hiện tượng trên toàn cầu với những tên tuổi: Lý An, Hầu Hiếu Hiền, Thái Minh Lượng, Dương Đức Xương… Và trong dòng phim chủ đề về gia đình đương đại nổi trội lên một cái tên mới: Chung Mạnh Hoành.

Mỗi bộ phim của Chung Mạnh Hoành như một cuộc khảo sát những vết rạn vỡ trong đời sống nội tâm đầy phức tạp của con người trong một thế giới chao đảo, rủi ro, tan rã.

Thứ công bằng nhất

Năm 2019, phim Dương quang phổ chiếu (tựa tiếng Anh: A Sun) của Chung Mạnh Hoành bất ngờ dành sáu tượng vàng tại giải thưởng điện ảnh Kim Mã, gồm giải truyện phim xuất sắc, đạo diễn xuất sắc, nam diễn viên chính và phụ xuất sắc, dựng phim xuất sắc và giải khán giả bình chọn. Vào thời điểm đó, trước đại dịch Covid-19, không khí trong bộ phim gợi nên như một chiều nắng quạnh hiu trước giờ bão tố. Là thứ nắng vàng nhưng đó là ánh sáng lạnh lẽo báo trước một tai ương vượt ngoài mọi dự tính của con người.

Bộ phim đặt người xem vào sự bế tắc của đôi vợ chồng thuộc tầng lớp bình dân – ông bà Trần. Ông là giáo viên dạy lái xe, bà là thợ làm tóc. Họ bước vào tuổi xế bóng không êm đềm vì phải chứng kiến hai người con trai tuột khỏi sự chăm chút, bảo bọc của họ theo hai cách thế khác nhau.

Như một tác phẩm gây ám ảnh về bi kịch gia đình (family drama), câu chuyện bắt đầu bằng một vụ thanh toán của hai thanh niên. Một nhát dao chém lìa bàn tay trong đêm mưa tầm tã chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ nhặt. A Hòa, đứa con thứ hai của ông bà Trần đứng trước phiên tòa, nó nhận tội cùng đứa bạn máu lạnh. Cho dẫu nó không phải là người cầm con dao oan nghiệt thì vụ án cũng đẩy nó đến một bước ngoặt trong đời: nhà tù và sự chiến đấu để sinh tồn.

Có phẩm tính hiền lành nhưng A Hòa ngấm ngầm mang những vết thương: sự mặc cảm thua kém người anh của nó trong cuộc sống, trong học hành lẫn tình thương mà cha mẹ dành cho. A Hòa trượt dài trong những thất bại khốc liệt đến mức để làm một người bình thường cũng thật khó khăn. Nó như đứa bé bị gán nhãn, chìm sâu trong thế giới tăm tối và bất cần, nổi loạn âm thầm rồi đơn độc chịu đựng những cơn đau đớn để tồn tại.

Với tất cả những trầy trật vào đời đó, A Hòa vẫn như con giun bị giằng xéo trong cuộc giành lấy khả năng sống sót dưới ánh mặt trời. Trong những ngày ngồi tù, nó từng muốn chối từ cái thai đang lớn dần trong bụng cô bạn gái vị thành niên, nhưng rồi miễn cưỡng chấp nhận, để khi ra tù, nó có một đứa con, một gia đình làm động lực sống. Nó lao vào phạm pháp lần nữa, tìm cách trả hết “ân oán giang hồ” chỉ để được yên thân làm một nhân viên ở tiệm rửa xe hơi…

Con đường của A Hòa trái ngược hoàn toàn với người anh của nó – A Hào. Hào là niềm tự hào của ông Trần, là một người con trai hiền lành, chu đáo, tình cảm, nho nhã, chịu khó học hành. Hào tốt bụng, điềm tĩnh và trong sáng tưởng chừng không lấm bụi trần. Nhưng một hôm, từ ban công căn hộ, chàng trai lý tưởng đó đã chọn cái chết một cách vô cùng khó hiểu.

Cuộc sống dễ dàng dừng lại với người được cho là tốt và nhọc nhằn mở ra với người bị cho là xấu. Người cha lạnh lùng và khô khan như một điển hình của nhiều người cha truyền thống phương Đông cuối cùng đã đặt niềm hy vọng vào tương lai với khoảnh khắc xoay tròn vô lăng xe và đạp chân ga trong một đêm mưa, đúng như slogan ở trường dạy lái xe: “Nắm bắt thời gian, lựa chọn phương hướng”. Chính cảnh huống đảo vô lăng của ông Trần để giải cứu đứa con trai đau khổ còn lại của mình là một chi tiết hài hước đen khiến khán giả có thể òa vỡ.

Cài cắm một cách thông minh và tinh tế các tình huống căng thẳng, bi đát, đặt người xem vào những hoàn cảnh gia đình đương đại, đạo diễn Chung Mạnh Hoành treo lên thứ ánh sáng le lói sau những đám mây u uẩn ngày dông bão. Ánh nắng đó chính là câu nói: “Thứ công bằng nhất trên thế gian này chính là ánh Mặt Trời” của A Hào – một người hoàn hảo đến phi thực nhưng đã chọn dừng cuộc đời ở tuổi hai mươi.

Trần Dĩ Văn, Kha Lục Cần vào vai ông bà Trần một cách tự nhiên đến mức khán giả có thể quên trước mặt mình là một chuyện phim, mà như đang nghe câu chuyện của họ. Những cặp vợ chồng già thời hiện đại đang đối diện với những đổ vỡ đến từ hiện thân tương lai họ: con cái.

Sang chấn từ đại dịch

Nếu Dương quang phổ chiếu là ánh nắng lạnh lẽo ngày bão rớt, thì Dòng thác (tựa tiếng Anh: The Falls, 2021) thực sự là bức tranh biến cố của sự đổ vỡ những thành trì tưởng vững bền của gia đình, để lại sự ngổn ngang trong tâm hồn con người.

Đại dịch đã bóp chặt các đô thị bằng áp lực của giãn cách, của khoảng cách giữa con người, của nghi kỵ và âu lo. Nhưng thẳm sâu phía sau “con người của những biện pháp” là những rạn nứt trong các liên kết nội tâm chỉ chờ cơ hội để đứt gãy. Những biến thể của đại dịch khiến cuộc sống con người được định hình lại theo một phiên bản khác. Con người bàng hoàng nhận ra một cuộc sống đảo lộn.

Đó là trong những ngày giãn cách, Tịnh Văn – cô bé đang tuổi trung học – nhận ra cha mình không còn trở về căn hộ mà mẹ con cô đang sống, mà thực sự đã đi mãi, đã xây dựng một mái ấm mới. Đó là Phẩm Văn (Giả Tịnh Văn đóng) lún sâu trong cơn hoảng loạn vì nhận ra cô không thể cứu vãn những sai lầm, những hà khắc với người chồng khi họ còn bên nhau. Cô sống với đứa con gái đang tuổi nổi loạn như hai tinh cầu đối lập trong một ngôi nhà thời giãn cách; phải chịu đựng cả áp lực mất việc, và để cho con gái an tâm, hàng ngày cô vẫn đến ngồi ở bàn tiếp tân của công ty. Đó là khi đại dịch làm thay đổi vị thế xã hội của con người: người mẹ đơn độc từ chỗ là chuyên viên trong một tập đoàn đa quốc gia trở thành một nhân viên kiểm hàng trong cửa hàng tiện lợi sau khi bị đưa vào dưỡng trí viện…

Đại dịch như bóng đen khơi dậy trong não trạng người ta tiếng gào thét của những dòng thác áp lực sống. Tiếng thác vang lên trong đầu của người mẹ, trong dáng đi thất thểu như chới với lúc tỉnh mộng của đứa con gái quen sống trong sự bảo bọc yêu thương khi nó nhận ra thế giới người lớn dựng nên chỉ êm ấm nhờ những viên thuốc an thần tạm bợ. Và tiếng thác còn là nỗi dày vò của người đàn ông trước đứa con gái đang lớn, khi anh nói “thế giới người lớn có nhiều chuyện thật khó giải thích”…

Bộ phim không đưa ra một đáp án nào, một gợi mở nào cho tương lai của một gia đình tan vỡ sau khi gieo vào người xem câu nói buồn bã của người giúp việc già nói với Tịnh Văn, cô bé mà bà đã chăm sóc từ ngày thơ ấu: “Cháu ạ, có thể bà ít học không hiểu hết cuộc đời. Nhưng bà không sao trả lời được câu hỏi vì sao một gia đình tốt như vậy lại có ngày thế này…”.

Cuộc sống gia đình lần này được đặt dưới áp lực của một dòng thác hiện đại bất định, nơi những mối dây liên kết nội tại bị thách đố, xô dập không ngừng, thách thức mọi kháng thể. Những cuồng lưu nguy hiểm vẫn tiềm ẩn đâu đó bên dưới vẻ êm đềm và tưởng chừng bình ổn của các gia đình. Nhưng phim không đốt lên nỗi sợ hãi trong tâm trí con người, mà gợi cho người xem những truy vấn để họ nhìn sâu hơn vào những khoảng tối hình thành bên trong lõi của những hạt nhân làm nên xã hội và thế giới.

“Don’t sweat it”, câu khẩu hiệu trên chiếc áo khoác của cô bé Tịnh Văn thoáng qua hai lần vào cuối phim, phải chăng Dòng thác muốn gửi gắm rằng hoạn nạn gia đình khiến cô bé trưởng thành hơn, biết quan tâm đến mẹ nhiều hơn và biết đối thoại với thế giới “người lớn” một cách mạnh mẽ hơn.

“Đừng lo lắng!”, dù đó là ngày bão giông, hay những lúc tâm trí thét gào khi chới với dưới những “dòng thác” không ngừng tuôn đổ dữ dội, cuộn xoáy.

____________________________________________________

Hai bộ phim Dương quang phổ chiếu (2019) và Dòng thác (2021) của Chung Mạnh Hoành (Mong-Hong Chung) đang được chiếu trên Netflix.