Sức nóng của cuộc đua lãi suất đang đến đâu?

(KTSG) – Cuộc đua lãi suất năm 2022 giữa các ngân hàng chủ yếu vẫn đang ở vùng lãi suất ngắn hạn và là lãi suất tiền gửi.

Một số ngân hàng lớn khá độc lập với cuộc đua này. Bằng chứng là các ngân hàng này chỉ mới thực hiện một bước dự phòng xa cho rủi ro lãi suất thông qua điều chỉnh một vài mức lãi suất dài hạn. Đây cũng có thể xem là một nghệ thuật trong quản trị rủi ro lãi suất mà mỗi ngân hàng có cách vận dụng thích ứng riêng.

Nhìn lại, lịch sử đã ghi nhận các cuộc đua có tính chất tương tự, và thường tự tắt khi tới ngưỡng thanh khoản của mỗi ngân hàng, hoặc sớm tắt nhờ có sự can thiệp, thông thường bằng áp ngưỡng trần.

Tính tương đồng cao nhất có lẽ vẫn là cuộc đua lãi suất diễn ra năm 2015. Tốc độ điều chỉnh nhanh của lãi suất tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại cộng với biên độ điều chỉnh khá rõ nét, đã tác động rất nhanh đến hành vi đầu tư và tiết kiệm. Dòng tiền quay rất nhanh, hàng ngàn tỉ đồng đã về nghỉ chân ở dạng tiết kiệm ngắn hạn, chờ sóng mới từ thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, đã ở khá lâu trong trạng thái giằng co.

Diễn biến này là trái ngược ở mảng cho vay, nơi ghi nhận tốc độ điều chỉnh lãi suất tương đối thủng thẳng; nhưng cũng khá hợp lý xét trong bối cảnh phần lớn các ngân hàng thương mại sớm hết room tín dụng và nền kinh tế đã hấp thụ lượng vốn rất lớn trong sáu tháng đầu năm. Điều này vô hình tạo nên vùng đệm giảm phần nào áp lực lên chi phí vốn. Nói cách khác, sức nóng của cuộc đua lãi suất nói trên chưa tạo áp suất lên vùng cung tín dụng.

Ở đây, rất quan trọng, nhìn lại căn nguyên của làn sóng lạm phát lần này là chi phí đẩy. Vì vậy, trong kiểm soát lạm phát, ưu tiên hơn cả vẫn là các biện pháp giúp giảm tốc độ tăng của các loại chi phí trong nền kinh tế, từ tiêu dùng đến sản xuất và đầu tư. Ưu tiên thứ hai không kém quan trọng là tiếp tục kích cầu tiêu thụ nội địa vì rõ ràng sức tăng trưởng kinh tế trong sáu tháng đầu năm nay có sự đóng góp rất lớn từ sức tăng của tổng cầu.

Cầu nội địa phục hồi đã kéo rất tốt khu vực sản xuất phục hồi, mà lại ít chịu ảnh hưởng từ các biến động bên ngoài. Kiểm soát được chi phí vốn không bị xoáy vào bão lạm phát thực sự giá trị xét trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục.

Theo đó, chi phí vốn chưa tạo áp lực lớn lên khu vực đã và đang đầu tư và sản xuất (không bàn khu vực dự kiến đầu tư mới không có cơ sở đánh giá). Mức lãi suất cho vay hiện giao động từ 7-10%/năm là khá dễ chịu nếu tham chiếu xuyên suốt lịch sử lãi suất trong nền kinh tế Việt Nam. Cộng thêm sức ảnh hưởng từ chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, từ góc nhìn tích cực, một mặt góp phần giảm áp lực chi phí vốn, mặt khác bổ sung thêm bộ lọc tăng hiệu quả phân bổ vốn đầu tư cho cả hai phía đi vay và cho vay.

Mặc dù vậy, áp lực điều hành lãi suất vẫn rất lớn, phải nhằm cân đối với sức ép từ biến động tỷ giá đang ở chiều hướng bất lợi cho nhiều hoạt động kinh tế, đặc biệt là xuất nhập khẩu – mảng bền bỉ chịu lực cho kinh tế Việt Nam trong suốt thời gian có dịch Covid-19 và cũng là mảng cần được hỗ trợ trong chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của quốc gia.

Mặc dù dự trữ ngoại hối khá dồi dào, có dư địa khá rộng để ổn định tỷ giá khi đồng nội tệ biến động mạnh. Nhưng để giữ được lãi suất và tỷ giá ở mức ổn định phần nào lợi thế cho xuất nhập khẩu Việt Nam cùng đối tác của Việt Nam trong cạnh tranh thương mại quốc tế thì quá thách thức. Các nỗ lực ở hiện tại chủ yếu làm giảm tốc và giảm bớt sức ảnh hưởng của việc tiền đồng suy yếu so với đô la Mỹ, cho nền kinh tế thêm khoảng đệm để thích ứng, chống chịu với các cú sốc bên ngoài, chứ không leo thang thành yếu tố bảo hộ – vừa ngược lũ vừa quá khả năng.

Vì vậy, công cụ điều hành mới đã kịp thời được sử dụng, và bước đầu mang lại tín hiệu lạc quan – khởi động lại việc phát hành tín phiếu với lãi suất đấu thầu. Việc hút ròng thành công gần 100.000 tỉ đồng chỉ sau những phiên giao dịch đầu tiên, không chỉ át đi sự ế ẩm thường thấy của thị trường trái phiếu ghi nhận qua nhiều sóng lãi suất trước, mà còn giúp thu hẹp lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng, giảm áp lực tỷ giá đồng thời hỗ trợ song song việc chống lạm phát. Trong vòng quay rất nhanh của vốn trên cả thị trường 1 và 2, tín phiếu và đấu thầu lãi suất là sự phối hợp phù hợp.

Cuối cùng, tốc độ phản ứng của chính sách là yếu tố quyết định. Chính sách đang đúng hướng và có sự độc lập tích cực với xu hướng tăng lãi suất ở hầu hết các quốc gia. Vì vậy, kiên trì đúng định hướng này, đến nay đã có thể xem bước đầu của thành công. Tất nhiên, không chủ quan mà cần tiếp tục cải thiện tốc độ thích ứng của chính sách theo tinh thần “policy timing is almost everything”.

Ngoài ra, dù kinh tế đang phục hồi rất tích cực trên cả nước nhưng không vì thế mà giảm sự cẩn trọng và lơi đi các biện pháp tiếp lực kịp thời. Nhìn sang nước bạn, tiêu biểu như Thái Lan, sức phục hồi còn rất yếu so với Việt Nam, để thấy thành tựu Việt Nam đã đạt được cần ưu tiên bảo toàn. Trong tầm nhìn này, ổn định lãi suất tiền vay đến hết năm nên được cân nhắc.

(*) Viện Nghiên cứu công nghệ ngân hàng IBT, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TPHCM