(KTSG Online) – Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vào sáng 20-9. Nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tại phiên họp, đại diện Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị cơ quan soạn thảo dự án luật này nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện, thủ tục chuyển đổi hợp tác xã thành doanh nghiệp.
Tại phiên họp, Bộ trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Theo ông Dũng, Luật Hợp tác xã sửa đổi sẽ bổ sung, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế.
Theo đó, dự thảo luật mở rộng đối tượng tham gia tổ chức kinh tế hợp tác là các cá nhân từ 15 tuổi trở lên, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân. Hoặc là các thành viên liên kết có góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn.
Dự thảo cũng sửa đổi, làm rõ quy định cá nhân, tổ chức có thể góp vốn bằng quyền sở hữu (đối với tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất, phương tiện vận tải hay các tài sản bằng hiện vật khác) cho tổ chức kinh tế hợp tác – theo quy định của điều lệ, quy định của pháp luật và quy định về định giá phần vốn góp.
Việc góp vốn bằng quyền hưởng dụng thì không phải chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn từ thành viên sang tổ chức kinh tế hợp tác; cho phép thành viên được phép chuyển nhượng phần vốn góp và được tổ chức kinh tế hợp tác xác nhận.
Thẩm tra dự án luật, hầu hết ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc thận trọng trong việc cho phép thành lập các Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo luật.
Bởi quy định tại dự thảo hiện nay chưa đủ rõ ràng và còn sự chồng chéo giữa chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn Hợp tác xã và hệ thống Liên minh Hợp tác xã như: đều bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; tư vấn, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ… Thêm nữa các chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn Hợp tác xã chưa bảo đảm tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp.
Phần tài sản, tài chính của hợp tác xã, ông Thanh cho biết có một số ý kiến đồng tình với quy định tại dự thảo luật. Theo đó quy định trích lập tối thiểu (5% lợi nhuận đối với hợp tác xã, 10% lợi nhuận đối với Liên hiệp Hợp tác xã và 15% lợi nhuận đối với Liên đoàn Hợp tác xã) vào quỹ chung không chia để đầu tư phát triển, dự phòng rủi ro trong sản xuất, kinh doanh và hình thành tài sản chung không chia của các hợp tác xã.
Song, cũng có một số ý kiến cho rằng tỷ lệ trích lập vào quỹ chung không chia theo quy định tại dự thảo luật đang quá thấp, hợp tác xã không đủ vốn để đầu tư, xây dựng. Do đó, cần quy định tỷ lệ trích lập tối thiểu 20% lợi nhuận đối với hợp tác xã.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan soạn thảo luật sửa đổi nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện, thủ tục chuyển đổi hợp tác xã thành doanh nghiệp. Quy định này cần thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm sự tự chủ của hợp tác xã và quyền dân chủ của các thành viên hợp tác xã trong việc quyết định tiếp tục duy trì hoạt động theo mô hình hợp tác xã hay chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Thêm nữa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, các nội dung quy định về tổ hợp tác còn mờ nhạt, chưa đủ cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định. Ông Thanh đề nghị bổ sung làm rõ điều kiện để chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã như: các điều kiện về số lượng thành viên, nguồn lực tài chính, tài sản, quy mô hoạt động; điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác giữa các thành viên tổ hợp tác…
Đại diện Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị chưa luật hóa các nội dung liên quan đến Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo luật lần này. Đề nghị nghiên cứu, đề xuất quy định phù hợp, khả thi các nội dung liên quan đến chế độ hạch toán, kế toán của hợp tác xã khi trình độ của cán bộ quản lý tại mô hình này nhìn chung còn hạn chế…