TECx: sân chơi sáng tạo – sân chơi khởi nghiệp

(KTSG Online) – Hàng chục diễn giả đã tập hợp lại trong một chuỗi hội thảo có tên khá lạ là TECx 2023 do SAVVi tổ chức tại Câu lạc bộ Bến Du thuyền Nam Sài Gòn ở Quận 7, TPHCM vào cuối tháng 6 vừa qua, và mang đến cho sân chơi này nhiều điều thú vị.

Gọi là sân chơi vì có lẽ hiếm khi ở Việt Nam có một điểm hội tụ nơi các cuộc thảo luận diễn ra nhằm kêu gọi đầu tư vào công nghệ, phim ảnh và âm nhạc, nơi âm nhạc và phim ảnh được thảo luận như là một đường dẫn cho phát triển kinh tế, và thậm chí là nơi mà nghệ thuật sáng tạo được nhìn nhận có khả năng thúc đẩy tăng trưởng trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Có ba phiên toàn thể cho các lĩnh vực công nghệ, lĩnh vực phim ảnh, và lĩnh vực âm nhạc được tổ chức, và những khán giả chọn lọc có dịp được nghe các diễn giả trình bày các góc nhìn sâu của họ trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Việt Nam có là con hổ mới?

Mở màn sự kiện là “Phiên Hội thảo Công nghệ toàn thể” (Technology Entrepreneurs plenary session) với diễn giả là những tiếng nói có ít nhiều thẩm quyền trong lĩnh vực kinh tế học, đến từ McKinsey, Đại học Fulbright, và Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ-ASEAN.

Chủ đề thảo luận của phiên này liên quan đến những câu hỏi được nhiều người quan tâm: Việt Nam có sẵn sàng cho dòng vốn tư nhân đầu tư vào mọi lĩnh vực hay không?

Các diễn giả tại Phiên Toàn thể về Công nghệ, từ trái sang: Thomas Vallely (Đại học Fulbright Việt Nam); Thanh Vu (US-ASEAN), Marco Breu (McKinsey & Company) và Huy Đỗ (SAVVi Code) – Ảnh: SAVVi Code

Theo cả ba diễn giả, Việt Nam có rất nhiều mặt thuận lợi để thu hút đầu tư: Các lợi thế kinh tế vĩ mô và địa chính trị, trong đó có việc các tập đoàn đa quốc gia tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Chính phủ thích ứng nhanh trước những thay đổi, và tính ổn định và khả năng chống chịu trước những biến động kinh tế. Ngoài ra còn có các lợi thế trong nước như giới trẻ ngày càng thành thạo công nghệ, và chi phí lao động hợp lý.

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều vấn đề Việt Nam phải đối mặt khiến cho nền kinh tế gặp chướng ngại trong việc đạt đến vị thế Con hổ mới châu Á. Các diễn giả chỉ ra các vấn đề nổi cộm, bao gồm hạ tầng chưa phát triển tốt, các địa phương cạnh tranh với nhau trong việc thu hút vốn FDI thay vì tập trung vào các ngành lợi thế của mình, và tình hình lao động nhập cư từ nông thôn lên thành thị.

Cả ba diễn giả đồng ý rằng có nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế có thể hưởng lợi từ dòng vốn của các quỹ đầu tư tư nhân, và tin tưởng mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như khả năng đất nước vượt qua các thách thức để thực sự trở thành một thế lực kinh tế toàn cầu.

“Lĩnh vực công nghệ của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ và sẽ dẫn đầu Đông Nam Á trong những năm sắp tới”, ông Huy Đỗ, người sáng lập và là Chủ tịch SAVVi Code toàn cầu đồng thời là người chủ trì phiên thảo luận công nghệ, phát biểu. “Với sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà đầu tư mạo hiểm và các quỹ đầu tư tư nhân, lĩnh vực công nghệ của Việt Nam sẽ sớm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo”, ông nói.

 Điện ảnh Việt Nam sẽ trở thành “Gà đẻ trứng vàng”

Nhưng đề tài thú vị hơn tại sự kiện TECx có lẽ lại là câu chuyện vai trò của điện ảnh trong phát triển kinh tế. Ba trong số các đạo diễn phim thành công nhất của Việt Nam trong vai trò diễn giả đã cùng thảo luận về chất lượng ngày càng cao của phim ảnh Việt.

Có lẽ nhiều độc giả đã từng “choáng” với doanh thu “khủng” của một vài bộ phim nổi đình nổi đám trong năm 2003, như bộ phim “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành với doanh thu 475 tỉ đồng sau 11 tuần công chiếu, hay bộ phim “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” của Lý Hải với doanh thu hơn 270 tỉ đồng chỉ sau hai tháng ra rạp tính từ ngày 28-4.

Tuy nhiên, câu chuyện ở đây không chỉ là doanh thu trăm tỉ của các bộ phim, mà là việc phim ảnh sẽ giúp tăng tốc phát triển của nền kinh tế như thế nào.

Tại hội thảo này, SAVVi đã chủ ý thiết kế các sự kiện nhằm tập hợp những bộ óc sáng tạo từ các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc và công nghệ, và các diễn giả đã cùng thảo luận việc khuyến khích đầu tư tư nhân vào ba lĩnh vực nói trên nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Phiên thảo luận của các đạo diễn phim, với chủ đề Biến phim ảnh Việt Nam thành gà đẻ trứng vàng, đã xoáy sâu vào mục tiêu này bằng cách nhấn mạnh đến tiềm năng to lớn của điện ảnh Việt Nam, biến nó thành con bò sữa cho nền kinh tế và kích thích sự tăng trưởng của những lĩnh vực kinh tế khác.

Các đạo diễn Charlie Nguyen, Võ Thanh Hòa, và Lý Minh Thắng đã cùng điểm lại tiến bộ của điện ảnh Việt Nam thông qua việc áp dụng các kỹ năng, phương pháp đạo diễn quốc tế phổ biến.

Phiên thảo luận đã khẳng định một nền công nghiệp điện ảnh phát triển và thành công sẽ dẫn đến một nền kinh tế phát triển toàn diện qua việc hỗ trợ cho ngành du lịch và thúc đẩy gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm Việt Nam, như đã được minh chứng tại một số nền kinh tế.

Hiện tượng này có thể thấy rất rõ tại Hàn Quốc, nơi sự thành công của các ngành công nghiệp điện ảnh và âm nhạc đã hỗ trợ cho nền kinh tế nhảy vọt.

Cả ba đạo diễn giải thích rằng cho dù phương pháp đạo diễn đóng vai trò lớn trong sự thành công của một bộ phim, thì vai trò của người viết kịch bản hay biên tập phim cũng là rất quan trọng, và toàn bộ ngành công nghiệp này cần kiên trì cộng tác với nhau để có thể đảm bảo sự thành công như tại một số nước khác.

Các đạo diễn phim Việt Nam thảo luận về hiện trạng của ngành công nghiệp điện ảnh  – Ảnh: SAVVi Code

Để điện ảnh Việt Nam có thể thành công về mặt tài chính, theo các diễn giả, cần phải tăng cường đào tạo thực tế và học hỏi từ những bộ phim thành công và kỹ thuật đạo diễn trong các bộ phim đó trong nhiều năm. Chỉ như thế điện ảnh Việt Nam mới có thể mang về hàng tỉ đô-la hàng năm từ khắp nơi trên thế giới, và thúc đẩy sự phát triển của những ngành công nghiệp khác trong nền kinh tế, và đó chính là mục tiêu cuối cùng.

Các diễn giả hy vọng rằng khi Hội thảo TECx 2024 diễn ra, hiện tượng gà đẻ trứng vàng trong điện ảnh sẽ trở nên rõ ràng hơn, và hội thảo có thể đề cao xu hướng này nhằm kêu gọi đầu tư lớn từ các cá nhân và tổ chức nước ngoài vào điện ảnh Việt Nam.

Đạo diễn Christian Lee, đồng chủ trì phiên thảo luận, tỏ ra lạc quan: “Tôi không thấy có lý do gì điện ảnh Việt Nam lại không thể thu hút đáng kể nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước trong một tương lai rất gần, và trực tiếp hay gián tiếp giúp cho nền kinh tế tăng trưởng.”

Và âm nhạc

Câu chuyện thành công của điện ảnh Hàn Quốc cũng ít nhiều được tái hiện trong lĩnh vực âm nhạc của nước này.

Hẳn những ngày qua, nhiều người đã lên cơn sốt với việc nhóm nhạc Blackpink đến Hà Nội để trình diễn trong hai ngày 29 và 30-7-2023. Hai đêm nhạc này là một phần của chuyến lưu diễn Born Pink, khởi động từ cuối năm ngoái và hiện đã thu về hơn 160 triệu đô-la Mỹ.

Và, không có lý do gì để không đặt niềm tin vào sự phát triển của ngành âm nhạc Việt Nam, như được các diễn giả trình bày tại phiên thảo luận ngày 23-6. Tại các phiên thảo luận, bên cạnh những diễn giả chuyên nghiệp điều hành nội dung còn có ba diễn giả đại diện cho ba thế hệ nhạc sĩ, từ năm 1940 đến nay, gồm Nhạc sĩ Dương Thụ, Nhạc sĩ Huy Tuấn, và Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong.

Nhạc sĩ Dương Thụ, một cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam, đã trình bày tóm tắt về lịch sử phát triển, từ Tân nhạc những năm 1930 cho đến nhạc Tiền chiến và cả các giai đoạn phát triển sau này.

Ba thế hệ nhạc sĩ trao đổi về nền âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Dương thụ ngồi bìa bên phải – Ảnh: SAVVi Code

Nhạc sĩ và là nhà sản xuất âm nhạc Huy Tuấn, trong khi đó, đại diện cho một thế hệ các nghệ sĩ trẻ Việt Nam được đào tạo chính quy tại Viện âm nhạc Tchaikovski. Cùng với nhạc sĩ Anh Quân , Huy Tuấn đã lập nên ban nhạc Anh Em vào năm 1993 tại Đức, và sau đó trở thành ê-kíp cộng tác của ca sĩ Mỹ Linh kể từ năm 1998 khi cô ra mắt album Tóc ngắn, một cú đột phá cho thị trường âm nhạc Việt Nam vào cuối thập kỷ 1990.

Trong khi đó, Nguyễn Hải Phong là nhà sản xuất với nhiều video âm nhạc nổi tiếng với hàng trăm ngàn lượt view trên YouTube, qua việc anh theo đuổi những thay đổi về hình thái, nội dung và cách thể hiện âm nhạc.

Esther Nguyen, giám đốc POPS là nền tảng hàng đầu dành cho âm nhạc Việt Nam, tại Phiên thảo luận âm nhạc, đã đánh giá cao nỗ lực của nhiều nhạc sĩ trong việc nâng cao chất lượng sản xuất âm nhạc ở Việt Nam. Nhưng Esther Nguyen nhấn mạnh rằng Việt Nam cần xây dựng hạ tầng âm nhạc, chẳng hạn các sân khấu hòa nhạc tầm quốc tế, để thu hút các nghệ sĩ biểu diễn nước ngoài.

Cũng tại phiên thảo luận, tài năng trẻ Lê Huy và ban nhạc Ryo của anh đã trình diễn hệ thống thu âm tại gia. Chỉ cần một máy tính xách tay và vài thiết bị nhỏ, Lê Huy đã tạo ra một hệ thống thu âm tại gia không thua kém mấy so với một studio chuyên nghiệp. Anh trình diễn và thu âm ngay trên sân khấu, và kết quả là âm thanh rõ ràng, mượt mà và không bị nhiễu tiếng ồn.

Hội thảo cũng nêu ra một số mô hình kinh doanh cho âm nhạc, ở nhiều định dạng, dạng thức và thông qua các hình thức trên không gian ảo metaverse.

Lê Huy (RYO Band) trình diễn hệ thống thu âm gia đình trên sân khấu – Ảnh: SAVVi Code

Như đã nói, TECx 2023 là sự kiện đầu tiên ở Việt Nam thảo luận về việc thu hút quỹ đầu tư tư nhân tham gia vào cả ba lĩnh vực công nghệ, điện ảnh và âm nhạc. Hội thảo này đã thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Nhiều khán giả đã đề nghị tiếp tục tổ chức TECx vào năm tới, và ban tổ chức cũng đã cam kết biến TECx 2024 thành một chương trình trình diễn tài năng Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ, điện ảnh và âm nhạc.

Với chuỗi hội thảo TECx 2023 vừa diễn ra và TECx 2024 vào năm tới, có thể kỳ vọng về việc có thêm một sân chơi sáng tạo được mở ra cho các nhà đầu tư. Đầu tư vào công nghệ là một quá trình đang diễn ra tại Việt Nam trong nhiều năm qua với nhiều thành quả nhất định, nhưng công nghệ gắn liền với điện ảnh và âm nhạc được kỳ vọng là dư địa mới cho nền kinh tế, là sân chơi mới đầy tiềm năng, cho dù chúng chưa từng được xem là “kinh tế mũi nhọn” trong các kế hoạch hay chiến lược phát triển của đất nước.

SAVVi Code là một mạng lưới tập hợp các nhà chuyên môn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà sáng lập trong cộng đồng công nghệ và khởi nghiệp. SAVVi Code đã tổ chức các hội nghị tại Hoa Kỳ (Thung lũng Silicon, Nam California, và Texas), Pháp và TPHCM.

Năm 2001, một nhóm các nhà chuyên môn Việt kiều tại Mỹ ở Thung lũng Silicon đã thành lập mạng lưới gồm các doanh nhân công nghệ, với tên gọi Mạng lưới Thung lũng Silicon Việt Nam (Vietnamese Silicon Valley Network), trước khi đổi tên thành Vietnamese Strategic Ventures Network vào năm 2005 nhằm thúc đẩy đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam, và cuối cùng, năm 2010, đổi tên thành Strategic Alliance Vietnamese Ventures International – SAVVi.

Sự kiện nổi bật của SAVVi là TECx, là sự kiện đa ngành kết hợp giữa công nghệ với phim ảnh và âm nhạc. Một sự kiện tương tự đã được tổ chức vào năm 2012 tại Việt Nam, cũng nhằm kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ, điện ảnh và âm nhạc.

TECx là sự kiện nổi bật, là nơi hội tụ công nghệ và nghệ thuật. Những tiến bộ nổi bật trong các lĩnh vực Công nghệ tài chính, Thực tế ảo/Thực tế tăng cường, Web3, Geoverse, Blockchain, Công nghệ sinh học, Công nghệ sạch, Robotics… đang tạo ra cuộc cách mạng trong cuộc sống. TECx 2023, là hội thảo TECx lần thứ 8, đã nhấn mạnh các công nghệ này cũng như tác động của chúng đối với nghệ thuật sáng tạo, và đặt ra câu hỏi liệu đầu tư tư nhân có giúp tăng tốc cuộc cách mạng này hay không.