(KTSG Online) – Điều gì khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất mỗi lần Tết đến? Đối với người viết, đó là sự khoan khoái khi trong lòng cất được nỗi lo kẹt xe dù chỉ vài ngày.
Để diễn tả tâm trạng vui quá xá là vui, vui hết cỡ, thành ngữ tiếng Anh có câu “as merry as the day is long”. Theo một website chuyên giải thích các thành ngữ, tục ngữ, cụm từ tiếng Anh(1), thành ngữ này bắt nguồn từ hài kịch “Much Ado About Nothing” (tạm dịch sang tiếng Việt là “Chuyện không có gì mà ầm ĩ”) do nhà soạn kịch người Anh William Shakespeare (1564 – 1616) sáng tác năm 1599. Hai thành ngữ tương đương là “as merry as a cricket” và “as merry as a grig”. Cả “cricket” và “grig” đều liên quan đến từ “dế mèn” trong tiếng Việt. Có lẽ theo người Anh, dế mèn rất vui vì nó có thể “ca hát” suốt ngày.
Tiếng Việt cũng có thành ngữ tương đương so sánh niềm vui có được với kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm đã đến với chúng ta: “vui như Tết”. Tết vui thiệt. Nhưng đó thường là cảm giác của bọn trẻ. Đối với nhiều người, càng có tuổi, Tết càng kém vui. Cũng đúng thôi, càng đúng với người già, vì thêm một cái Tết nghĩa là mất đi một năm tồn tại trên dương gian này.
Nhưng nghĩ như vậy thì có vẻ yếm thế quá. Có người bảo cuộc sống không phải chỉ để tồn tại trên thế gian mà quan trọng hơn là sống sao cho đáng sống. Nhưng thế nào là đáng sống? Câu trả lời phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người bởi lẽ từng người có mối quan tâm khác nhau. Tương tự, Tết sẽ mãi vui nếu chúng ta biết chọn niềm vui riêng cho mình khi Tết đến, dù có bao nhiêu tuổi đi chăng nữa.
Người viết bài này xin chọn niềm vui Tết bằng chuyện tránh kẹt xe trong mấy ngày đầu xuân. Dù “niềm vui ngắn chẳng tày gang” (thành phố này chỉ không kẹt xe trong mấy ngày trước mùng một Tết và vài ngày đầu năm) vẫn đủ để tự an ủi rằng cả năm cũng có vài dịp thở phào nhẹ nhõm vì tạm thoát được vấn nạn giao thông thường xuyên hỗn loạn.
Phải chấp nhận một thực tế khá phũ phàng là kẹt xe đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”. Về “tầm nhìn trung hạn”, nghĩa là vài chục năm tới, chúng ta khó lòng tránh khỏi lời nguyền “kẹt xe” mặc cho bao nhiêu giải pháp được đề ra. Do đó, một cách thực tế hơn là chấp nhận vấn nạn này để sống chung hiệu quả hơn với nó.
Có điều, theo người viết, trong rất nhiều trường hợp, người Sài Gòn có thể tránh được kẹt xe, hay chí ít, nạn kẹt xe hay ùn tắc không trầm trọng đến vậy – chỉ cần họ không giành hết đường cho mình hay nghĩ rằng “đường ta, ta cứ đi” bất chấp phải trái.
Vài ngày trước đây, dưới chân cầu nối quận 4 với quận 7, xe cộ chen chúc nối đuôi nhau, nhích lên từng tấc một. Kẹt xe rồi, nhưng không rõ vì sao. Thì ra, trên đường đang xảy ra cự cãi dữ dội không ai nhường ai giữa một bên là anh đi xe gắn máy với bên kia là anh lái xe hơi. Người viết không rõ cớ sự gây ra chuyện cãi nhau, nhưng xe gắn máy đang đậu chặn đầu xe hơi và cả hai tạo thành một cái nút thắt ngăn cản lưu thông của cả dòng xe nối đuôi từ cầu xuống đường. Anh xe gắn máy lớn tiếng thách thức anh xe hơi dám đụng mình lần nữa, cho rằng anh xe hơi sai vì đang đi trong làn xe gần lề đường thường dành cho xe gắn máy. Cả hai “kiên quyết” không nhường bước, mặc cho mọi người khác đang kẹt cứng giữa dòng xe. Chưa biết ai đúng ai sai, nhưng rõ ràng là sự cố giữa hai bên đang ảnh hưởng đến quyền lưu thông đã được luật định của nhiều người khác.
Chứng kiến việc này, người viết cảm thấy cũng xấu hổ bởi lẽ sao người mình không đối xử với nhau tử tế hơn. Vì sao các “con Rồng, cháu Tiên” chúng ta không “giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình” thay cho tranh cãi, chửi mắng nhau rồi có khi dẫn đến sử dụng nắm đấm. Rõ ràng đã sai mười mươi, thế mà “con cháu Lạc Long Quân, Âu Cơ” lại không nhận lỗi mà còn muốn “dạy cho người khác một bài học” về sự “biết điều”!
Theo người viết, nạn kẹt xe một phần nào đó ngày càng trầm trọng xuất phát từ thái độ ích kỷ chỉ biết mình của một số không nhỏ người Việt. “Văn hóa ích kỷ” này được mang từ những cách hành xử chưa đẹp khác trong cuộc sống vào giao thông. Đèn chưa xanh đã đi, đèn đã đỏ vẫn chạy, chạy ngược chiều với tốc độ đường cao tốc, chạy xe trên lề vẫn bấm còi buộc người đi bộ phải nhường đường, v.v…
Đỉnh điểm sự ích kỷ đó tạo nên kẹt xe khi người ta vượt lên trên tất cả mọi luật lệ để giành đường đi cho mình bất chấp chuyện mình đi gây thiệt hại cho bao nhiêu người khác và rộng hơn là toàn xã hội. Một ví dụ là chuyện đậu xe trong lòng đường. Bao nhiêu lần người ta chứng kiến chỉ một chiếc xe hơi, nhiều khi là xe tải, đậu trên lòng đường gây cản trở lưu thông như thế nào. Mà kinh khủng nhất, theo người viết, là thái độ thản nhiên của người lái xe ngồi ngay trong chiếc xe của mình bàng quan nhìn bao nhiêu đồng bào chen chúc, khổ sở vượt qua “eo biển hẹp” của dòng chảy lưu thông tắc nghẽn do chính mình tạo ra. Trời ạ, vì sao “đồng bào mình” lại có thể thản nhiên như thể đang ở một thế giới khác, hay nói như ngôn ngữ bóng đá là “người ngoài hành tinh”, trước cảnh kẹt cứng trước mắt – không chỉ trong vài giây hay vài phút mà có khi đến hàng giờ đồng hồ!
Tết là dịp tha thứ mọi lỗi lầm, xóa bài làm lại, cũng là dịp nhìn lại mình để sửa chữa những điều chưa tốt. Mong rằng từng người chúng ta sẽ xem lại cách ứng xử trong giao thông để giảm bớt nạn kẹt xe không đáng có. Như vậy, đối với tất cả chúng ta khi phải đi trên đường, ngày nào cũng như Tết – sướng như tiên.
—————
(1)https://www.phrases.org.uk/meanings/42700.html