(KTSG) – Dù muốn dù không thì Tết cũng đến. Tết như một quãng nghỉ, một khoảng dừng để cân bằng giữa cuộc sống bề bộn, ngổn ngang.
“Về nhà”, “về Tết”, “Tết đoàn viên” là những thông điệp cứ đến hẹn lại lên. Đó cũng là đề tài được nhắc nhiều, từ quảng cáo cho đến âm nhạc giải trí, từ truyền thông báo chí cho đến câu chuyện trên bàn cà phê. Năm nay cũng vậy, những ngày giáp Tết, từ tàu xe cho đến hàng không đều cháy vé.
Hẳn rằng Tết vẫn luôn đi cùng với tâm thức trở về. Về, để thiết lập lại những mối dây yêu thương trong gia đình, nhưng cũng là dịp để đối thoại với chính mình sau một năm trải cuộc sống nhiều biến động.
1. Bức tranh thế giới một năm qua đầy những chuyển biến khó lường, rất khác với những hy vọng của các nhà nhân văn chủ nghĩa trong các đợt sóng đại dịch Covid-19. Chiến tranh xảy ra ở cửa ngõ châu Âu làm sụp đổ những thành trì lý tưởng về một nhân loại hòa bình, chấm dứt súng đạn. Toàn cầu hóa bây giờ trở thành một thứ hiệu ứng cánh bướm khiến hệ lụy của chiến tranh lan tỏa mạnh hơn, khốc liệt hơn vào mọi ngõ ngách đời sống của các quốc gia. Đôi vợ chồng nghèo ở vùng thôn quê của Việt Nam có thể không xem báo đài để biết chi tiết cuộc chiến khốc liệt ở Ukraine, nhưng sự tàn phá từ cuộc chiến đã đi vào từng bữa cơm cũng như cơ hội mưu sinh của họ lẫn hy vọng đổi đời của con cái họ.
Lượng đơn hàng trên toàn cầu bị sụt giảm bất ngờ vào thời điểm cuối năm. Báo chí đưa tin về những cuộc chia tay của công nhân khi các công ty cắt giảm lao động. Lạm phát, khủng hoảng do chiến tranh và khủng hoảng sau đại dịch khiến mức chi tiêu sụt giảm ở các thị trường phát triển, kéo theo hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, và người lao động ở những quốc-gia-công-xưởng bị mất việc là chuyện dễ thấy.
Nhìn bức tranh đời sống những tháng cuối năm, điều dễ thấy nhất là những đại án tham nhũng và kinh tế, một mặt được xem là cuộc đại phẫu những khối u ác tính đang cần phác đồ điều trị dứt khoát và trúng đích, nhưng mặt khác phải thừa nhận rằng “sự lung lay” đó đã ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người. Sự chao đảo, suy thoái từ các công ty, tập đoàn kinh tế lớn kéo theo những chuỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa trong mối quan hệ lệ thuộc. Và dĩ nhiên, hàng hàng lớp lớp người lao động bị mất sự ổn định trong công việc.
Cuộc khủng hoảng năng lượng, nhiên liệu trên thế giới tạo thêm thử thách không nhỏ lên hệ thống chính sách điều tiết kinh tế của nhiều nước. Với người dân, việc xếp hàng dài chờ đổ xăng là điều thật khó hình dung thì cũng đã diễn ra. Những bình xăng rỗng cần được đổ đầy để đời sống được dịch chuyển. Cái cảnh những hàng xe rồng rắn chờ nhiên liệu gợi lại hình ảnh về những hàng dài người chờ mua lương thực và đồ dùng thiết yếu trong đại dịch. Cuộc sống con người trải những bài học căn bản của thiết yếu tồn tại lẫn thiết yếu di chuyển.
2. Trong năm qua, cú tăng tốc quá “mát ga” của thị trường đất đai và cú hãm phanh của chính sách điều tiết bất động sản làm cho nhiều người từng giàu lên sau một đêm hồi đầu năm, thì đến cuối năm phải sa vào nợ nần, thậm chí phá sản. Bên cạnh đó, cuộc biến động mạnh của thị trường tiền ảo và sự giật lùi của thị trường chứng khoán cũng khiến cho nhiều người phải mất ngủ vào thời điểm cuối năm cũ – đầu năm mới…
Đại dịch nén những dục năng của con người ở mức tối đa rồi sau đó giải nén tức thời khiến tâm lý nhiều người bị đặt vào biên độ dao động quá lớn, ngoài sức kiểm soát. Thêm các cú sốc kinh tế liên tục xảy ra trong một thời gian ngắn như sự thử thách tinh thần và giá trị sống của mỗi người, từ người làm công ăn lương đến chủ doanh nghiệp, từ người làm nghề tự do đến nhân viên văn phòng toàn thời gian.
Có thể hình dung trong dòng người về quê ăn Tết năm nay, có những người vừa ngưng công việc, mang theo nỗi lo lắng lẫn sự hy vọng về cơ hội công việc mới sau Tết. Cũng có người cần thời gian tĩnh tại để suy nghĩ nhiều hơn về những lựa chọn công việc, sự nghiệp và cả giá trị sống, trong một đời sống mà tính bất định ngày càng được cảm nhận rõ ràng.
3. Thời tiết cuối năm gửi những thông điệp lạ lùng. Dãy Alps năm nay mùa đông vắng tuyết đến mức người ta phải tạo một con đường băng tuyết nhân tạo để du khách có thể chơi môn thể thao trượt ván. Trong khi đó, ở một số bang của Mỹ, bão tuyết gây thiệt hại nặng nề. Miền Trung Việt Nam thì có mưa lớn vào mùa xuân, còn Sài Gòn lại có không khí giá lạnh bất thường vào cuối đông… Và chúng ta phải sống chung, không cách nào khác, phải thích ứng với sự bất thường của thời tiết tự nhiên lẫn kinh tế và văn hóa. Câu cửa miệng “phải có năng lực thích nghi để tồn tại trong kỷ nguyên toàn cầu” không chỉ hướng con người đến những thay đổi mang tính hội nhập mà giờ đây là còn với năng lực nhận thức và sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng chuyển mình trong các hoàn cảnh bất định và rủi ro.
Một cái Tết sau quãng xáo trộn sẽ có ý nghĩa như đoạn quy hồi cần thiết trong đời sống, để sau đó là những quyết định, thậm chí là những ngã rẽ quan trọng cho cuộc sống. Nếu ai đó có cái Tết sum họp gia đình thì đó là sự may mắn để tình thân tiếp thêm sức mạnh cho cuộc vượt qua những đổi thay phía trước của họ. Còn với những ai đang trôi nổi thì cũng có dịp ngồi yên nhìn một cái Tết đi qua, tận hưởng thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng.
Tết cũng là dịp để những ký ức đẹp thời thiếu thốn ngặt nghèo sống lại. Và khi những câu chuyện Tết nghèo nhưng đầy ân tình trong quá khứ vẫn còn được nhắc nhớ thì những khó khăn của hôm nay vẫn còn được xoa dịu, được an ủi để con người tiếp tục hy vọng về những ngày mới với cái nhìn tươi sáng hơn.
Và điều cần nhất của Tết nay có lẽ là một tinh thần tiết chế và thanh đạm để tìm đến sự từ tốn, điềm tĩnh – vốn là những điều kiện tiên quyết để hồi phục tinh thần, trước khi bước vào chu kỳ mới trong dòng chảy bất tận của thời gian.