Kinh doanh Nội thất Online hiện nay đang là xu hướng mới của ngành nội thất Việt. Nếu các doanh nghiệp không muốn bị bỏ lại so với các đối thủ thì việc đưa sản phẩm nội thất lên sàn Thương mại điện tử là điều bắt buộc. So với các khó khăn khi kinh doanh nội thất theo cách truyền thống thì thách thức cho ngành nội thất Việt khi kinh doanh online cũng không hề nhỏ.
1. Lòng tin – niềm trăn trở của Thương mại điện tử Việt Nam
“Niềm tin” vẫn là yếu tố xa xỉ đối với hoạt động mua bán trực tuyến cho đến thời điểm hiện nay, đặc biệt là các mặt hàng có giá trị lớn, khó vận chuyển và khó gửi mẫu như ngành nội thất. Để doanh nghiệp thực sự bứt tốc trên nền tảng Thương mại điện tử thì điều kiện tiên quyết là phải tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng.
Theo bà Lê Thị Hà, Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương): “Sản phẩm kém chất lượng, không đúng so với những gì đã được quảng cáo vẫn là trở ngại lớn nhất khi người tiêu dùng quyết định mua sắm trực tuyến. Với 73% người tiêu dùng quan tâm đến TMĐT khi được hỏi, chỉ có 61% cho rằng họ gặp trở ngại về giá, trong khi vẫn có tới 45% người tiêu dùng quan ngại về dịch vụ vận chuyển và giao nhận” bà Hà chỉ rõ.
2. Khó khăn về vấn đề vận chuyển
Thiếu container, phí vận chuyển hàng hóa tăng phi mã
Các mặt hàng nội thất vận chuyển chủ yếu bằng đường biển. Nhưng gần đây, tình trạng container đang bị thiếu hụt lại diễn ra ở những nơi cần thiết nhất. Sự thiếu hụt các container vận chuyển là một triệu chứng khác do sự tàn phá của đại dịch đã gây ra cho các chuỗi cung ứng quốc tế.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, từ những tháng cuối năm 2020 đến nay đã xảy ra hiện tượng giá cước tàu biển cũng như cước thuê container đã tăng cao một cách bất thường. Điều này một phần từ việc các cảng trọng điểm khu vực châu Âu và Hoa Kỳ, Bắc Mỹ do tác động của dịch Covid-19 nên năng lực bóc gỡ cũng như xử lý hàng hóa bị suy giảm. Điều này dẫn đến ùn tắc ở các cảng, khiến các tàu container không thể thông quan ở các cảng đó, gây thiếu hụt container trong nước và giá cước tăng cao.
Bên cạnh đó, đội tàu của Việt Nam còn nhỏ bé, công suất nhỏ, không đủ sức để vượt đại dương nên việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đến các thị trường xa xôi như châu Âu, châu Mỹ… phải phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài.
Do đó, chi phí vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng. Đơn cử, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc điều hành của Furnist cho biết, nếu như trước dịch bệnh Covid-19, giá cước vận chuyển một lô hàng từ Việt Nam đến cảng Hamburg của Đức chỉ khoảng 3.000 USD thì nay tăng thêm khoảng 5.000 USD, tức tăng tương đương 60%. Một số doanh nghiệp Việt Nam bán theo hình thức FOB nên đối tác của doanh nghiệp này rất ngại chuyện đặt các đơn hàng mới, do giá vận chuyển đã bằng giá hàng. Đây cũng là một thách thức không nhỏ, ảnh hưởng đến số lượng đơn hàng của doanh nghiệp cũng như lợi nhuận của các đơn hàng có nguy cơ giảm.
Vấn đề trong quá trình vận chuyển
Nội thất là những mặt hàng tương đối cồng kềnh và có nhiều chi tiết cần lắp ráp lại với nhau. Khó khăn hơn là những món đồ nội thất cố định sẵn, không qua quá trình lắp ráp, những món đồ này lại cồng kềnh hơn, chiếm nhiều không gian nên cần những thiết bị vận chuyển cỡ lớn và độ rủi ro hư hỏng cao.
Hãy tưởng tượng nếu là một chiếc điện thoại giá 15 triệu thì cái hộp của nó chỉ như cục gạch, đóng hộp gọn gàng với nhiều lớp bảo vệ an toàn, giao hàng bằng xe máy hay chuyển phát nhanh đều dễ và rẻ. Nhưng một bộ ghế sofa giá 15 triệu thì bạn mất cả một chuyến xe ô tô cùng 2 nhân viên đi cùng để bê vác và lắp đặt, không cẩn thận là xây xước hư hỏng.
3. Khó khăn trong quản lý kho bãi
Diện tích
Kho bãi tất yếu là không thể thiếu trong kinh doanh nội thất vì nội thất là những món đồ có giá trị không hề nhỏ và có kích thước đáng kể. Vì vậy, tìm kiếm một kho bãi đạt tiêu chuẩn, có diện tích đủ lớn để chứa đa dạng mẫu và số lượng lớn cho khách hàng là vô cùng khó khăn.
Thực trạng kho bãi ở Việt Nam hiện nay gặp tình trạng thiếu trầm trọng. Lý do chính là các khu đất công nghiệp hiện nay vẫn ở với mức cho thuê khá cao bởi nhu cầu thuê hiện nay vẫn tăng mạnh. Theo đó, các quỹ đất cho thuê tại các khu công nghiệp càng khan hiếm hơn.
Quản lý tồn kho
Nội thất là món hàng mang tính thẩm mỹ và thay đổi theo xu hướng từng thời điểm. Nếu bạn không tính toán được hàng tồn kho chính xác, bạn vừa mất đi một khoản chi phí lưu kho đáng kể, lại vừa để món hàng quá lâu, khó thu hồi lại vốn.
Rủi ro về hàng tồn kho hay hàng trưng bày có ở nhiều ngành kinh doanh, nhưng với ngành nội thất thì là một vấn đề rất đáng lưu tâm. Để có giá thành tốt thì phải sản xuất nhiều (hoặc đặt hàng đối tác số lượng nhiều), để cửa hàng phong phú và hấp dẫn khách mua thì cũng phải có nhiều mẫu trưng bày sẵn… Tuy nhiên, hàng nội thất nhanh lỗi mốt, dễ bắt chước mẫu, cồng kềnh tốn diện tích và lại có giá trị cao… Bởi vậy nếu tồn kho nhiều thì sẽ đọng vốn, phải bán giá rẻ để thu hồi vốn, ăn mòn vào lợi nhuận. Những đơn vị kinh doanh nội thất kinh nghiệm thường liên tục đảo hàng để giảm tồn kho lỗi mốt.
Để tìm hiểu rõ hơn về thị trường nội thất trên thế giới, mời quý doanh nghiệp tìm hiểu thêm: BÁO CÁO TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG NỘI THẤT