(KTSG) – Sau dịch, nhịp sống trở lại bình thường, làn sóng du lịch quay trở lại với vùng Tây Bắc. Tôi có dịp quay trở lại theo lời mời của một doanh nhân. Trong chuyến đi này tình cờ có một số bạn trẻ ở Hà Nội và các tỉnh dưới xuôi có mặt trong đoàn ghép. Tôi đồ rằng các bạn là học sinh, sinh viên, công chức đi du lịch. Ai cũng tràn đầy sức sống, ăn mặc đẹp, đầu tóc nhuộm xanh đỏ rất vui mắt. Nhưng…
Khi đến vùng của đồng bào Mông, đoàn được thăm thú nhiều nơi, trong số đó có một cánh rừng cổ thụ nguyên sinh cực kỳ đẹp, với vẻ huyền bí và nhiều chim muông. Các bạn trẻ xin được vào chơi, cắm trại cả ngày ở đó, nhưng ông chủ bản từ chối vì việc vào rừng với nhiều dân tộc vùng cao phải theo luật tục của bà con.
Người dân tộc Mông thường sống trên triền núi cao, do vậy, từ ngàn đời nay, bà con dựa vào núi rừng để sinh sống, rừng ban cho họ gỗ để dựng nhà, hoa trái để ăn và khí hậu trong lành. Vì thế, người Mông quan niệm rằng, mỗi khu rừng đều có thần cai quản, vào rừng muốn chặt cây gỗ lớn thì phải xin phép thần, hàng năm phải trồng thêm cây non vào mỗi mùa xuân để rừng luôn xanh tốt.
Để tạ ơn thần rừng, năm nào đồng bào Mông cũng tổ chức lễ cúng ngay tại cửa rừng thiêng. Nghi lễ cúng rừng của đồng bào Mông ở Tây Bắc không chỉ có ý nghĩa tạ ơn thần rừng đã cai quản rừng xanh giúp con người, mà còn là một hoạt động văn hóa tâm linh mang đậm bản sắc. Người chịu trách nhiệm chính trong lễ cúng rừng là thầy cúng. Thầy cúng phải là bậc cao niên và am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán của địa phương, được dân làng kính trọng.
Đối với đồng bào Mông ở Tây Bắc, nghi lễ cúng rừng chính là nghi lễ lớn nhất và quan trọng nhất trong năm. Nghi lễ thiêng liêng này đã thể hiện ý thức tôn trọng, bảo vệ rừng, lòng biết ơn của đồng bào nơi đây với trời đất. Lễ cúng rừng được tổ chức và duy trì từ đời này sang đời khác cầu mong những cánh rừng mãi xanh ngát, mãi là địa bàn sống tốt đẹp của con người.
Rừng nguyên sinh được bảo tồn là do đồng bào dân tộc rất kính trọng, thậm chí nói cho đúng là sợ hãi các “thần rừng, ma rừng”, chính nỗi sợ hãi này đảm bảo cho an ninh cộng đồng, bảo đảm cho đời sống dân cư yên lành. Một ngày nào đó nếu có người đến nói rằng làm gì có thần linh thì hệ quả sau đó sẽ thật là tai hại, rừng sẽ hết và như thế những “điều thiêng cũng hết”.
Coi rừng là vùng “đất thiêng” là một truyền thống tốt đẹp không chỉ của người Mông mà còn cả những dân tộc khác. Chẳng hạn như người Thái từ xa xưa đã quan niệm rừng có “ma rừng”, và cũng là nơi mà tổ tiên của họ ngụ nên trong mỗi bản làng thường có những chỗ được chọn làm rừng thiêng, những khu rừng này hầu như không được phép khai thác và họ có câu răn rằng: “Giữ rừng cho con người sinh sôi/Giữ rừng để cho mó nước không ngừng chảy/Ai biết điều ấy thì mới nên người”.
Còn người dân tộc Hà Nhì đen thì cho rằng con người khi chết hồn vía của họ đều tìm đến các cây rừng để trú ngụ nên trong các khu vực người Hà Nhì đen sinh sống có những khu rừng hầu như dân không được vào đó, trừ dịp bản làng làm lễ cúng tế.
Với người Dao, không có quan niệm rừng là nơi trú ngụ của tổ tiên, nhưng với họ thần rừng và ma rừng là đấng linh thiêng có khả năng ban phát cho con người mọi thứ, nhưng rừng cũng đầy huyền bí, có thể gây trở ngại cho con người. Vì thế, người Dao mỗi khi phát nương họ không bao giờ phát hết lên tận đỉnh núi, họ để lại cây trên đỉnh núi nhằm giữ độ ẩm cho cây trồng ở bên dưới, nhưng mặt khác họ có quan niệm mỗi đỉnh núi đều có những ma rừng cai quản, do đó khi làm nương phải chừa những chỗ cao nhất không được phát vì đấy là chỗ của ma rừng. Còn người Mường thì dành những rừng “động” cho ma đồi và nơi đó cũng không được canh tác, chặt phá. Tất cả mọi người của các dân tộc khác nhau đều phải tôn trọng rừng núi và thực hành các quy ước cộng đồng. Do vậy người lạ không được tự ý vào rừng.
Điều đáng buồn là khách du lịch hay buông lời nặng nhẹ nói rằng chuyện thần rừng, thần cây đa, thần sông là chuyện nhảm nhí, phản khoa học, bà con không nên tin mà phải đả phá. Hơn nữa, nhiều bạn trẻ còn chế giễu các thầy cúng là cổ hủ, lạc hậu. Thái độ và cách hành xử như thế khiến cho người dân địa phương rất buồn và ngay cả các cán bộ, đảng viên, đoàn viên người dân tộc cũng không đồng tình.
Rừng nguyên sinh được bảo tồn là do đồng bào dân tộc rất kính trọng, thậm chí nói cho đúng là sợ hãi các “thần rừng, ma rừng”, chính nỗi sợ hãi này đảm bảo cho an ninh cộng đồng, đảm bảo cho đời sống dân cư yên lành. Một ngày nào đó nếu có người nói rằng làm gì có thần linh thì hệ quả sau đó sẽ thật là tai hại, rừng sẽ hết và như thế những “điều thiêng cũng hết”.
Có một nguyên lý phát triển như thế này. Nếu các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của một cộng đồng đang được vận hành trơn tru, yên bình do các yếu tố nội sinh của nó thì không nhất thiết phải đưa tất cả mọi cái bên ngoài vào can thiệp, bởi sự can thiệp không đúng, trong nhiều trường hợp là thô bạo, sẽ làm cho các nhân tố “tự điều chỉnh” bị biến dạng (mặc dù đúng là có những hủ tục rất lạc hậu, hoàn toàn không còn phù hợp với đời sống mới thì cần chỉ ra để loại bỏ).
Một ví dụ điển hình nhất là tái định cư. Do cần đất làm công trình công cộng, ngăn sông làm thủy điện, nhà đầu tư tiến hành xây dựng các cụm nhà ở theo một loạt quy chuẩn cư trú, đô thị…, mà sau đó những cụm nhà này không phù hợp với lối sống, phong tục tập quán của người địa phương.
Một ví dụ khác về khác biệt trong suy nghĩ là khi thấy những người phụ nữ Thái, Dao, Tày, Nùng sau một ngày xuống chợ trở về nhà, trên lưng một gùi hàng nặng, đi bộ, tay dắt ngựa thồ với một ông chồng ngồi ngất ngưởng ở trên, say khướt, nhiều khách phương xa nói như thế là xấu, là bất bình đẳng, cần đấu tranh bãi bỏ. Nhưng họ đâu có biết với người phụ nữ địa phương đó thì đó là hạnh phúc được dắt chồng, tự hào với mọi người có chồng biết say và mình là người vợ biết chiều chồng.
Trong tác phẩm “Pơtao – Một lý thuyết về quyền lực ở người Jơrai Đông Dương” của nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp Jacques Dournes, do nhà văn Nguyên Ngọc dịch có đoạn “Một nền văn hóa lý thú là ở chỗ nó khác với nền văn hóa khác. Nó đáng chú ý là ở chỗ những sự khác biệt của nó chứ không phải do những chỗ giống nhau với một nền văn hóa nào đó”(1). Chính cái khác nhau đó làm cho các dân tộc khác nhau tồn tại một cách mạnh mẽ và có ý nghĩa.
——–
(1) Jacques Dournes . Pơtao-Một lý thuyết về quyền lực ở người Jơrai Đông Dương. Nguyên Ngọc dịch. NXB Trí Thức, 2013, trang 20-21.