Tháo gỡ điểm nghẽn lao động, chính sách và hạ tầng để cùng nhà đầu tư phát triển

(KTSG Online) – Thiếu lao động, bất ổn về năng lượng và nguồn cung cấp điện, thiếu trung tâm dữ liệu và trung tâm logistics đang khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, các chính sách mới ban hành phải đảm bảo mục tiêu vừa tháo gỡ khó khăn, vừa không tạo thêm những rào cản mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên phải) với các đại biểu tham dự hội nghị ngày 17-9. Ảnh: TTXVN

Những rào cản với nhà đầu tư nước ngoài

Tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển” vào sáng 17-9, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, cho biết dù dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng với mức hơn 59% vào năm 2021 và hơn 45% năm 2022.

Kết quả khảo sát của JETRO năm 2021 cho thấy 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động, mức cao nhất trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng xếp thứ hai trong hạng mục câu trả lời “là nơi mà các quốc gia muốn mở rộng đầu tư” của các công ty mẹ tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, đại diện JETRO cũng nêu một số rào cản với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Về lao động, ông Nakajima Takeo cho biết một số công ty doanh nghiệp phải cắt giảm kế hoạch đầu tư do tình trạng thiếu công nhân. Vì vậy, các chính quyền địa phương nên khuyến khích đào tạo công nhân và cung cấp chỗ ở, phương tiện đi lại.

Còn ông Tim Evans, CEO HSBC tại Việt Nam, khuyến nghị Chính phủ tập trung vào phát triển nhiều lao động có kỹ năng hơn vì đây yếu tố quan trọng để thúc đẩy và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có giá trị cao như bán dẫn, kỹ thuật ô tô, fintech, logistic.

“Khi Việt Nam tiếp tục thăng hạng giá trị, sự sẵn có của nguồn lao động lành nghề là một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Tim Evans nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG) kiến nghị Chính phủ ưu tiên điều chỉnh các ngành công nghiệp theo hướng kỹ thuật số hóa và cải thiện khả năng tiếp cận các chương trình đào tạo tại chỗ trong các lĩnh vực này.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường cam kết hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để phát triển thêm nhiều chương trình đào tạo được cụ thể hóa, thiết kế riêng cho từng mảng kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Về hạ tầng, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội phản ánh việc doanh nghiệp thiếu hụt và rất cần các trung tâm logistic và trung tâm dữ liệu.

Còn Phó chủ tịch SBG đề xuất xây dựng những chính sách và quy định cụ thể rằng các ngành kinh doanh khác, gồm kinh doanh kho bãi, logistics, các dịch vụ liên quan đến thương mại điện tử có thể được thực hiện trong các khu công nghiệp.

Hoạt động kho bãi, theo đại diện SB, là việc cho thuê lưu kho hàng hóa. Liên quan đến hoạt động này có thể bao gồm việc xếp hàng, đóng gói, phân loại, xếp gói, và vận chuyển các sản phẩm.

Một loại hình kinh doanh kho bãi khác là các trung tâm thực hiện, nơi một bên thứ ba cung cấp dịch vụ logistics và thực hiện các đơn đặt hàng cho khách hàng của các nhà bán lẻ thương mại điện tử, qua đó giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp thương mại điện tử trong việc quản lý quy trình logistics.

Với sự phát triển của lĩnh vực logistics và thương mại điện tử và sự chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, các khoản đầu tư vào kho bãi và trung tâm thực hiện để hỗ trợ các lĩnh vực này đang tăng lên. Tuy nhiên, không nhiều nhà đầu tư có thể tìm được địa điểm phù hợp để thực hiện các hoạt động kinh doanh này. Còn các hoạt động kinh doanh được phép tiến hành trong các khu công nghiệp hiện khá hạn chế.

“Chúng tôi khuyến nghị có thể đưa thêm các hoạt động kinh doanh dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử vào danh mục các hoạt động kinh doanh được thực hiện trong các khu công nghiệp, và đất đai/địa điểm bên trong hoặc ngoài các khu công nghiệp có thể được quy hoạch lại để phục vụ cho các mục đích kinh doanh này”, Phó chủ tịch SBG kiến nghị. Về chính sách thu hút đầu tư, CEO HSBC tại Việt Nam phản ánh về kỳ vọng thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam trong 3 tháng của nhà đầu tư, nhưng thực tế cần khoảng 6-9 tháng.

Thông tin thêm, Phó chủ tịch SBG cho biết thủ tục rườm rà là nguyên nhân chính dẫn tới thời gian xin cấp Giấy phép kinh doanh bị kéo dài, gây nhiều phiền toái và lãng phí thời gian.

“Cần nộp và bổ sung rất nhiều lần cho các câu hỏi của Bộ Công Thương và Sở Công Thương. Việc này có thể kéo dài từ 4 đến 12 tháng”, Phó chủ tịch SBG nói.

Với vấn đề trên, CEO HSBC mong muốn sự trao đổi thường xuyên, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp FDI để làm rõ các quy định và chính sách liên quan đến dòng vốn, tài trợ, việc thành lập doanh nghiệp và các ưu đãi cụ thể theo ngành liên quan đến thu hút FDI.

“Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI tiềm năng và các công ty FDI hiện tại hiểu rõ hơn về môi trường địa phương”, ông Tim Evans nói.

Vị này cũng khuyến nghị các cơ quan quản lý cập nhật các khuôn khổ pháp lý về thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam và đưa Việt Nam ra chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh các vấn đề trên, sự bất ổn về năng lượng, nguồn cung cấp điện thiếu ổn định không bảo đảm chắc chắn với hoạt động sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao của doanh nghiệp, theo Trưởng đại diện JETRO.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị ngày 17-9. Ảnh: TTXVN

Cùng hợp tác, giải quyết khó khăn và nắm bắt cơ hội để phát triển

Tổng kết, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết các vấn đề gồm: chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; thiếu hụt nguồn cung lao động cục bộ, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi chính sách và việc triển khai còn thiếu thống nhất ở một số khâu đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Để đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, ông khuyến nghị chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư để tháo gỡ. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp như kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; đa dạng hóa đối tác và giảm chi phí đầu vào.

Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, khẳng định Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam “với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm;” lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.”

Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường-chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua Chính phủ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trước đó, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức các hội nghị về phát triển lành mạnh, bền vững thị trường vốn, bất động sản, thị trường lao động…

Ông cho biết đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.

Thủ tướng kỳ vọng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cường sự liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

“Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam, góp phần đề cao của chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, chung tay, chung sức đồng lòng, vì một Trái đất yên bình và xanh, vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, không để ai lại phía sau”, Thủ tướng nói.