(KTSG) – Dù cả dòng tiền và lượng giao dịch đều bị sụt giảm mạnh trong 10 tháng qua nhưng các nhà đầu tư và giới phân tích đều nhận định thị trường M&A (mua bán và sáp nhập doanh nghiệp) tại Việt Nam vẫn hấp dẫn và có nhiều tiềm năng để nhận vốn đầu tư, và khi mà nhiều công ty đang khát tiền mặt thì bên mua đang ở thế thượng phong.
Khối ngoại xoay chuyển, khối nội tăng tốc
Báo cáo mới nhất của Công ty phân tích dữ liệu Global Data cho thấy, hoạt động M&A toàn cầu từ đầu năm đến nay bị sụt giảm mạnh và có thể tiếp tục sụt giảm vào năm tới. Trong bối cảnh chung đó, thị trường M&A của Việt Nam cũng rơi vào giai đoạn trầm lắng hơn so với sự sôi động của hai năm qua.
Theo dữ liệu từ Công ty Kiểm toán KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2022 tổng giá trị M&A ở Việt Nam đạt 5,7 tỉ đô la Mỹ, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số lượng giao dịch giảm phân nửa, xuống mức dưới 350 giao dịch so với năm ngoái. Quy mô trung bình cho một giao dịch được công bố là 16,5 triệu đô la, giảm gần phân nửa so với năm ngoái.
Lý giải về sự sụt giảm này, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, cho rằng các bên tham gia giao dịch năm nay có xu hướng thận trọng hơn, một phần do những lo ngại về địa chính trị trên toàn cầu cùng nguy cơ về lạm phát cao gây ảnh hưởng đến các giao dịch xuyên quốc gia.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong năm nay thường là nhà đầu tư chiến lược nhiều hơn đầu tư tài chính, có xu hướng cẩn trọng hơn trong việc tìm kiếm những giao dịch và tài sản mang lại nhiều giá trị cộng hưởng về mặt chiến lược cao hơn bên cạnh lợi nhuận.
Rất nhiều công ty Việt Nam đang ưu tiên tăng thanh khoản, tăng tiền mặt nên thị trường M&A đang được giới phân tích xác định sẽ là thị trường của người mua, nghĩa là bên mua nắm ưu thế lớn trong quá trình lựa chọn, đàm phán thay vì cả bên mua và bán giữ được thế cân bằng trong một giao dịch.
Đáng chú ý, từ trước đến nay, các hoạt động M&A chủ yếu xuất phát từ các nhà đầu tư nước ngoài, như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong vài năm qua, thị trường chứng kiến sự chuyển dịch sang các công ty trong nước khi họ ngày càng đóng vai trò tích cực hơn trong các hoạt động M&A.
Nhìn lại thời điểm năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam xếp thứ ba về giá trị giao dịch trên thị trường M&A, sau Singapore và Hàn Quốc. Đến năm 2020, doanh nghiệp Việt vươn lên dẫn đầu với giá trị giao dịch hơn 2,2 tỉ đô la trước khi lùi về vị trí thứ hai trong năm ngoái.
Còn trong 10 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam quay lại dẫn đầu với giá trị các giao dịch hơn 1,3 tỉ đô la, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp Việt Nam như Masan, Thaco… được ban tổ chức M&A Vietnam Forum 2022 gần đây bình chọn là những cái tên nổi bật trên thị trường M&A qua các thương vụ mang tính dẫn dắt.
Ngược lại, tuy giảm về lượng, song hoạt động M&A của nhà đầu tư ngoại lại tăng về chất. Khối ngoại, tiêu biểu là các nhà đầu tư Singapore, Mỹ, Hàn Quốc và Tây Ban Nha vẫn đóng góp đến hơn 40% tổng giá trị thương vụ trong năm nay.
Mua thì ít, bán thì nhiều
Lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị đã trở thành những nguyên nhân hàng đầu khiến thị trường M&A hạ nhiệt. Trong khi đó, rất nhiều công ty Việt Nam đang ưu tiên tăng thanh khoản, tăng tiền mặt nên thị trường M&A đang được giới phân tích xác định sẽ là thị trường của người mua, nghĩa là bên mua nắm ưu thế lớn trong quá trình lựa chọn, đàm phán thay vì cả bên mua và bán giữ được thế cân bằng trong một giao dịch.
Theo bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, theo nghiên cứu của các công ty quốc tế, vòng quay tiền trung bình của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam tăng thêm hai tuần trong năm qua, các doanh nghiệp thông thường cần thêm khoảng 20% vốn lưu động để duy trì mức kinh doanh như bình thường.
“Rất nhiều công ty Việt Nam ưu tiên tăng thanh khoản, tăng tiền mặt nên bây giờ thị trường là của người mua chứ không phải của người bán”, bà Hảo nói.
Đồng quan điểm, ông Bùi Ngọc Anh thuộc Công ty Luật VILAF, cho rằng hiện có nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền nên muốn bán tài sản, gọi thêm vốn. Bên mua vì có nhiều sự lựa chọn nên không vội vàng. Họ ưu tiên chất lượng hơn số lượng, vì thế thong thả đàm phán các điều khoản có lợi hơn hoặc yêu cầu bên bán cung cấp thêm thông tin khiến thời gian chốt thương vụ kéo dài hơn.
“Nhiều nhà đầu tư có tiền mặt xem giai đoạn biến động mạnh là cơ hội để mua các doanh nghiệp, dự án với mức định giá hấp dẫn”, ông Anh nói.
Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, cho rằng xu hướng M&A trầm lắng là cơ hội cho các nhà đầu tư có sẵn tiền mặt mua lại các dự án hấp dẫn. Ông dự báo các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp mặt nhiều hơn trong các thương vụ, vì nguồn tiền trong nước đang hạn hẹp trong khi lãi suất tăng và thanh khoản ít dần.
Động lực để kỳ vọng tăng trưởng
Dù thị trường đang trầm lắng nhưng theo giới phân tích không có nghĩa là sẽ rơi vào trạng thái “ngủ đông” và thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính lớn, thực hiện mua các dự án hấp dẫn với định giá tài sản hợp lý hơn.
Theo ông Seck Yee Chung, luật sư hợp danh, Công ty Luật Baker & McKenzie, nhiều quỹ đầu tư đang ngắm nghía thị trường M&A Việt Nam, trong đó, các doanh nghiệp Nhật Bản có quy mô 2-3 tỉ đô la đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư vào Việt Nam.
Tương tự, theo quan sát của ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia của Tập đoàn Recof, các doanh nghiệp Nhật Bản nhận ra họ đã bỏ qua nhiều cơ hội đầu tư trong đại dịch Covid-19. Từ năng lực tiếp cận nguồn vốn rẻ, nhà đầu tư Nhật đang tìm kiếm các cơ hội trong thị trường dân số trẻ như Việt Nam.
“Việt Nam là điểm hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản vì đang trong thời kỳ dân số trẻ, đặc biệt Việt Nam là quốc gia có GDP tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á”, ông Yoshida nói, và nhận định: “Các công ty Nhật Bản nhìn về điểm tích cực, tin tưởng vào tương lai ở Việt Nam. Khi các nhà đầu tư khác thoái vốn khỏi Việt Nam, thì nhà đầu tư Nhật Bản sẽ bước vào, tất nhiên cũng phải theo dõi, nghiên cứu thêm thị trường”.
Đồng quan điểm, ông Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH ASL, đánh giá các nhà đầu tư truyền thống với pháp nhân từ Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Singapore sẽ là đối tác “hợp khẩu vị” trong M&A với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giữ vững ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng khá, vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát cùng với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển, giúp Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn, an toàn, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đây sẽ là những động lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023, là động lực để thị trường M&A Việt Nam tiếp tục phát triển.
Lĩnh vực nào thu hút vốn?
Xét về lĩnh vực, Recof Việt Nam cho rằng lĩnh vực thương mại, công nghệ thông tin, kỹ thuật số và bất động sản đã là lĩnh vực được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. Nhưng trong những năm tới, thực phẩm và chế biến thực phẩm, công nghệ số, đặc biệt ngành bán lẻ sẽ là mối quan tâm của các nhà đầu tư Nhật.
Ở một góc nhìn khác, ông Warrick Cleine nhận định, người dân Việt Nam đang có xu hướng mở nhiều tài khoản mua sắm, tham gia tích cực vào thương mại điện tử, tăng chi tiêu cho giáo dục, y tế… “Thị trường tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển, kể cả lạm phát. Do đó đây là lĩnh vực hấp dẫn vốn M&A”, ông Cleine nói.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và tầm quan trọng ngày càng tăng của phát triển bền vững cũng thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng dù có chững lại nhưng có thể chờ đợi lĩnh vực này bùng nổ trong năm 2023 và những năm sau đó.
Còn theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, dù thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn rất khó khăn, nhưng trong quá trình làm việc với các nhà đầu tư, cho thấy sự quan tâm đáng kể đến việc phát triển các dự án bất động sản, gồm căn hộ, bất động sản công nghiệp, thương mại…
Ông Phạm Duy Khương cho rằng điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư là Việt Nam có thị trường gần 100 triệu dân. Ngoài ra, lĩnh vực tiềm năng trong năm 2023 vẫn tập trung vào thực phẩm, nông nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các bên phải chú trọng vào chi phí và thời gian thẩm định pháp lý bởi thẩm định pháp lý mất rất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, dù là lĩnh vực nào, ông Warrick Cleine cho rằng điều kiện thị trường không thuận lợi sẽ buộc các nhà đầu tư phải thận trọng hơn với các tiêu chí định giá. Sự gia tăng của phong trào “ESG” (Môi trường – Xã hội – Quản trị) cho thấy đây sẽ là xu hướng khắt khe đối với các giao dịch M&A mục tiêu để nhận được cái gật đầu từ phía các nhà đầu tư.
“Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các bên phải chú trọng vào chi phí và thời gian thẩm định pháp lý bởi thẩm định pháp lý mất rất nhiều thời gian”, ông Phạm Duy Khương nói, và cho rằng vấn đề pháp lý, một mắt xích đặc biệt đang và sẽ được chú trọng trên thị trường M&A khi mà bên mua “không còn nhiều như xưa”.
Đáng chú ý, theo đại diện KPMG, nhà đầu tư quyết định có M&A hay không thường dựa trên dự báo tài chính cho 5 năm hoặc 10 năm trong tương lai để biết được lợi nhuận đầu tư vào doanh nghiệp như thế nào. Tuy nhiên, các nhà đầu tư khó tìm được sự minh bạch từ các báo cáo tài chính của doanh nghiệp bởi vì Việt Nam là một trong 7 quốc gia không áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).