Thị trường tài chính toàn cầu ‘nín thở’ theo dõi Fed tăng lãi suất

(KTSG Online) – Các tín hiệu mới cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu đang kém đi, còn trên thị trường tài chính quốc tế, các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho đợt thắt chặt tiền tệ tiếp theo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chỉ số S&P 500 có tuần giảm mạnh sau thông tin lạm phát.

Trong tuần trước, các chỉ số chính của Phố Wall tiếp tục giảm mạnh khi đón nhận các tin tức tiêu cực.

Theo đó, FedEx, ông lớn trong lĩnh vực giao nhận cho biết phải đóng cửa một số văn phòng và cắt giảm hoạt động, do nhu cầu vận tải suy giảm. Tương tự, nhiều doanh nghiệp lớn khác như Goldman Sachs đang lên kế hoạch cắt giảm nhân sự, trong khi General Electrics lo ngại lợi nhuận sụt giảm vì các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên cuối tuần giảm 0,45%, S&P 500 giảm 0,72%, Nasdaq Composite giảm 0,9%. Còn chỉ số STOXX 600 (châu Âu) cũng giảm 1,58%.

Tính theo tuần, chỉ số Dow Jones giảm 4,1%, còn chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt giảm 4,8% và 5,5%. Đây là tuần giảm điểm mạnh nhất của S&P và Nasdaq kể từ tháng 6, đồng thời là tuần giảm điểm thứ 4 trong 5 tuần gần nhất của cả ba chỉ số chính trên sàn chứng khoán Mỹ.

Hồi giữa tuần, thị trường tài chính toàn cầu cũng đón nhận thông tin về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng vượt kỳ vọng, lên mức 8,3%. Dù vẫn giảm so với tốc độ tăng trước đó, nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng điều đáng lo là chỉ số CPI lõi vẫn tiếp tục tăng cao, dù giá năng lượng có hạ nhiệt.

Số liệu mới cập nhật cho thấy các quỹ đầu tư cổ phiếu của Mỹ ghi nhận dòng chảy bán ròng tuần thứ tư liên tiếp, tính đến ngày 14-9. Theo dữ liệu của Refinitiv Lipper, được Reuters dẫn lại, các nhà đầu tư đã bán ròng 10,52 tỉ đô la cổ phiếu Mỹ, sau khi bán ròng 14,6 tỉ đô la trong tuần trước đó.

Trong khi đó, đồng đô la Mỹ cuối tuần tăng nhẹ, sau thông tin về tâm lý người tiêu dùng được cải thiện trong tháng 9, theo kết quả khảo sát của  Đại học Michigan.

Chỉ số đồng đô la, đo lường giá trị với rổ tiền tệ, đã giảm 0,1% trong ngày cuối tuần, xuống còn 109,68. Tính theo tuần thì chỉ số này đã tăng 0,6% và nó tăng khoảng 15% trong năm cho đến nay, tiếp tục gây áp lực lên các đồng tiền khác.

So với đồng đô la thì đồng euro tăng 0,09%, lên 1,0008 đô la đổi một euro. Đồng yen Nhật tăng 0,40% so với đồng bạc xanh ở mức 142,94 mỗi đô la, trước đó tỷ giá này đã lên mức cao kỷ lục trong vòng 24 năm hồi giữa tuần. Còn đồng bảng Anh giao dịch ở mức 1,142 đô la, giảm 0,38% trong ngày, theo số liệu của Reuters.

Trước diễn biến chững lại của đồng đô la, vàng có lúc tăng vào cuối tuần. Vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.674,17 đô la/ ounce. Tuy nhiên, trong tuần qua kim loại quý này giảm đến 80 đô la mỗi ounce, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 4-2020.

Trrong tuần này, Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Ngân hàng trung ương Anh dự kiến ​​sẽ có các cuộc họp về chính sách tiền tệ, nhưng rõ ràng tín hiệu từ Fed sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.

Hiện các nhà đầu tư kỳ vọng khả năng cao về việc tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), nhưng cũng có kịch bản mức tăng lên đến 100 điểm cơ bản, sau thông tin về chỉ số lạm phát tăng mạnh hơn kỳ vọng. Bên cạnh việc tăng lãi suất, Fed cũng sẽ tăng động thái thu hẹp bảng cân đối tài sản khoảng 95 tỉ đô la mỗi tháng, động thái “hút tiền” này cũng kéo theo lo ngại có thể làm tăng thêm sự biến động trên thị trường tài chính.

Theo thống kê, chỉ số biến động Cboe (VIX), thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, đã tăng trở lại sau khi giảm vào đầu tháng 9. Theo đó, chỉ số này tăng tăng 1,38 điểm lên 27,65, sau khi chạm mức cao nhất trong hai tháng là 28,45. Chỉ số càng cao càng cho thấy sự lo ngại của nhà đầu tư về triển vọng ngắn hạn đối với cổ phiếu.